Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giá gạo xuất khẩu bình quân 3 tháng đầu năm 2023 ước đạt 531 USD/tấn, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm 2022. Đây là mức giá xuất khẩu gạo bình quân cao nhất trong 10 năm qua.
Sở dĩ giá gạo xuất khẩu tăng cao là nhờ tỷ trọng các loại gạo phẩm cấp cao (gạo thơm, gạo nếp, gạo đặc sản…) có giá bán cao đã tăng mạnh. Hiện tỷ trọng gạo phẩm cấp cao đã chiếm 50% trong tổng lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam, với giá bán dao động từ 600 USD/tấn đến 1.000 USD/tấn.
Trong quý I/2023, giá gạo xuất khẩu 5% tấm đạt trung bình khoảng 450 USD/tấn và gạo 25% tấm đạt khoảng 430 USD/tấn, cao hơn giá gạo xuất khẩu cùng phẩm cấp của Thái Lan và Ấn Độ.
Trên thị trường gạo châu Á, trong đầu của tháng 4/2023, giá gạo xuất khẩu Việt Nam điều chỉnh tăng mạnh. Theo đó, giá gạo xuất khẩu loại 5% tấm và 25% tấm của Việt Nam hiện đạt lần lượt 473 USD/tấn và 453 USD/tấn, tăng 10 USD/tấn so với thời điểm 31/3/2023.
Về thị trường, Philippines vẫn đang là thị trường tiêu thụ gạo lớn nhất của Việt Nam, chiếm 43,3% thị phần xuất khẩu gạo của cả nước. Trung Quốc là thị trường tiêu thụ gạo lớn thứ 2 của Việt Nam. Trong quý đầu năm 2023, xuất khẩu gạo sang Trung Quốc tăng 86% về lượng và tăng 120% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022. Đặc biệt giá gạo xuất khẩu bình quân sang Trung Quốc trong 3 tháng đầu năm đạt trung bình 589 USD/tấn, tăng hơn 18% so với cùng kỳ năm trước. Indonesia đã trở thành thị trường có giá trị xuất khẩu gạo tăng mạnh nhất trong quý I/2023, tăng gấp 3,06 lần so với quý I năm 2022.
Trong khi đó, theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, xuất khẩu gạo quý II sẽ tích cực hơn quý I và giá xuất khẩu sẽ duy trì ở mức cao. Thực tế bước vào đầu tháng 4, giá gạo xuất khẩu Việt Nam tăng mạnh nhất khu vực châu Á, đạt 473 - 453 USD/tấn tùy loại. Lý do Hiệp hội Lương thực Việt Nam đưa ra dự báo này là một số nước có nhu cầu nhập khẩu lượng lớn lương thực để dự trữ và ưu đãi từ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - châu Âu (EVFTA). Cụ thể, thị trường như Philippines, Trung Quốc và một số nước châu Phi đang có kế hoạch nhập khẩu gạo với số lượng lớn để dự trữ lương thực.
Bên cạnh đó, theo EVFTA, Việt Nam được cấp hạn ngạch miễn thuế (175 euro/tấn) đối với 80.000 tấn gạo/năm, bao gồm 30.000 tấn gạo xay xát, 20.000 tấn gạo chưa xay xát và 30.000 tấn gạo thơm. Đây là lợi thế lớn cho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam thâm nhập thị trường EU.
Được biết, năm 2022, Việt Nam xuất khẩu 7,1 triệu tấn gạo, mang về 3,45 tỷ USD. Xuất khẩu gạo năm 2023 dự kiến đạt khoảng 6,5 - 7 triệu tấn nhưng trị giá thu về có thể lên tới 3,9 - 4 tỷ USD do các doanh nghiệp tăng xuất khẩu các chủng loại gạo thơm, chất lượng cao, giá cao.