Chiều 31/1, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban chỉ đạo điều hành giá đã chủ trì cuộc họp đột xuất của Ban chỉ đạo nhằm đánh giá các tình hình tác động tới công tác điều hành giá ngay trong tháng đầu năm 2020.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban chỉ đạo điều hành giá chủ trì cuộc họp.
Tham dự cuộc họp là lãnh đạo các bộ, ngành thành viên, đại diện của thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Hiệp hội bảo vệ người tiêu dùng, Hội các nhà bán lẻ Việt Nam, 2 doanh nghiệp lớn trong ngành thực phẩm là Công ty cổ phần CP và Công ty Dabaco.
Giá cả đang phức tạp, bất thường ngay từ tháng 1
Trưởng Ban chỉ đạo cho biết tình hình giá cả ngay từ đầu năm đã có nhiều diễn biến mới, phức tạp nên Chính phủ triệu tập họp Ban chỉ đạo nhằm đánh giá tình hình điều hành giá ngay từ đầu năm.
Cụ thể, dịch cúm chủng mới nCoV xuất hiện tác động tới tình hình kinh tế giá cả thế giới. Phó Thủ tướng cho biết theo nhiều dự báo, nCoV sẽ tác động lớn nhất tới lĩnh vực nhiên liệu và năng lượng theo xu hướng giảm do kinh tế thế giới sẽ giảm sâu hơn dự báo, tác động tới ngành hàng không, du lịch cũng suy giảm theo. Trong khi đó, Việt Nam là nước có kim ngạch nhập khẩu và xuất khẩu nhiều có cả mặt lợi và không lợi (giá xăng dầu trong nước giảm, dân được lợi nhưng giá xuất khẩu dầu thô của PVN giảm).
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng đặt ra vấn đề xem xét giá khẩu trang, nước rửa tay trong phòng dịch nCoV tăng để bảo đảm nguồn cung trong nước, khách du lịch và việc Việt Nam quyết định hỗ trợ khẩu trang cho Trung Quốc phòng dịch.
Vấn đề thứ hai, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá hàng hoá trong dịp Tết dồi dào, không có sốt hàng, tăng giá nhưng đáng lưu ý là chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1/2020 tăng khá cao 1,23% so với tháng 12 trước đó.
Nguyên nhân chính là mặt hàng thịt lợn, tuy nguồn cung đủ và giá bán không còn ở mức đột biến như trong thời gian trước nhưng mặt bằng giá vẫn ở mức cao (80.000 - 86.000đ/kg hơi) như trước Tết, tác động không nhỏ đến diễn biến chung của thị trường.
Do đó, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng giá cả trong tháng đầu năm 2020 có yếu tố “bình thường và bất thường”. Bình thường là giá tăng vào dịp cuối năm, nhưng bất thường là CPI cao nhất trong 7 năm qua, tính cả so sánh với tháng 1 cùng kỳ năm trước và tháng 12 liền kề trước đó.
Đồng thời, Phó Thủ tướng dẫn số liệu của Tổng cục Thống kê giá thịt lợn hơi hiện nay vẫn giữ ở mức giá cao hơn 8,29% so với tháng 12/2019 và đặt ra vấn đề “do cung - cầu hay là do độc quyền cung ứng gây ra chuyện này?” và đề nghị các cơ quan chuyên ngành làm rõ việc hạch toán chi phí, giá thành, giá bán thịt lợn cũng như thị phần của các doanh nghiệp chăn nuôi, sớm báo cáo Ban chỉ đạo. Bộ NN&PTNT báo cáo việc thực hiện quyết định nhập khẩu thịt heo thành phẩm, việc tái đàn, cung ứng thịt lợn sau Tết.
“Nhà nước không can thiệp thô bạo vào thị trường nhưng phải bảo đảm hài hoà lợi ích sản xuất, người tiêu dùng và xã hội”, Phó Thủ tướng nói.
