Ngôi đền với lịch sử hơn 350 năm là nơi được chọn để lưu giữ xương cốt, thờ phụng cá Ông. Việc làm mang ý nghĩa tâm linh này được người dân phường Nghi Hải, thị xã Cửa Lò (Nghệ An) thực hiện từ hàng trăm năm nay. Bên cạnh đó, đây còn là nơi thờ Bản cảnh Thành hoàng, một vị ân nhân đã cứu chữa cho người dân trong một đại dịch xảy ra cách đây hàng trăm năm.
Chuyện về ngôi đền thiêng
Vùng đất Cửa Lò, Cửa Hội bao lâu nay nổi tiếng là một bãi biển đẹp, hải sản phong phú, ngư dân cần mẫn làm ăn. Khi cư dân Nghi Hải lênh đênh trên biển cả mênh mông, ngày đêm đánh bắt hải sản, có lúc gặp sóng to, gió lớn mà tai qua nạn khỏi thì họ càng tin vào một đấng thần linh che chở cho mình. Nếu tín ngưỡng tâm linh là chỗ dựa tinh thần thì thần tượng cá Ông như một đấng thiêng liêng cứu cánh giữa trùng khơi của cư dân chài lưới. Do đó, các cửa sông dọc theo bờ biển Việt Nam, rất nhiều nơi lập đền thờ, miếu thờ cá Ông.
Riêng tại vùng biển Cửa Hội, nói đến đền thờ cá Ông không ai không biết đền làng Hiếu nằm tại phường Nghi Hải, thị xã Cửa Lò. Ngôi đền không chỉ được nhân dân trong vùng tôn thờ, mà còn là địa điểm thu hút hàng nghìn lượt khách phương xa về ghé thăm.
Đền được xây dựng vào thời Lê Trung Hưng để thờ Bản cảnh Thành hoàng. Ngoài ra, đền còn là nơi dân cư miền biển Cửa Hội chọn để thờ các vị thần như: Cao Sơn, Cao Các, Đức Thánh Mẫu, Sát Hải Đại Vương Hoàng Tá Thốn. Đặc biệt, là nơi chôn cất 89 bộ xương cốt cá Ông, thậm chí nhiều bộ xương cốt đã có từ hàng trăm năm nay.
Theo thần tích kể lại, vào năm Nhâm Dần 1782, vùng đất Cửa Hội xuất hiện bệnh dịch tả hoành hành, các thầy lang trong vùng đều bất lực trước bệnh dịch. Nhiều người dân không qua khỏi, những người còn lại lập đàn kêu trời. Khi đó, bỗng có một vị thầy lang đi qua, cứu chữa cho nhân dân một cách thần kỳ. Sau khi bệnh dịch được dập tắt, người này cũng biến mất không để lại danh tính.
Để tưởng nhớ công lao to lớn của vị ân nhân này, nhân dân đã tôn ông là Bản cảnh Thành hoàng và dựng đền làng Hiếu để thờ phụng. Thần thường hiển linh bảo quốc, hộ dân, được các triều đại phong kiến sắc phong Bản cảnh Thành hoàng Đại vương tôn thần.
Ông Võ Văn Hạ (75 tuổi), Chủ từ đền không nhớ đền có từ bao giờ mà chỉ biết rằng: Đền được xây dựng vào cuối thế kỷ XVII, tức đến nay đã hơn 350 năm. Bởi, theo sắc phong của vua Lê Hiến Tông, niên hiệu Cảnh Hưng thì đền làng Hiếu đã có từ lâu. Riêng khu lăng mộ cá Ông có từ thế kỷ thứ XIX.
Ông Hạ được giao nhiệm vụ trông nom, hương khói cho đền làng Hiếu từ năm 2011, nên từng ngóc ngách của ngôi đền ông thuộc như lòng bàn tay.
Theo ông Hạ, trải qua nhiều biến cố lịch sử, đặc biệt là thời kỳ chiến tranh, đền làng Hiếu đã bị hủy hoại khá nhiều. Đến năm 2011, đền được chính quyền cùng người dân góp công, góp sức phục dựng, tôn tạo trên nền đất cũ. Dù được trùng tu nhưng ngôi đền vẫn mang phong cách cổ kính truyền thống. Năm 2015, đền làng Hiếu được UBND tỉnh Nghệ An công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh.
