Covid-19 diễn ra khá phức tạp, nên các thương hiệu kinh doanh vàng năm nay đưa ra hình thức bán hàng trực tuyến phục vụ người mua ngày vía Thần Tài (mồng 10 tháng Giêng âm lịch). Trong khi đó, cảnh mua bán tại các cửa hàng chững lại.
Mua vàng trực tuyến tăng cao
Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, thị trường vàng trong nước đã được hâm nóng bởi ngày vía Thần Tài mùng 10 tháng Giêng. Trong phiên giao dịch 3 ngày qua giá vàng trong nước giảm, hôm nay ngày vía Thần Tài giá vàng trong nước vẫn tiếp tục giảm hơn 100.000 đồng/lượng. Điều này khiến cho nhiều người đi mua vàng không khỏi ngạc nhiên.
Thời điểm 10h sáng hôm nay, ngày 22/2 giá vàng SJC tại Hà Nội, qua niêm yết của một số doanh nghiệp vàng lớn ở mức 55,6 triệu đồng/lượng - 56,3 triệu đồng/lượng.
Cụ thể Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn đang niêm yết giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội ở mức 55,65 - 56,37 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). Tại Công ty Vàng bạc Đá quý Bảo Tín Minh Châu, giá vàng SJC được giao dịch ở mức 55,62 - 56,08 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Khoảng cách mua bán giá vàng vẫn được các nhà vàng “neo” ở khoảng cách 700.000 đồng/lượng.
Ngày vía Thần Tài năm nay có điểm khác biệt so với các năm khác là do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều người dân đã chọn hình thức mua vàng online để tránh phải xếp hàng. Nhu cầu vàng nhẫn tròn trơn cũng như vàng miếng có dấu hiệu gia tăng, song cũng không đột biến.
Anh Nguyễn Vũ Anh (nhà ở đường Nguyễn Chí Thanh, Hà Nội) chia sẻ, anh đến cửa hàng PNJ trên Phố Trần Duy Hưng và cửa hàng Doji mua 1,2 lượng vàng để tặng sinh nhật mẹ vợ ngày vía Thần Tài. Cửa hàng vắng người mua. Tương tự, chị Trần Minh Lan (nhà ở đường Thái Hà) cho biết, chị đi mua 2 chỉ vàng tại cửa hàng trên đường Giang Văn Minh nhưng người mua cũng khá ít.
“Lạ thật, ngày này năm nay giá vàng trong nước lại giảm theo giá vàng thế giới. Giá vàng là 5,633 triệu đồng/chỉ. Chưa kể, người đi mua vàng cũng ít”- chị Lan nói.
Đại diện một số cửa hàng vàng cho biết, năm nay vì dịch Covid nên nhiều người chọn cách mua vàng trực tuyến, hoặc đặt mua trước 1,2 hôm rồi chờ đến chính ngày Thần Tài nhận vàng lấy vía.
Bà Lê Thị Hiền, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Vàng bạc Đá quý Doji cho biết, năm nay lần đầu tiên Doji đưa ra hình thức mua bán vàng vật chất trực tuyến eGold. Khách hàng có thể ngồi tại nhà để mua vàng “siêu tốc” trong ngày Thần Tài mà không cần phải xếp hàng, chờ đợi. Vì vậy, lượng khách đến trực tiếp cơ sở giao dịch giảm so với những năm trước.
“Lượng khách hàng mua qua hệ thống eGold tăng ngay từ khi hệ thống đi vào hoạt động. Chúng tôi đã có khoảng hơn 10.000 khách hàng mua qua kênh này” - bà Hiền cho hay.
Một số thương hiệu lớn như Bảo Tín Minh Châu, Phú Quý cũng đẩy mạnh bán vàng trực tuyến. Bà Nguyễn Thị Luyến, Phó giám đốc phụ trách kinh doanh Công ty Vàng bạc Đá quý Bảo Tín Minh Châu cho biết, lượng khách hàng mua trực tuyến tại Bảo Tín Minh Châu năm nay gấp 5-7 lần so với các năm trước.
