Dù năm học mới đã bắt đầu hơn 1 tháng nhưng câu chuyện về thiếu sách giáo khoa, giá sách giáo khoa theo Chương trình giáo dục phổ thông mới vẫn thu hút sự quan tâm của xã hội.
Ông Lê Hoàng Hải, Phó Tổng Giám đốc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã có những trao đổi xung quanh vấn đề về sách giáo khoa (SGK) theo chương trình mới.
Phương thức lựa chọn SGK có sự phối hợp chưa đồng bộ
PV: Chương trình giáo dục phổ thông 2018 với nhiều bộ SGK của các nhà xuất bản khác nhau được xã hội rất quan tâm. Sự khác biệt giữa các SGK của các nhà xuất bản với cùng một chương trình như thế nào thưa ông?
Ông Lê Hoàng Hải: Hiện tại theo chương trình mới, ở một môn học có nhiều cuốn SGK khác nhau. Giáo viên và học sinh có thể lựa chọn cuốn SGK phù hợp để phục vụ việc giảng dạy và học tập. Các cuốn SGk khác nhau sẽ có cách viết và phương pháp tiếp cận khác nhau nhưng tất cả các cuốn SGK đó đều phải đảm bảo yêu cầu là đáp ứng yêu cầu cần đạt của chương trình và phải được hội đồng thẩm định quốc gia thẩm định và thông qua thì mới có thể áp dụng cho học sinh.
Trong lần cải cách SGK mới, khó khăn lớn nhất của các nhà xuất bản là gì, thưa ông?
- Có lẽ khó khăn lớn nhất của lần thay sách này là vấn đề thời gian. Trong các lần thay sách trước đây có những lần thay sách tuần tự từng lớp, có những lần thay sách 2 lớp/năm. SGK lần này thay đồng loạt ở cả 3 cấp học. Cho nên phía các nhà xuất bản phải biên soạn, biên tập, in ấn, phát hành với khối lượng công việc rất lớn so với trước đây.
Đặc biệt ở lần này do thực hiện một chương trình nhiều bộ sách khiến các nhà xuất bản phải cạnh tranh lẫn nhau. Cho nên ngoài công tác biên soạn, in, phát hành thì các nhà xuất bản phải làm rất nhiều công tác như: giới thiệu sách, tập huấn giáo viên và những công tác thị trường liên quan để phục vụ việc cung ứng đủ SGK.
Một khó khăn nữa là do từng trường, từng địa phương lựa chọn tên sách giáo khoa khác nhau nên nhà xuất bản khó nắm bắt được trường đó, địa phương đó có dùng sách của mình hay không rồi để thống kê số lượng, in ấn và phát hành cho kịp thời trước năm học mới.
Nhiều ý kiến cho rằng, việc thiếu SGK cho năm học 2022-2023 là do các nhà xuất bản hạn chế xuất bản. Ông lý giải như thế nào về tình trạng thiếu SGK ở một số nơi khi năm học mới đã diễn ra?
- Việc thiếu SGK cục bộ ở đâu đó là do việc đổi mới chương trình còn mới mẻ. Trước đây, tất cả học sinh học cùng một SGK và chỉ một Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam xuất bản. Nên lúc đó, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam chỉ cần căn cứ trên số lượng học sinh để triển khai in sớm và xuất bản và đưa xuống địa phương ngay.
Tuy nhiên, với chương trình hiện nay, ở mỗi trường học, việc học cuốn SGK nào đó là thông tin mà các nhà xuất bản phải đi tìm kiếm và chờ thông báo của từng địa phương. Từ đó mới bắt đầu thống kê số lượng, in và chuyển xuống các địa phương.
Thông thường việc quyết định lựa chọn để đăng ký số lượng của các địa phương thường diễn ra muộn. Cho nên, mặc dù các nhà xuất bản đã hết sức nỗ lực nhưng không đảm bảo được kịp thời như khi thực hiện một chương trình một SGK như trước.
Đặc biệt năm nay là năm đầu tiên thay sách ở bậc THPT với lớp 10 cùng hàng loạt môn học tự chọn, chuyên đề tự chọn. Tùy theo điều kiện của giáo viên và cơ sở vật chất của các trường thì lúc đó khi khai giảng rồi mới cùng học sinh quyết định lựa chọn SGK nào, môn nào ở lớp 10 đó. Chính vì vậy trước khai giảng thậm chí lúc khai giảng, sau khai giảng rồi thì một số tên sách, số lượng SGK mới có thông tin. Lúc đó, các nhà xuất bản mới tiến hành in ấn và phát hành cho nên diễn ra những chuyện chậm cục bộ ở một số nơi.
Nếu đứng về góc độ doanh nghiệp thì các nhà xuất bản là một đơn vị sản xuất, luôn có mong muốn sẽ sản xuất được nhiều nhất, đưa sớm nhất đến tay người tiêu dùng. Tình trạng trên là do chúng ta bắt đầu đổi mới chương trình, phương thức lựa chọn SGK ở các trường học, địa phương cho nên còn có sự phối hợp chưa đồng bộ. Tôi hy vọng trong năm tới, trong quá trình thay đổi SGK, các địa phương, các nhà xuất bản đã làm quen với phương thức mới thì câu chuyện cung ứng SGK sẽ được đầy đủ và kịp thời hơn.
