Tôi về thăm làng Bát Tràng (Hà Nội) để tìm lại chút xưa cũ trong sự thay da đổi thịt của làng gốm cổ hôm nay. Con đường từ đê Xuân Quan, đường rẽ vào làng kế bên cửa cống của “Công trình đại thủy nông Bắc Hưng Hải” được trải bê bông khá thoáng, một đoạn đường chừng non cây số chạy song song với nhánh dẫn nước từ sông Hồng đưa tôi tới đình làng.
Ông Trần Đức Thuận, Trưởng ban khánh tiết đình Bát Tràng kiêm Trưởng ban Quản lý di tích làng Bát Tràng sau chén trà nóng, đã hào hứng: Nghe các cụ truyền lại thì sau khi được triều đình chấp thuận những người dân Bồ Bát (Bạch Bát) – Ninh Tràng đã “trụ” lại ở bãi đất bên tả sông Hồng này để dựng làng và lập nghiệp. Cũng từ khi đó đình làng được xây dựng.
Truyền tích còn cho biết: Ban đầu đình Bát Tràng chỉ ở dạng “tranh tre nứa lá” nghĩa là cũng rất đơn giản như cuộc sống lúc mới định cư vậy. Đình Bát Tràng đã trải qua nhiều lần chỉnh trang cũng như dựng lại do lũ lụt. Ngôi đình hiện nay được xây dựng vào năm 1720 đời vua Lê Dụ Tông. Đình Bát Tràng được xây theo kiểu chữ Nhị (gồm hai ngôi nhà cách nhau chừng hai mét, nhà phía trong là Hậu cung gồm 3 gian, nhà phía ngoài là tòa đại bái gồm 5 gian 2 chái.
Cột đình làm bằng những cây gỗ lim lớn. Có cột cao tới năm mét, đường kính cũng cỡ nửa mét. Đình Bát Tràng hướng mặt ra sông Hồng, trông sang bờ hữu, phía bên ấy nổi lên 5 gò đất cao, theo phong thủy thì đó là “Ngũ nhạc” rất hợp cho tâm linh sinh địa linh.
Ông Vũ Văn Đoàn, Phó ban Đại diện nhân dân làng Bát Tràng nói thêm: Bến nước trước cửa đình Bát Tràng hồi ấy trở thành một “thương cảng” đón thuyền buôn cập bến ăn hàng. Các cụ có kể là hồi đó thuyền buôn trong nước và nước ngoài ghé vào ăn hàng rất tấp nập. Sân trước cửa đình cũng trở thành một cái chợ của làng. Chợ hồi ấy buôn bán gạch gốm là chính, thi thoảng có mặt hàng phục vụ dân sinh như gạo, rau, mắm muối. Sau này chợ được chuyển vào trong làng để giữ sự tôn nghiêm của đình.
Nghe ông Đoàn nói vậy tôi lại nhớ câu ca “Ước gì anh lấy được nàng/ Để anh mua gạch Bát Tràng về xây”, câu ca phần nào nói lên việc những viên gạch Bát Tràng quý và tốt đến chừng nào.
Về hình dáng bên ngoài đình Bát Tràng cũng giống như các ngôi đình làng ở vùng Bắc bộ, nhưng đình Bát Tràng lại có những điểm khác biệt thú vị. Đầu tiên là phía mặt tiền của đình. Nếu như mặt tiền của hầu khắp các ngôi đình là hai gian hai bên đầu hồi được xây tường chỉ trổ cửa sổ hình tròn, hoa cửa là chữ Thọ, còn lại các gian khác của mặt tiền đều được mở thành nhiều cửa đại (từ 3 cho tới 5 cửa to rộng với nhiều cánh cửa).
Vào dịp làng có việc thì các cánh cửa đại được mở toang rộng rãi cho dân làng và du khách dễ dàng vào trong đình khấn bái. Còn đình Bát Tràng lại khác, mặt tiền của đình chỉ có một cửa ra vào ở gian chính giữa với bốn cánh cửa. Một cánh bên trái, một cánh bên phải và hai cánh ở giữa, cửa mở thẳng vào chính điện. Còn mặt tiền các gian hai bên đều bưng bằng gỗ và chỉ trổ các cửa sổ không chấn song để đón gió và đón nắng.
Do đó khi “việc làng” được tiến hành tại đình thì số lượng người ra vào trong đình rất hạn chế, ra vào phải có tuần tự theo ngôi thứ theo chức bậc trong làng, xong lượt này vào khấn bái rồi mới tới lượt khác vào tiếp. Cách thức ấy giữ cho “không khí” buổi lễ trong đình được tôn nghiêm.