Theo Cục quản lý giá (Bộ Tài chính), nếu không triển khai ngay và quyết liệt hơn các biện pháp đã được Thủ tướng chỉ đạo để điều hành mặt bằng giá giảm ngay (theo các chỉ tiêu định sẵn) trong tháng 2 và tháng 3 thì điều hành CPI dưới 4% là nhiệm vụ rất khó khăn.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết Bộ này và các cơ quan liên ngành sẽ kiểm tra việc sản xuất, cung ứng và giá bán thịt lợn trong những ngày tới.
Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết hiện nay có 19 tỉnh thành phố hoàn toàn hết dịch tả lợn châu Phi, 37 tỉnh có 85% xã phường không xuất hiện dịch qua 30 ngày. Tới hết tháng 1 này, thực tế cả nước chỉ tiêu huỷ 11.845 con lợn, giảm 99% so với tháng 5/2019 - tháng đỉnh cao của tiêu huỷ lợn dịch và lợn xuất chuồng tăng hơn 20% so với tháng trước.
“Đây là điều kiện tốt để doanh nghiệp, người nuôi tái đàn. Một số tập đoàn của Mỹ đã công bố vaccin phòng dịch tả lợn châu Phi. Bộ NN&PTNT đã đề nghị các doanh nghiệp chăn nuôi lớn giảm giá bán để tránh ảnh hưởng tới CPI”, ông Tiến cho biết.
Sau khi đi thị sát một số địa phương trong cả nước trước Tết, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết lợn xuất chuồng trong tháng 2 và tháng 3/2020, sẽ tăng lên so với tháng 1. Đồng thời, Bộ Công Thương đã xúc tiến các thị trường nhập khẩu thịt lợn để thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Tại cuộc họp, đại diện Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng nguồn cung thịt lợn không thiếu trong thời gian qua. Trong khi đó, các doanh nghiệp chăn nuôi cũng cho rằng ít nhiều cũng chịu thiệt hại từ dịch tả lợn châu Phi, giá bán luôn thấp hơn giá thị trường nhưng thông báo lợi nhuận vẫn cao. Tuy nhiên, do giá thành đang cao nên các doanh nghiệp khó có thể giảm giá.
Xử phạt nếu không niêm yết hoặc tăng giá khẩu trang
Trước bối cảnh dịch cúm nCoV, Bộ NN&PTNT sẽ chỉ đạo việc chế biến sâu, điều chỉnh nguồn hàng, tăng cường sản phẩm thay thế như làm thức ăn gia súc để không phải nhập khẩu. Đồng thời Bộ cũng xúc tiến thị trường xuất khẩu nông sản tới Nga, Hoa Kỳ và Brasil trong 3 tháng tiếp theo.
Liên quan tới giá khẩu trang và nước sát trùng, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch- Tài chính (Bộ Y tế) Lê Thành Công cho biết nhu cầu đang tăng đột biến. Cả nước có 46 đơn vị sản xuất khẩu trang nhưng nguyên liệu phụ thuộc phía Trung Quốc và bị động kế hoạch sản xuất do sát Tết Nguyên đán. Vừa qua, có đơn vị ở Trung Quốc đề nghị nhập khẩu khẩu trang từ Việt Nam.
Vị này cũng cho biết các đơn vị sản xuất trong nước cũng đang tìm nguyên liệu mới từ châu Âu, các quốc gia khác để nhập khẩu, sản xuất. Về dung dịch sát khuẩn, chủ yếu dùng trong đơn vị y tế qua đấu thầu mua sắm, giờ mỗi gia đình mua thì việc đáp ứng là khó khăn.
Đồng thời đại diện Bộ Y tế khẳng định: “Không có chuyện bệnh viện bán khẩu trang, dung dịch sát khuẩn ra ngoài vì bản thân các bệnh viện rất lo các nguồn cung ứng nội bộ để phòng chống dịch”.