Lăng mộ cá Voi
Điều đặc biệt của ngôi đền này so với các ngôi đền khác trên cả nước, thu hút sự hiếu kì của người dân đó chính là khu lăng mộ thờ 89 xương cốt vị “thần ngư” (cá Ông). Trong tâm thức ngư dân nơi đây, cá Ông chính là thần Nam Hải luôn bảo vệ, nâng đỡ họ trước sóng gió, uy lực của đại dương.
Cá Ông có mặt khắp nơi trên biển cả bao la, cặp vào thuyền và dẫn dắt thuyền vào bờ một cách an toàn. Các “ngài” có một vị trí quan trọng trong đời sống tín ngưỡng của ngư dân. Người dân nơi đây quan niệm tuyệt đối không săn bắt và ăn thịt cá voi. Hay mỗi lần gặp cá voi mắc cạn đều ra sức cứu giúp và đưa cá ra biển.
Theo phong tục của ngư dân làng biển này, một khi ai đó phát hiện cá Ông đã chết, dạt vào bờ, đều phải chôn cất với cả tấm lòng thành kính.
Tục lệ của ngư dân đi biển, người nào phát hiện thấy “thần” đầu tiên thì người đó có bổn phận chôn cất và để tang ông như để tang chính cha mẹ mình. Dựa vào kích thước của “thần” mà người dân sẽ nhận biết “vị” nào cá Ông, “vị” nào thần Cô, thần Cậu. Sau khi làm lễ chôn cất, ngư dân sẽ để tang cá ông 3 năm.
Sau thời gian trên, họ sẽ làm lễ cất mồ, mang hài cốt ông về đền làng Hiếu thờ phụng. Hàng năm, những gia đình thờ cá Ông phải tổ chức làm giỗ, trước ngày giỗ phải đến đền thắp hương, khấn mời như người trong gia đình. Còn vào các ngày rằm và dịp lễ hội, đông đảo người dân tìm đến nghĩa trang nằm trong khuôn viên đền làng Hiếu để thắp hương, khấn bái, cầu xin sự bình an.
Ông Hạ cho biết thêm: Trong hàng chục ngôi mộ, có một ngôi rất đặc biệt. Đây là phần mộ, lăng thờ thần cá. Tương truyền đây là “Ông cá” đầu tiên từ thế kỷ XIX được an táng tại đền làng Hiếu. Trong lăng có đặt bệ thờ, chính giữa là bài vị thần ngư, phía sát mái có đề 3 chữ Hán “Lăng Thần Ngư”.
Ông Hạ được những người đi trước kể lại rằng, xưa vùng Cửa Hội thường xuất hiện một con cá voi to như chiếc tàu, đã cứu vớt được rất nhiều ngư dân bị nạn. Khi “ngài” mất, xác trôi vào bờ, ngư dân phải dùng tới 60 đôi chiếu để đắp nhưng vẫn không kín thân. Lễ an táng ngài diễn ra vô cùng long trọng với sự tham gia của hầu hết người dân miền biển này. Về sau, bộ xương của ngài được cất táng vào lăng chính của khu nghĩa trang Ngư Ông cạnh đền làng Hiếu.
“Đến hôm nay, hài cốt của “ngài” vẫn đang nằm trong ngôi mộ lớn này. Đây là phần mộ linh thiêng nhất trong toàn bộ nghĩa trang. Do vậy, mộ ngài được đặt chính giữa trung tâm khu mộ”, ông Hạ cho biết.
Để thể hiện lòng tôn kính đối với cá Ông và các vị thần linh, người dân phường Nghi Hải chọn ngày 15/3 âm lịch để tổ chức lễ hội cầu ngư. Mục đích là cầu cho mưa thuận gió hòa, người dân bình yên trở về, đánh bắt được nhiều tôm cá.
Đây cũng là dịp để bà con động viên nhau bám biển, giúp người dân đoàn kết, gần gũi, xây dựng nét văn hóa đặc sắc.
Lễ hội cầu ngư chính là một điểm nhấn quan trọng, là tín ngưỡng tâm linh của ngư dân vùng biển xứ Nghệ. Lễ hội này còn thể hiện ý thức uống nước nhớ nguồn, tưởng nhớ công đức các vị tiên hiền có công lập đền, dựng nghề.