Ngành du lịch Việt Nam năm 2023 đã đạt được những kết quả khả quan trong mục tiêu thu hút cả khách quốc tế cũng như khách nội địa. TS Hoàng Thị Điệp, nguyên Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết.
PV: Bà đánh giá như nào về thành quả của ngành du lịch Việt Nam năm 2023?
TS Hoàng Thị Điệp: Năm qua, các hoạt động, sự kiện du lịch diễn ra sôi động trong cả nước tạo ra nội lực tăng trưởng và phục hồi cả hoạt động du lịch nội địa và quốc tế. Chính sách về visa đã có những thay đổi mạnh mẽ theo hướng tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho khách du lịch. Hệ thống sản phẩm du lịch liên tục được làm mới, đa dạng, tăng sức hấp dẫn và khả năng cạnh tranh cho du lịch Việt Nam.
Các thị trường lớn đã mở cửa và phục hồi đem lại nguồn khách lớn. Đây chính là các tác động mạnh thu hút khách quốc tế. Chúng ta hy vọng với kết quả tốt đẹp này du lịch Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng trong thời gian tới.
Du lịch Việt Nam cũng đã giành được nhiều giải thưởng danh giá của quốc tế như được vinh danh là Điểm đến Di sản hàng đầu thế giới năm 2023 tại lễ trao giải thưởng Du lịch thế giới (WTA) tổ chức tại Dubai (UAE). Những giải thưởng này là sự ghi nhận của bạn bè, đối tác quốc tế trên toàn thế giới đối với du lịch Việt Nam, tiếp tục là động lực để Việt Nam khai thác tiềm năng du lịch to lớn, không ngừng đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, lan tỏa sức hút của du lịch Việt Nam, tiếp tục là động lực cạnh tranh tích cực để Việt Nam tiếp tục thu hút du khách quốc tế trên toàn cầu đến khám phá và trải nghiệm trọn vẹn tại Việt Nam.
Việt Nam có nguồn tài nguyên di sản phong phú. Theo đánh giá của bà, nguồn tài nguyên này có vai trò như thế nào đối với việc thu hút, hấp dẫn du khách?
- Có thể khẳng định hoạt động du lịch dựa vào di sản ở nhiều nơi đã và đang trở thành động lực sinh kế, ngành kinh tế chủ lực của địa phương. Du lịch di sản vừa tạo ra thu nhập, việc làm vừa tạo nguồn lực để bảo tồn và phát huy giá trị di sản; đồng thời hỗ trợ tích cực nâng cao chất lượng cuộc sống, làm cơ sở hình thành quy tắc ứng xử phù hợp giữa người dân với khách du lịch và với di sản. Một phần doanh thu từ du lịch di sản được quay trở lại tái đầu tư vào việc bảo tồn, tôn tạo, tôn vinh, phục dựng và quản lý di sản. Với ý nghĩa đó, du lịch di sản đóng góp to lớn cho bảo tồn và phát huy bền vững di sản văn hóa.
Tuy nhiên, trong xu hướng du lịch tăng trưởng mạnh đã có những tác động tiêu cực tới di sản như: thương mại hóa quá mức, quá tải về khách, lạm dụng di sản, phục dựng sai quy cách làm cho di sản nhanh xuống cấp, nhạt nhòa giá trị, đe dọa tới tính nguyên vẹn của di sản. Du lịch là một ngành kinh tế tổng hợp, tính liên ngành, liên vùng và xã hội hóa cao, vì vậy muốn phát triển bền vững đòi hỏi sự nỗ lực chung của toàn xã hội. Mục tiêu của phát triển bền vững mang tới sự hài hòa giữa kinh tế - xã hội và môi trường nhưng không làm ảnh hưởng tới tương lai.
Vậy theo bà, cần phải lưu ý gì khi khai thác du lịch với các điểm đến di sản?
-Để thực hiện những mục tiêu trên, cần xác định được các nguyên tắc của phát triển du lịch bền vững, lấy làm kim chỉ nam cho những hoạt động tiếp theo, giúp du lịch di sản phát triển bền vững trong tương lai. Cụ thể, để phát triển du lịch di sản đúng hướng và bền vững, cần định hướng hoạt động du lịch và các hoạt động dân sinh khác trong lòng di sản một cách bền vững; quy định chi tiết về quy tắc ứng xử với di sản; khuyến khích cộng đồng địa phương chủ động cùng tham gia quản lý di sản, gắn lợi ích của cộng đồng địa phương với việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản.
Trong thời đại 4.0, chú trọng xây dựng hệ thống dữ liệu số hóa về di sản văn hóa Việt Nam, ứng dụng công nghệ 4.0 trong quản lý khai thác di sản văn hóa và phát triển du lịch di sản… Mặt khác xử lý nghiêm, triệt để những vi phạm đối với di sản kèm với đó đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp, người dân và du khách trong việc bảo tồn di sản.
Trân trọng cảm ơn bà!