Quốc tế

Gia tăng nguy cơ lũ lụt ở châu Phi

Hà Anh 24/10/2024 09:57

Dù đã được lường trước nhưng lũ lụt vẫn gây ra nhiều tổn thất đối với các nước châu Phi (đặc biệt ở Tây và Trung Phi) do biến đổi khí hậu và thiếu nguồn lực để ứng phó.

anhbaitren thay
Một con phố bị ngập lụt ở Bamako, Mali. Nguồn: Reuters.

Lường trước nhưng không thể đối phó

Anh Dah Toubada Kadapia – người cha của 7 đứa con - đứng trên một đống bao cát tự chế trong sân sau nhà mình ở thủ đô N'Djamena của Chad, xung quanh là nước lũ. Theo người dân địa phương, nước lũ trong thời gian gần đây đã dâng cao hơn những năm trước, gây ra nhiều thiệt hại hơn bao giờ hết.

Theo Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liêp hợp quốc (OCHA), trong vài tháng qua, mưa lớn đã gây ngập lụt ở tất cả 23 tỉnh của Chad khiến hơn 245 nghìn người đã bị ảnh hưởng, làm vỡ một con đập ở miền bắc Nigeria, làm hư hại các tòa nhà cổ ở thị trấn sa mạc Agadez của Niger và giết chết hơn 1.460 người ở các quốc gia ven sa mạc Sahara,

Đây là diễn biến thời tiết đã được lường trước hàng năm với dự báo về những trận mưa đặc biệt lớn. Tuy nhiên, một số trận lũ lụt là không thể dự đoán trước. Mưa đang bị đẩy xa hơn về phía Bắc so với bình thường, gây ngập lụt các khu vực sa mạc thường ít có mưa ở Chad và những nơi khác, làm lộ ra những lỗ hổng lớn trong cơ sở hạ tầng và các kế hoạch ứng phó chính thức.

“Các quan chức cần chuẩn bị tốt hơn và có trước những kịch bản để ứng phó với thiên tai, chúng tôi không thể tiếp tục chứng kiến năm nào cũng chỉ có nước, nước, nước và lũ lụt" – anh Kadapia bày tỏ.

Tổn thất kinh tế của châu Phi liên quan đến lũ lụt đã tăng lên. Một báo cáo được công bố vào năm 2021 từ Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) cho biết, chúng đã tăng vọt lên 12,5 tỷ đô la Mỹ trong giai đoạn 2010-2019, cao gấp đôi mức trung bình của 3 thập kỷ trước đó.

Tuy nhiên các chuyên gia cho biết, tình hình sẽ còn tồi tệ hơn nữa. Theo một nghiên cứu năm 2021 trên Tạp chí Thủy văn, Sahel (vùng đất nằm giữa Bắc Phi và sa mạc Sahara ở phía Nam) ngày càng bị đe dọa bởi lũ lụt do những thay đổi trong các mô hình khí hậu tự nhiên, cường độ mưa lớn hơn, quy hoạch đô thị kém và các nguyên nhân khác, trong đó lưu ý rằng, "sự tàn phá đang trở nên phổ biến".

Theo OCHA, một năm sau khi nghiên cứu trên được công bố, Tây và Trung Phi đã phải hứng chịu một trong những thảm họa lũ lụt theo mùa tồi tệ nhất từng được ghi nhận với hơn 8,5 triệu người bị ảnh hưởng trên 20 quốc gia.

“Mùa này, sức nóng dữ dội trên sa mạc Sahara và các yếu tố khác đã kéo vành đai gió mùa xa hơn về phía Bắc so với bình thường, gây ra mưa lớn ở các khu vực sa mạc thường khô cằn” - ông Wassila Thiaw, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí hậu của Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA) cho biết.

So với lượng mưa kỷ lục trong giai đoạn 1991-2020, giai đoạn từ tháng 7 đến tháng 9 năm nay là một trong 5 năm ẩm ướt nhất ở phần lớn Niger, Chad và một số vùng phía tây Mali. Ông Thiaw cho biết, một số khu vực ở phía tây Niger và Mali, cũng như biên giới giữa Niger và Nigeria, đã chứng kiến lượng mưa lớn hơn so với mùa mưa thảm khốc năm 2022.

Mạng xã hội tràn ngập các video về cảnh đường sá biến thành sông, xe tải ngập một nửa và những người dân vừa phải di dời, vừa cố gắng cứu vãn đồ đạc của mình khỏi những ngôi nhà bị ngập lụt. Mali đã ban bố tình trạng thảm họa quốc gia và lùi ngày khai giảng năm học lại một tháng vì các trường học chật kín các gia đình phải rời bỏ nhà cửa do lũ lụt.

Cảnh báo sớm là chưa đủ

Theo các chuyên gia về khí hậu, tình trạng nóng lên toàn cầu đã làm tăng tần suất và cường độ mưa. Ông Thiaw cho biết, Tây Phi cũng đang trải qua chu kỳ gió mùa ẩm ướt kéo dài hàng thập kỷ sau hạn hán kéo dài từ những năm 1970 đến những năm 1990. Một số sự kiện này có thể lường trước được.

Vào năm 2023, WMO và các tổ chức quốc tế khác đã đưa ra một kế hoạch hành động để cải thiện các hệ thống cảnh báo sớm về các thảm họa thiên nhiên sắp xảy ra ở châu Phi, nơi có tỷ lệ tiếp cận các hệ thống như thế này thấp nhất trên thế giới. Tuy nhiên, ông Andrew Kruczkiewicz - nhà nghiên cứu cao cấp tại Trường Khí hậu của Đại học Columbia – cho rằng, với dữ liệu hiện có chúng ta có thể thấy rằng, những cộng đồng dễ bị tổn thương cần những cảnh báo này nhất thường là những cộng đồng không được trang bị đầy đủ để hành động.

Ở Chad, hơn 40% dân số sống trong cảnh nghèo đói. Nguồn lực ít ỏi còn bị kéo dài thêm do sự hiện diện của 2 triệu người tị nạn, nhiều người đang sống trong các trại tị nạn cơ bản. "Sẽ không đầy đủ nếu cho rằng chỉ cần có một hệ thống cảnh báo sớm, hành động ứng phó sẽ được thực hiện và tổn thất sẽ được ngăn chặn. Có nhiều yếu tố khác phải được giải quyết. Chúng ta đang ở thời điểm quan trọng và trường hợp ở Tây và Trung Phi là ví dụ điển hình" – ông Kruczkiewicz nói khi đề cập đến nhu cầu về một kế hoạch được thỏa thuận trước, nguồn tài trợ, sự tham gia của cộng đồng và các yếu tố thiết yếu khác.

Ông Farhan Haq, Phó phát ngôn viên của Tổng thư ký Liên hợp quốc – cho biết, trong năm nay, Quỹ ứng phó khẩn cấp của Liên hợp quốc đã phân bổ 10 triệu USD cho Cộng hòa Congo, Cộng hòa Dân chủ Congo và Niger để ứng phó với các tình huống khẩn cấp liên quan đến các cú sốc khí hậu, bao gồm cả lũ lụt.

Theo cảnh báo của OCHA, các dự báo trong năm 2024 cho thấy lượng mưa tích lũy trên mức trung bình sẽ xuất hiện trong khoảng thời gian từ tháng 6 đến tháng 8 và từ tháng 7 đến tháng 9 tại các khu vực dễ bị lũ lụt ở vùng Sahel và một số quốc gia Tây Phi.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Gia tăng nguy cơ lũ lụt ở châu Phi