Giá SGK mới sẽ dần được điểu chỉnh giảm
Mới đây, báo cáo kinh doanh của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam năm 2021 cho thấy, nhà xuất bản đã phát hành đến 164,6 triệu quyển SGK, vượt 40% so với kế hoạch đề ra, mang về doanh số “khủng”. Tuy nhiên, nhà xuất bản vẫn "kêu" khó trong quá trình làm SGK mới. Ông lý giải thế nào về khó khăn này?
- Tổng lãi suất của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam không chỉ hoạt động xuất bản SGK mà còn nhiều hoạt động sản xuất kinh doanh khác. Lợi nhuận của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam là tổng lợi nhuận của các hoạt động đó.
Một trong những đột biến lợi nhuận ở trên báo cáo tài chính thể hiện là thực hiện chỉ đạo của việc thoái vốn của các đơn vị trước đây nhà xuất bản đầu tư. Khi thoái vốn thành công, một lượng tài chính lớn đổ về trong thời gian vừa qua. Yếu tố đó dẫn đến việc xã hội hiểu nhầm khi chưa tìm hiểu kĩ khi cho rằng lợi nhuận lớn là do xuất bản SGK. Nhưng thực ra, lợi nhuận ấy từ rất nhiều nguồn khác, các hoạt động khác của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam chứ không riêng xuất bản SGK.
Nhiều ý kiến cho rằng tới đây, các nhà xuất bản cần tính toán, điều chỉnh lại giá SGK theo chương trình mới. Về phía Nhà xuất bản Việt Nam sẽ có sự điều chỉnh như thế nào, thưa ông?
Về giá SGK, nhà xuất bản thực hiện triệt để yêu cầu của Chính phủ và Bộ GDĐT. Ngay sau năm đầu tiên chương trình mới thực hiện ở lớp 1 thì giá SGK lớp 2, lớp 6 đã được tính toán tiết giảm chi phí và để giá SGK của 2 lớp học này thấp hơn giá sách lớp 1. Đặc biệt ở SGK lớp 3, lớp 7 và lớp 10 xuất bản năm nay, nhà xuất bản đã quyết liệt trong việc tiết giảm mọi chi phí để hạ giá SGK.
Cụ thể, so sánh giá SGK lớp 3, lớp 7, lớp 10 năm nay thì Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã tiết giảm từ 5 - 10% so với các lớp trước. Giá sách của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam hiện nay có giá bìa thấp nhất so với giá các bộ SGK được lưu hành hiện nay.
Hiện nay giá SGK tương đối phù hợp, khoảng hơn 10 nghìn đến 20 nghìn/cuốn nhưng tại sao giá SGK tiếng Anh cao hơn nhiều so với các SGK khác, gây khó khăn cho học sinh vùng sâu, vùng xa?
Đây cũng là khó khăn, trăn trở lớn của nhà xuất bản. Bởi hầu hết các giáo trình tiếng Anh, các nhà xuất bản, cụ thể là Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam phải liên kết với nhà xuất bản trên thế giới.
Chính vì vậy, về mặt chi trả bản quyền là một chi phí lớn. Về mặt quy cách, khi hợp tác xuất bản phải tuân thủ những quy cách về giấy, kích thước, khuôn khổ tương đồng theo yêu cầu của những nhà xuất bản nước ngoài đó. Do đó, chúng tôi không thể đưa giá sách tiếng Anh xuống giá như các môn học khác.
Vậy tại sao chúng ta không huy động nguồn lực trong nước với đội ngũ giáo viên giỏi thực hiện việc này, thưa ông?
Trước đây ở Chương trình SGK năm 2000, chúng ta đã xuất bản bộ SGK tiếng Anh riêng trong nước. Tuy nhiên, yêu cầu giảng dạy cũng như nhu cầu xã hội và việc giảng dạy, phụ huynh và học sinh có xu hướng lựa chọn các SGK liên kết với các NXB nước ngoài.
Để đáp ứng nhu cầu xã hội đó nhưng không để có một bộ SGK tiếng Anh đắt đỏ như sách nhập khẩu hoàn toàn từ nước ngoài, các nhà xuất bản đã lựa chọn bằng hình thức hợp tác xuất bản trên cơ sở tạo ra một phiên bản SGK cho Việt Nam với sự hợp tác của các tác giả, biên tập viên, họa sĩ của nước ngoài và Việt Nam rồi in ấn trong nước.
Về mặt quy cách, số trang môn tiếng Anh là tương đồng với SGK bản gốc đó nhưng giá rẻ hơn rất nhiều. Dĩ nhiên chúng tôi cũng mong muốn dần dần sẽ có giải pháp tốt hơn để giá sách tiếng Anh có thể thấp như giá SGK môn học khác.
Trân trọng cảm ơn ông!