Đặc biệt bên trong đình ngoài gian chính điện được giữ nguyên nền và lát gạch đỏ khổ vuông ra thì nền nhà các gian hai bên chính điện đều được nâng cao (khoảng sáu bảy chục phân). Tạo thành mặt sàn và được lát gỗ lim. Ông Đoàn nói thêm: Mặt sàn nâng cao hơn mặt nền nên khi có việc những vị có tuổi cao, các vị chức sắc và học thức được mời lên đó ngồi trên những chiếc chiếu hoa đã trải.
Ra là vậy, vào trong đình và được ngồi trong đình không phải ai cũng muốn là được, do đó được ngồi trong đình là một vinh dự lớn. Trước khi lên sàn ngồi các vị cao niên hay chức sắc đều phải trút bỏ guốc, giày, dép rồi mới theo bậc để bước lên sàn ngồi khoanh chân bàn việc của làng.
Tiếp đó hai bên tả hữu trong đình là hai ban thờ trông mặt vào nhau chứ không như các đình làng khác ngoài ban thờ chính điện (thông thường các ban thờ hai bên chính điện cùng hàng ngang và đều cùng quay mặt ra cửa). Giải thích về chuyện này ông Thuận cho biết: Ban thờ bên tả là thờ Tổ nghề, ban thờ bên hữu là thờ những người con của làng đã hy sinh cho đất nước, cho dân tộc. Người làng muốn các vị Tổ nghề và những người đã hy sinh cùng trông mặt vào nhau và cùng “trầu” vào ban thờ chính điện được thờ Thành hoàng làng để cùng nhau nhắc nhở các thế hệ nối tiếp.
Đình Bát Tràng cũng như các ngôi đình nói chung là thờ Thành hoàng làng nhưng lại khác là đình Bát Tràng lại thờ tới Lục vị Thành hoàng làng. Trong đó có ba vị Tiên thần và ba vị Nhân thần. Các vị Thành hoàng đều là những nhân vật Trí, Dũng, Trung, Nhân, Hiếu, Lễ ở trong dân gian. Người làng Bát Tràng tôn làm Thành hoàng làng mình là thể hiện sự tôn kính và mong muốn các vị phù hộ độ trì cho dân làng được an lành, làm ăn phát đạt muôn đời muôn kiếp.
“Không vị nào là “người đầu tiên” lập nên làng cả?”, tôi thắc mắc. Ông Đoàn vội giải thích: Vào mùa xuân năm 1010, có năm dòng họ gồm Trần, Nguyễn, Vương, Lê và Phạm từ các làng gốm ở làng Bồ Bát (Bạch Bát) và Ninh Tràng trong Hoa Lư theo Vua Lý Công Uẩn thiên đô về đây lập nghiệp và dựng nên làng Bát Tràng. Do vậy nên cả năm dòng họ đó đều là những người đầu tiên lập nên làng.
Được biết Lục vị Thành hoàng được thờ trong đình có một vị được coi là Tổ nghề, đó là Đức Lưu Thiên Tử Đại Vương, dân làng gọi là Đức Thánh Cả. Thần tích kể rằng: Thuở thanh niên Ngài vốn là một thợ gốm ở làng Bạch Bát đã theo Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn Mười hai sứ quân, một sáng khi Ngài đang ngồi ngoài sân thì có một đám mây hình con rồng sà xuống đón Ngài về trời. Dân Bạch Bát (Ninh Bình) đã tôn Ngài là Thành hoàng làng. Khi phường Bạch Thổ, làng Bát Tràng hiện nay, được lập thì những người dân đã về chốn cũ rước chân hương của Ngài ra “quê mới” để thờ, tôn vinh Ngài là Thành hoàng làng và là vị Tổ nghề gốm của làng Bát Tràng.
Với cách tôn vinh đó đã chứng tỏ: Người Bát Tràng mãi nhớ quê xưa, mãi ơn những người đã cho họ nghiệp nghề.
Hầu hết, đồ gốm Bát Tràng được sản xuất theo lối thủ công, thể hiện rõ rệt tài năng sáng tạo của người thợ lưu truyền qua nhiều thế hệ. Do tính chất của các nguồn nguyên liệu tạo cốt gốm và việc tạo dáng đều làm bằng tay trên bàn xoay, cùng với việc sử dụng các loại men khai thác trong nước theo kinh nghiệm nên đồ gốm Bát Tràng có nét riêng là cốt đầy, chắc và khá nặng, lớp men trắng thường ngả màu ngà, đục.
Vậy là làng Bát Tràng với nghề gạch, gốm đã ra đời từ đấy. Một làng quê giữa vùng đồng bằng Bắc Bộ mà người dân không hề làm nghề nông. Đã hơn ngàn năm trôi qua, làng Bát Tràng vẫn duy nhất một nghề - đó là nghề gốm cổ truyền, thứ nghề mà những người đầu tiên đã mang theo từ quê cũ ở miệt Hoa Lư.