Sự hợp lực của một nhóm người lừa đảo trực tuyến khiến người dân lo lắng.
Chị N.T.T.L. (phường Phương Mai, quận Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ, chị vừa bị lừa đảo trực tuyến mất tổng cộng 24,5 triệu đồng cho đối tượng tên Nguyễn Hồng Trinh.
Theo chị L. , với hoàn cảnh đang ở nhà chăm con nhỏ 2 tuổi, nóng lòng tìm việc trên mạng, nên sáng ngày 22/2/2024 đã nhận lời tuyển dụng qua mạng và thành hội viên của một nhóm chat trên Telegram. Ở hội nhóm này chị được giới thiệu tham gia nhiệm vụ bằng việc thực hiện đơn hàng (chuyển tiền theo giá trị đơn hàng) và chụp biên lai gửi tiền tới tài khoản Nguyễn Hồng Trinh để nhận hoa hồng tương ứng với các nhiệm vụ.
Các nhiệm vụ 1, 2, 3, 4 sẽ tăng dần số tiền cần chuyển khoản. Với nhiệm vụ đầu, số tiền mà chị L. cần phải chuyển khoản là 3,5 triệu đồng, sau đó đối tượng lừa đảo gửi tin nhắn xác nhận là hội viên L. đã chuyển tiền và thực hiện đúng thao tác mà công ty đưa ra thì chị L. nhận được 1 khoản hoa hồng.
Chưa hết, chị L. tiếp tục được mời gọi tham gia nhiệm vụ số 2 với số tiền đầu tư 20,55 triệu đồng. “Ngay lúc này tài khoản hết tiền nên tôi gọi điện thoại kể với chồng về công việc đang được mời làm và có ý định mượn thêm tiền thì chồng tôi nói tôi đã bị lừa đảo. Tôi không tin nhưng khi đòi lại tiền thì không hề nhận được trả lời” – chị L. nói.
Theo Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông vẫn có nhiều người bị lừa đảo trực tuyến nhiều lần với số tiền lên tới hàng tỷ đồng. Thủ đoạn này do các hội nhóm mạo danh lực lượng an ninh mạng, các văn phòng luật và ngân hàng tạo ra. Chưa kể hiện trên mạng xã hội Facebook, các hội nhóm với tên “Tiếp nhận thông tin thu hồi vốn treo”, “Lấy lại tiền bị lừa qua mạng”… xuất hiện tràn lan cùng với các trang web mang giao diện tương tự với đơn vị thuộc Bộ Công an, văn phòng luật, luật sư…
Phía dưới các bài đăng là hàng loạt các tin nhắn bình luận “đã lấy lại được tiền lừa đảo trước Tết”. Đối tượng yêu cầu gửi giấy tờ chứng minh bị lừa và đóng tiền phí ban đầu tra soát thông tin từ 3 - 5 triệu đồng. Điểm chung của các đối tượng lừa đảo bằng hình thức này là đều đưa ra các mức phí và giới thiệu có mối quan hệ thân thiết với nhiều cơ quan chức năng. Chiêu trò của các đối tượng không mới nhưng vẫn đủ tinh vi để khiến cho nhiều người dùng mạng xã hội sập bẫy.
Những bình luận hoặc tin nhắn trong các hội nhóm, giới thiệu đã lấy lại được tiền lừa đảo hoàn toàn là kịch bản của các đối tượng lừa đảo và các hội nhóm lấy lại tiền lừa đảo, thu hồi nợ treo trên mạng đều có dấu hiệu lừa đảo.
Cục An toàn thông tin nhấn mạnh, môi trường mạng đang ngày càng trở nên phức tạp, người dân cần nâng cao cảnh giác, đồng thời tìm hiểu và trang bị cho bản thân những kiến thức để bảo vệ mình trên mạng xã hội.
“Điều quan trọng nhất là người dân tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân cho bất cứ ai thông qua bất kể hình thức nào; việc lộ lọt thông tin sẽ dẫn đến nhiều hậu quả đáng lo ngại. Khi có cuộc gọi lạ hoặc tiếp xúc với hội nhóm cung cấp dịch vụ trên mạng xã hội, tuyệt đối không thực hiện giao dịch chuyển tiền cho đối tượng khi chưa tìm hiểu và xác minh danh tính của đối tượng đó. Nếu chẳng may là bị hại của một vụ lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, người dân cần hết sức bình tĩnh, khẩn trương liên hệ với cơ quan công an gần nhất để làm các thủ tục trình báo”- Cục An toàn thông tin khuyến cáo.
Các chuyên gia cảnh báo, trong năm 2024 và các năm tiếp theo, tấn công lừa đảo trực tuyến sẽ tiếp tục gia tăng, để tránh trở thành nạn nhân của các vụ lừa đảo trực tuyến, mỗi người cần thận trọng khi nhận được liên hệ từ các nguồn không rõ ràng. Khi nhận được một cuộc gọi, hãy đặt câu hỏi về nguồn gốc của người đang trò chuyện: Họ là ai? Vì sao họ biết mình và có thông tin của mình? Tại sao không quen biết mà họ lại mang lợi ích đến cho mình?… Đặc biệt, không nghe các cuộc điện thoại dài của người không quen biết, cần dứt khoát tắt máy, không trả lời tin nhắn. Trước khi có các giao dịch tiền qua tài khoản cho người lạ, cần tham khảo ý kiến người thân, bạn bè, hoặc cơ quan chức năng.