Vẫn cao hơn gần 7 triệu đồng/lượng với giá vàng thế giới
Hiện giá vàng giao ngay trên thị trường thế giới đứng ở mức 1.785 USD/ounce. Quy đổi theo tỷ giá hiện tại của Ngân hàng Vietcombank, vàng thế giới tương đương 49,7 triệu đồng/lượng (chưa bao gồm thuế, phí). Tính ra vàng trong nước tiếp tục cao hơn thế giới 6,8 triệu đồng/lượng.
Mức chênh lệch này là rất cao so với mức 2-3 triệu đồng/lượng ở thời điểm bình thường, do giá vàng nhập khẩu về phải tính thêm thuế, phí và chi phí chế tác.
Theo lý giải của các chuyên gia, nguyên nhân một phần là do các doanh nghiệp vàng trong nước đang cố tình “găm giá” để đợi ngày vía Thần Tài.
Nhưng bên cạnh đó, phần nhiều là do các sản phẩm vàng để bán ra trong ngày vía Thần Tài đã được các doanh nghiệp vàng chuẩn bị, lên kế hoạch thu mua nguyên liệu từ cách đây 4 - 5 tháng, khi giá vàng trên thị trường dao động ở mức 55 - 56 triệu đồng/lượng. Đây chính là lý do các nhà vàng trong nước vẫn tiếp tục neo giá vàng ngày vía Thần Tài ở mức cao.
Phân tích thêm về vấn đề này, ông Nguyễn Ngọc Trọng - Giám đốc Công ty vàng Đối tác mới (NPJ), cho rằng sự lệch pha cung - cầu của vàng trong nước đã khiến giá vàng không thể thu hẹp khoảng cách, người dân đang có nhu cầu rất lớn về vàng với quan niệm lấy may đầu năm khi mua vàng vào ngày vía Thần Tài. Vì thế, các doanh nghiệp kinh doanh vàng phải lo đảm bảo nguồn cung, trong khi các doanh nghiệp không được nhập khẩu vàng nguyên liệu phục vụ sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ.
Chuyên gia tài chính - ngân hàng, TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, trong ngày Thần Tài, giá vàng trong nước thường tăng mạnh so với thực tế nên đây không phải thời điểm thuận lợi để mua vàng vào. Vị chuyên gia này cũng lưu ý người cần cẩn trọng vì giá vàng biến động khôn lường, không nên mua quá mạnh tay và cần phân bổ rủi ro vào các tài sản khác. H.Hương
Tại TP HCM, trong ngày vía Thần Tài 10 tháng Giêng, khách mua vàng khá đông. Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn - SJC tung ra hàng loạt sản phẩm vàng may mắn như: trâu vàng, kim ngư - vạn sự như ý, kim ngư - phát lộc, vàng miếng loại 1 chỉ Phúc - Lộc - Thọ... Tương tự, PNJ tung dòng sản phẩm Tân Sửu đại cát gồm Kim Ngưu vàng 18k, vòng charm linh vật bằng vàng 24k nguyên khối. Ngoài ra, đơn vị này có chuẩn bị 2.500 bộ ba miếng vàng Xuân Phú Quý.
Để đón khách trong ngày vía Thần Tài, hầu hết các điểm bán mở cửa sớm 1- 2 tiếng, thậm chí có cửa hàng còn mở cửa từ 5 giờ sáng. Được biết, nhu cầu mua của khách hàng tập trung vào nhẫn trơn, lắc, dây chuyền, bông tai. Nhiều khách hàng cho rằng, với quan niệm lấy hên nên không nhất thiết phải là vàng miếng mà có thể mua nữ trang trong ngày này cũng là cầu may.
Nếu như giá vàng không tăng nhưng trái lại đồ cúng trong ngày vía Thần Tài lại tăng. Giá cá lóc, tôm càng tăng 20 - 40% so với các ngày bình thường. Cụ thể, cá lóc ngày thường chỉ khoảng 60.000 – 70.000 đồng/kg nhưng ngày 10 tháng Giêngc tăng lên đến 100.000 – 150.000 đồng/kg. Giá tôm càng cũng dao động từ 250.000 – 350.000 đồng/kg, tùy loại. Heo quay cũng được nhiều người lựa chọn cúng Thần Tài, tuy rằng giá đã vọt lên trên dưới 280.000 đồng/kg.