Phát triển kinh tế từ trồng rừng là hướng đi được nhiều hội viên nông dân làng Pốt, xã Song An, thị xã An Khê (Gia Lai ) lựa chọn từ nhiều năm nay. Từ kinh tế rừng, nhiều hộ đã thoát nghèo bền vững, vươn lên làm giàu chính đáng.
Vào đầu tháng mười một, chúng tôi có dịp đến thăm làng Pốt của xã Song An, Thị xã An Khê, ấn tượng đầu tiên trong hành trình hơn 4km đường bê tông từ Quốc lộ 19 vào làng Pốt, xã Song An, thị xã An Khê, là những cánh rừng keo lai, bạch đàn xanh mướt, ngút tầm mắt. Thời gian qua, nhờ sự tham gia trồng rừng, nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trong làng Pốt đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng tại địa phương.
Tiếp chuyện chúng tôi tại nhà rông của làng, ông Đinh Chay-Trưởng làng Pốt cho biết: Làng Pốt hiện có hơn 150ha đất sản xuất nông nghiệp, thì có tới hơn 143ha là trồng rừng với 2 loại cây chính là keo lai và bạch đàn. Làng Pốt có 80 hộ với 351 nhân khẩu, 100% dân số của làng là người dân tộc Bahnar. Trước đây, đời sống của bà con trong làng gặp rất nhiều khó khăn, nhưng mấy năm trở lại đây nhờ trồng rừng mà đời sống của bà con cũng được sung túc hơn, khá giả hơn, hiện nay làng chỉ còn 3 hộ nghèo và 6 hộ cận nghèo, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 25 triệu đồng/năm.
Đến thăm gia đình anh Đinh Đang, khi anh vừa trở về từ cánh rừng cách nhà không xa, anh Đinh Đang cho biết: Hiện tại gia đình anh có hơn 15ha rừng keo lai và bạch đàn, tận dụng dưới tán rừng của gia đình, vợ chồng anh còn chăn nuôi thêm 6 con bò, 7 con dê, 8 con trâu cùng đàn gia cầm hơn 1.000 con.
Hàng năm trừ chi phí cho gia đình anh thu nhập hàng trăm triệu đồng, đặc biệt trong năm 2020 sau khi thu hoạch rừng và trừ đi các chi phí gia đình anh thu về hơn 700 triệu đồng. Không chỉ làm kinh tế giỏi, mà anh Đinh Đang còn nhiệt tình giúp đỡ những hội viên nông dân về cây giống, kinh nghiệm, kỹ thuật trồng và chăm sóc rừng. Bên cạnh đó, anh còn tạo việc làm thường xuyên thông qua hoạt động trồng và khai thác rừng cho 12 lao động trong làng với mức thu nhập 4-5 triệu đồng mỗi tháng.
Bên cạnh trồng rừng, nhờ được tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, đến nay nhiều hộ dân trong làng còn kết hợp chăn nuôi gia súc, gia cầm cho hiệu quả kinh tế cao. Ông Đinh Lit, Chi hội Trưởng nông dân làng Pốt chia sẻ, hiện trong làng có 51 hộ chăn nuôi với 215 con bò, 115 con dê và hàng ngàn con gia súc, gia cầm khác.
Ông Võ Văn Thanh, Bí thư Chi bộ làng Pốt cung cho chúng tôi biết: “Trong những năm qua cấp ủy, chính quyền địa phương luôn quan tâm đến việc giúp người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm, phát triển các mô hình kinh tế, đặc biệt là kinh tế rừng. Cùng với việc khuyến khích người dân mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xã cũng đã phối hợp với các ngân hàng tạo mọi điều kiện để người dân được tiếp cận với các nguồn vốn vay, đầu tư phát triển kinh tế, hiện có 24 hộ vay vốn của Ngân hàng chính sách xã hội với tổng dư nợ hơn 511 triệu đồng.
Do đó, nhiều hộ dân đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu từ rừng. Mô hình kinh tế của gia đình anh Đinh Đang là một trong những mô hình tiêu biểu về kinh tế rừng, được công nhận là hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp huyện và cấp tỉnh trong mấy năm qua.
Thời gian tới cán bộ làng Pốt, chúng tôi tiếp tục nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế gắn với trồng rừng để vừa nâng cao thu nhập cho người dân vừa bảo vệ môi trường, từng bước hoàn thành các tiêu chí để làng Pốt sớm đạt chuẩn làng nông thôn mới.