Trước những áp lực về khả năng lạm phát có thể sẽ cao trở lại, Tổ Điều hành thị trường trong nước, Bộ Công thương đã đưa ra kiến nghị một số giải pháp nhằm giảm áp lực lên chỉ số lạm phát trong thời gian tới.
Dự báo, CPI tháng 7 sẽ tăng tương đương mức tăng CPI tháng 6.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cả nước trong 6 tháng đầu năm 2016 đã tăng 2,35% so với tháng 12/2015. Riêng trong tháng 6, CPI tăng 0,13% so với tháng trước và tăng 1,88% so với cùng kỳ. Con số này được dự báo sẽ còn tiếp tục tăng trong tháng 7 và cả những tháng tiếp theo. Trước những diễn biến nói trên, giới chuyên gia cảnh báo, nguy cơ lạm phát cao trở lại đã và đang hiện hữu, vì thế cần giải pháp để “ghìm cương”.
CPI tăng 5 tháng liên tiếp
Số liệu của Tổng cục Thống kê cho biết, lạm phát cơ bản (CPI sau khi loại trừ lương thực, thực phẩm tươi sống; năng lượng và mặt hàng do Nhà nước quản lý bao gồm dịch vụ y tế và dịch vụ giáo dục) tháng 6/2016 tăng 0,13% so với tháng trước và tăng 1,88% so với cùng kỳ. Tính chung 6 tháng đầu năm, lạm phát cơ bản so với cùng kỳ năm trước tăng 1,8%. So với tháng 12/2015, lạm phát đã tăng 2,35%.
Theo dự báo của Tổng cục Thống kê, tháng 7, CPI tiếp tục tăng so với tháng 6 bởi tác động của những yếu tố như: giá thực phẩm tăng; giá xăng dầu tăng nhẹ do giá dầu diezel tăng; giá vật liệu xây dựng tăng; giá nước sinh hoạt tăng; kỳ thi cao đẳng, đại học diễn ra trên toàn quốc; đồng thời, tháng 7 là tháng du lịch nên tác động đến giá các mặt hàng dịch vụ tăng…
Những diễn biến của chỉ số CPI 6 tháng đầu năm được giới chuyên gia nhận định, sẽ là áp lực ảnh hưởng lớn đến mục tiêu lạm phát ở mức 5% của cả năm 2016. Vì chỉ có duy nhất tháng 1, chỉ số lạm phát được giữ nguyên, còn lại vẫn theo chiều hướng đi lên từ tháng 2 trở đi cho đến nay.
Cũng đưa ra những dự báo về chỉ số CPI trong tháng 7 có chiều hướng tăng, ông Nguyễn Lộc An - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước - Bộ Công thương, thành viên Tổ Điều hành thị trường trong nước phân tích cụ thể: Tháng 7, những vấn đề về chính trị và nhu cầu thực tế tại nhiều nước trên thế giới sẽ tiếp tục tác động đến giá dầu mỏ, khí đốt và ảnh hưởng đến giá các mặt hàng nguyên vật liệu khác.
Bên cạnh đó, thời tiết chuẩn bị vào mùa mưa bão, nên có thể sẽ có hiện tượng tăng giá cục bộ tại một số địa phương. Tuy nhiên, theo ông An, nguồn cung hàng hóa đã được chuẩn bị tốt; công tác phòng chống thiên tai vẫn được các địa phương quan tâm; việc điều chỉnh giá một số loại dịch vụ Nhà nước quản lý đã được các Bộ, ngành liên quan đưa ra phương án hợp lý; một số mặt hàng như lúa gạo đã vào vụ thu hoạch, phân bón, vật liệu xây dựng vào thời kỳ nhu cầu sử dụng không cao… nên giá hàng hóa sẽ khó tăng đột biến. Dự báo, CPI tháng 7 sẽ tăng tương đương mức tăng CPI tháng 6.
Tìm cách giảm áp lực
Trước những áp lực về khả năng lạm phát có thể sẽ cao trở lại, Tổ Điều hành thị trường trong nước, Bộ Công thương đã đưa ra kiến nghị một số giải pháp nhằm giảm áp lực lên chỉ số lạm phát trong thời gian tới.
Cụ thể, thứ nhất, Bộ Y tế cần xem xét giãn tiến độ điều chỉnh tăng phí y tế vào dịp cuối năm, nhằm hạn chế mức tăng CPI chung.
Thứ hai, áp dụng thuế nhập khẩu xăng dầu ở mức thấp nhất tại các mức thuế suất ưu đãi theo các FTA để giảm giá xăng dầu.
Thứ ba, sửa đổi quy định thuế VAT đối với mặt hàng phân bón theo hướng đưa vào diện chịu thuế VAT với mức 0% hoặc 5%.
Thứ tư, đề nghị Bộ Tài chính tiếp tục là đơn vị quản lý giá đối với mặt hàng sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi, Bộ Công thương là đơn vị phối hợp để thống nhất phương pháp quản lý như đối với các mặt hàng khác trong diện bình ổn.
Thứ năm, nhằm tránh tình trạng xuất khẩu lợn qua biên giới bấp bênh và phụ thuộc vào tình trạng quản lý của một số địa phương biên giới Trung Quốc, Bộ NN&PTNT cần phối hợp với Bộ Công thương có kế hoạch cụ thể đàm phán với Chính phủ Trung Quốc để đưa mặt hàng này vào danh mục được phép nhập khẩu vào thị trường Trung Quốc.
Trước đó, nhiều chuyên gia kinh tế cũng đã đưa ra những cảnh báo về việc nguy cơ lạm phát cao có thể quay trở lại trong năm nay.
Theo TS Nguyễn Đức Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), giá dầu thế giới, cộng với hạn hán, thiên tai trong nước… là những yếu tác động khá mạnh đến chỉ số giá tiêu dùng trong thời gian vừa qua và cũng sẽ tiếp tục tạo áp lực lên chỉ số lạm phát thời gian tới. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng nhấn mạnh về xu hướng lạm phát đang có “dấu hiệu tăng lên” và có khả năng vượt qua mục tiêu 5% mà Chính phủ và Quốc hội đề ra.
Với những diễn biến của thị trường, tạo áp lực lên chỉ số lạm phát đẩy chỉ số này tới nguy cơ tăng cao trở lại, mới đây, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã đưa ra thông điệp về kiểm soát lạm phát của Chính phủ, đó là “Kiểm soát lạm phát không quá mức 4-5%, không để diễn biến lạm phát trong những tháng đầu năm làm tăng lạm phát kỳ vọng”.