Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH), kết quả xử lý doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội ( BHXH) theo quy định của Bộ luật Hình sự còn hạn chế là do vẫn còn khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, đặc biệt là thiếu căn cứ pháp lý để xác định hành vi.
Nguy cơ mất trắng vì doanh nghiệp nợ
Theo thống kê của BHXH Việt Nam, hết tháng 9/2022, toàn quốc có hơn 17,24 triệu người tham gia BHXH (đạt 89,91% kế hoạch ngành). Con số này tăng gần 2,7 triệu người so với cùng kỳ, tăng hơn 697.200 người so với năm 2021.
BHXH Việt Nam cho biết, công tác thu và phát triển người tham gia BHXH, bảo hiểm y tế ( BHYT) của toàn ngành vẫn có thể vượt số thu theo kế hoạch năm 2022, nhưng tỷ lệ nợ cũng đang ở mức khá cao, cần có các giải pháp quyết liệt để bảo đảm hạ mức 2,5%-3% số phải thu.
Nhằm bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp cho người lao động, từ đầu năm 2022 đến nay, BHXH TP Hà Nội đã phối hợp các cơ quan chức năng thực hiện gần 5.000 cuộc thanh tra, kiểm tra liên ngành, chuyên ngành, đột xuất tại các doanh nghiệp chưa thực hiện đầy đủ nghĩa vụ về đóng BHXH. Qua thanh tra, kiểm tra, các đơn vị đã nộp hơn 390 tỷ đồng vào tài khoản thu của cơ quan BHXH để khắc phục nợ. Các cơ quan chức năng đã yêu cầu doanh nghiệp đóng và truy đóng BHXH cho 208 lao động với số tiền 3,5 tỷ đồng; kiến nghị xử phạt vi phạm hành chính đối với 38 đơn vị chây ỳ nợ tiền bảo hiểm... Tuy nhiên tình trạng nợ vẫn gia tăng.
Trước thực tế này mới đây BHXH TP Hà Nội đã công khai danh sách 150 đơn vị sử dụng lao động nợ tiền BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp của hơn 1.000 người lao động, thời gian nợ từ 6-24 tháng, với tổng số tiền nợ hơn 40,5 tỷ đồng.
Theo BHXH TP Hà Nội, các doanh nghiệp, đơn vị nợ BHXH kéo dài không chỉ gây khó khăn cho việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động.
Nợ BHXH, BHYT không còn là câu chuyện mới, thống kê của BHXH Việt Nam cho thấy đến cuối năm 2021, tổng số nợ BHXH bắt buộc trong cả nước là hơn 10.200 tỷ đồng, trong đó khoảng 1/3 (hơn 3.200 tỷ đồng, gồm gần 2.300 tỷ đồng nợ gốc và khoảng 930 tỷ đồng lãi chậm nộp phát sinh) là khoản nợ rất khó đòi do hàng chục nghìn doanh nghiệp phá sản, giải thể hay chủ doanh nghiệp đã bỏ trốn... Do đó, quyền lợi chính đáng của hàng trăm nghìn người lao động có nguy cơ bị mất trắng.
Trong khi đó theo Bộ LĐTB&XH, kết quả xử lý doanh nghiệp nợ BHXH theo quy định của Bộ luật Hình sự còn hạn chế là do vẫn còn khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, đặc biệt là thiếu căn cứ pháp lý để xác định hành vi.
Tăng cường phối hợp liên ngành
Nhằm đảm quyền lợi cho người lao động, ngành BHXH Việt Nam đã ký Quy chế phối hợp số 01/QCPH-BCA-BHXHVN về thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, đấu tranh phòng chống tội phạm trong lĩnh vực BHXH, BHYT (Quy chế số 01). Kết quả triển khai cho thấy, thông qua việc ký kết quy chế phối hợp đã hạn chế rõ rệt tình trạng nợ đọng đồng thời phát hiện những hành vi vi phạm, trục lợi tiền bảo hiểm của người lao động. Đơn cử như tại tỉnh Bắc Giang, tháng 5/2022, Công an và BHXH huyện Hiệp Hòa đã phối hợp điều tra làm rõ vụ án “Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức” xảy ra tại Trung tâm Y tế huyện. Theo đó, đã phát hiện 3 trường hợp người lao động (NLĐ) thuộc Công ty Cổ phần May xuất khẩu Hà Phong dùng Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH không đúng quy định để giải quyết hưởng chế độ ốm đau. Đến nay, BHXH tỉnh đã thu hồi đầy đủ số tiền trục lợi về quỹ BHXH…
Tại Quảng Ninh thực hiện Quy chế 01, tính đến hết tháng 9/2022, Giám đốc BHXH tỉnh Quảng Ninh đã ban hành 3 Quyết định về việc phối hợp với Công an tỉnh thực hiện thanh tra, kiểm tra tại 11 đơn vị sử dụng lao động trên địa bàn TP Hạ Long, Cẩm Phả và Uông Bí. Qua đó, đã phát hiện 11 NLĐ chưa được đóng, đóng thiếu thời gian và truy thu số tiền trên 159 triệu đồng; 8 NLĐ đóng sai đối tượng, đóng thừa mức đóng, phải truy giảm...
Đánh giá hiệu quả công tác phối hợp liên ngành giữa cơ quan Công an và BHXH tỉnh, ông Trần Công Dân - Trưởng phòng Quản lý thu (BHXH tỉnh Quảng Ninh) cho biết, qua công tác phối hợp này, tỷ lệ thu hồi nợ đọng, chậm đóng BHXH, BHYT tại các đơn vị sử dụng lao động trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh tăng lên rõ rệt. Mặc dù vậy theo phản ánh việc xác định hành vi chậm đóng và trốn đóng BHXH, BHYT hiện chưa có hướng dẫn cụ thể, nên gặp khó khăn trong công tác phối hợp xử lý vi phạm đối với các đơn vị chậm đóng, trốn đóng BHXH, BHYT…
Theo Thiếu tướng Trần Đình Chung- Phó Cục trưởng Cục An ninh chính trị nội bộ, Bộ Công an, trong bối cảnh hiện nay, tình hình vi phạm pháp luật BHXH, BHYT có xu hướng phức tạp và tinh vi hơn. Vì vậy, cơ quan BHXH cần có thống kê chi tiết để nhận diện rõ hơn các hành vi vi phạm, qua đó giúp cơ quan Công an triển khai ngăn ngừa, xử lý tốt hơn các hành vi vi phạm.