Trong khi đó, Cục trưởng Cục quản lý giá Nguyễn Anh Tuấn cho biết khẩu trang không nằm trong diện bình ổn, quản lý giá nhưng theo Nghị định số 109/2013/NĐ-CP ngày 24/9/2013 thì mặt hàng này phải niêm yết giá.
“Không niêm yết cũng bị xử phạt và niêm yết mà tăng giá bán thì sẽ phạt nặng hơn từ 10- 15 triệu đồng và bồi hoàn tiền cho người tiêu dùng. Nghị định 109 quy định Thanh tra tài chính, quản lý thị trường thực hiện kiểm tra, xử phạt”, ông Tuấn nói.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải bổ sung thêm: “Điều 10, Luật giá cấm tổ chức cá nhân kinh doanh lợi dụng thiên tai, địch hoạ để kinh doanh hàng hoá trục lợi. Nghị định số 185 của Chính phủ quy định về xử phạt hành chính cũng quy định mức xử lý với hàng (khẩu trang) giả, kém chất lượng. Điều 196 Bộ luật Hình sự quy định việc găm hàng làm khan hiếm hàng hoá khi thiên tai, địch hoạ sẽ bị phạt từ 30- 300 triệu và phạt tù tới 3 năm”.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải khẳng định Quản lý thị trường sẽ thực hiện theo các quy định hiện hành khi kiểm tra, xử lý các hành vi này.
Quyết tâm đưa giá thịt lợn trở lại bình thường
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban chỉ đạo nhấn mạnh tình hình mới đòi hỏi các bộ, ngành, địa phương khẩn trương thực hiện theo các chỉ đạo tại Kết luận số 03 ngày 4/1/2020 để kiểm soát lạm phát theo kịch bản từ đầu năm và cả năm 2020.
Cụ thể, Bộ Công thương có trách nhiệm phối hợp với Bộ Tài chính theo dõi sát giá xăng dầu thế giới để dự báo các diễn biến, trên cơ sở đó sử dụng linh hoạt quỹ bình ổn giá để bình ổn giá xăng dầu.
Đối với nhóm hàng thực phẩm nhất là đối với thịt lợn, Bộ NN&PTNT phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương, các doanh nghiệp tổ chức quyết liệt các giải pháp để bình ổn giá, giảm giá mặt hàng thịt lợn, báo cáo cụ thể Chính phủ. Theo đó quyết tâm làm tốt các biện pháp điều hành cung – cầu, bảo đảm lợi ích các bên, giúp giá thịt lợn hơi giảm 10% trong tháng 2 và tiếp tục giảm tháng 3 về mức 60.000 - 65.000đ/kg hơi và các tháng tiếp theo giá bình ổn hoặc tiếp tục giảm về mức 45.000 - 50.000đ/kg hơi, mức bình thường trước khi có dịch.Tăng cường công tác chỉ đạo các doanh nghiệp trong việc thúc đẩy khâu phân phối, bán lẻ.
”Các bộ, ngành mà chủ trì là Bộ Công Thương phải trả lời cho Chính phủ tại sao giá thành thấp mà giá bán lại vẫn cao như hiện nay? Không thiếu thịt lợn mà giá không xuống? Tổng cục Thuế sớm có yêu cầu kiểm tra hạch toán chi phí, giá thành, lợi nhuận, nộp ngân sách nhà nước, tổn thất từ dịch của các doanh nghiệp chăn nuôi lớn, bảo đảm công khai minh bạch, tuân thủ pháp luật, chống độc quyền, gian lận thương mại và lợi ích nhóm nếu có trong lĩnh vực này”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu.
Bộ TT&TT chủ động phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành và các cơ quan báo chí tổ chức thực hiện công tác truyền thông, đảm bảo kịp thời, minh bạch thông tin về giá nhất là trong việc thực hiện các chính sách lớn của Chính phủ.