Kinh tế

Giá vàng tăng 'thẳng đứng'

H.Hương 11/03/2024 10:04

Giá vàng liên tiếp lập đỉnh khiến nhiều người băn khoăn liệu còn tăng tiếp hay sẽ giảm trong những ngày tới? Từ đây nhiều chuyên gia cảnh báo nguy cơ nhập lậu vàng.

anhbaitren(1).jpg
Giá vàng liên tục lập đỉnh mới. Ảnh: Quang Vinh.

Giá vàng phi mã

Sáng 10/3 giá vàng nhẫn tăng mạnh. Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn SJC mua vàng nhẫn 4 số 9 với giá 68,35 triệu đồng và bán ra 69,6 triệu đồng. Còn Công ty Bảo Tín Minh Châu đưa giá mua vàng nhẫn lên 69,78 triệu đồng, bán ra 71,08 triệu đồng và là đơn vị có giá bán cao nhất thị trường. Trong khi đó, vàng miếng tại Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn SJC được mua với giá 79,5 triệu đồng/lượng và bán ra 82 triệu đồng.

Như vậy, tính ra trong vòng 1 tuần qua, vàng nhẫn trơn đã tăng từ 2,5 - 3,1 triệu đồng/lượng. Còn trong vòng 1 năm giá vàng nhẫn trơn đã tăng 16 triệu đồng/lượng, tương đương tăng 30%. Đây là mức sinh lời hiếm thấy của vàng nhẫn trong 5 năm qua. So với gửi tiết kiệm, đầu tư vàng trong 1 năm qua có lãi cao gấp nhiều lần.

Tại nhiều cửa hàng vàng, nhu cầu mua vàng nhẫn vẫn tăng cao bất chấp giá vàng tăng liên tục. Không ít cửa hàng xuất hiện tình trạng “khan” vàng.

Giá vàng thế giới cũng đã lên mức 2.179,6 USD/ounce. Quy đổi theo tỷ giá USD của Vietcombank, vàng thế giới tương đương 65,3 triệu đồng/lượng (chưa bao gồm thuế, phí). Như vậy sau một tuần, vàng tăng khoảng 3 triệu đồng/lượng. Hiện mỗi lượng vàng miếng SJC vẫn đắt hơn thế giới 16,7 triệu đồng trong khi vàng nhẫn cũng giữ mức cao hơn 4,3 triệu đồng.

Trước đà tăng của giá vàng trong nước, không ít người băn khoăn. Chị Thanh Nga (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), cho rằng: “Chưa bao giờ tôi thấy thị trường vàng trong nước biến động lạ như hiện nay. Tôi nghĩ giá vàng nhẫn còn tăng nữa” – chị Nga nói đồng thời cho hay: “Tôi không làm ăn buôn bán gì, nhưng thấy mọi người bàn nhiều chuyện vàng tăng giá nên cũng sốt ruột mua theo. Một năm trở lại đây giá vàng cứ tăng vùn vụt, nên tôi đã gom tất cả tiền tích cóp để mua vàng. Đến thời điểm này là nhìn thấy lời rõ rồi”.

Nhiều chuyên gia tư vấn quản lý tài sản cho rằng, nắm giữ vàng nhẫn có lợi hơn nắm giữ vàng miếng trong bối cảnh hiện nay. Nguyên nhân là vàng nhẫn ít chênh lệch mua - bán và ít chênh lệch so với giá thế giới hơn so với vàng miếng SJC. Từ đây, cơn sốt vàng nhẫn càng tăng cao.

Nguy cơ buôn lậu vàng

Hàng năm số vụ buôn lậu vàng bị Bộ Công an triệt phá không nhỏ. Theo thông tin từ Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, trong vài năm trở lại đây, các lực lượng chức năng đã phát hiện và đấu tranh triệt phá thành công nhiều đường dây buôn lậu vàng quy mô rất lớn.

Điển hình như chuyên án triệt phá đường dây buôn lậu vàng từ Campuchia về Việt Nam qua cửa khẩu Chàng Riệc tỉnh Tây Ninh, khởi tố vụ án, khởi tố 18 bị can về tội buôn lậu. Tang vật thu giữ được 198kg vàng, 59 cây vàng, gần 2,9 triệu USD; gần 27 tỷ đồng và các phương tiện, thiết bị; trị giá lực lượng chức năng thu giữ tương đương gần 250 tỷ đồng. Tính riêng trong 2 tháng 8, 9/2022, các đối tượng đã nhập lậu hơn 4 tấn vàng.

Ở góc độ chính sách cho thấy từ năm 2014 đến nay, Ngân hàng Nhà nước không nhập vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng đã tác động đến nguồn cung vàng miếng trong nước, dẫn đến hiện tượng chênh lệch giữa giá vàng thế giới và trong nước tăng cao. Từ đó dẫn đến gia tăng vấn nạn buôn lậu vàng do các đối tượng nhìn thấy lợi nhuận lớn.

Theo chuyên gia Đinh Nho Bảng, ngành trang sức mỹ nghệ tại Việt Nam mỗi năm cần khoảng 20 tấn vàng nguyên liệu nhưng từ nhiều năm nay không được nhập khẩu, trong khi nhu cầu mua vàng trang sức ở Việt Nam ngày càng tăng, từ mua vàng để dành, tích trữ sang mua vàng để làm đẹp, các sản phẩm vàng phân khúc trung và cao cấp còn rất nhiều dư địa tăng trưởng điều này sẽ gây rủi ro rất lớn vì nguồn nguyên liệu không đến từ nhập khẩu chính thức. Nguyên do là hơn chục năm nay, từ khi có Nghị định 24/2012 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, Ngân hàng Nhà nước chỉ cấp giấy phép nhập khẩu vàng nguyên liệu cho các doanh nghiệp (DN) được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ. Tuy nhiên, hơn 10 năm qua, chưa DN nào được cấp phép nhập vàng nguyên liệu.

Ông Bảng cho biết, do không được nhập khẩu vàng nguyên liệu nên DN phải mua vàng trôi nổi trên thị trường, thậm chí có tình trạng DN mua phải vàng buôn lậu. Các DN không thể xác định được vàng nguyên liệu đó từ nguồn nào, vì quy định chỉ cần có bảng kê theo hướng dẫn của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế và căn cứ của người bán. DN vàng cũng không có chức năng đi thẩm định nguồn vàng đó, chỉ có bảng kê xác nhận. Đây là rủi ro pháp lý cho các DN khi mua vàng nguyên liệu trên thị trường.

Dù biết mua vàng trôi nổi trên thị trường rủi ro rất lớn, nhưng nhiều DN vẫn phải mua để duy trì hoạt động sản xuất - kinh doanh. Hiệp hội Kinh doanh vàng (VGTA) đã phản ánh những khó khăn trên với Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công an để có giải pháp bảo vệ quyền lợi cho DN. VGTA cũng đã kiến nghị cho các DN lớn nhập khẩu vàng nguyên liệu để phục vụ thị trường trong nước.

“Nếu Nhà nước cho nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất trang sức mỹ nghệ, sẽ đạt được 3 tiêu chí. Thứ nhất, đáp ứng nhu cầu của người dân trong nước; Thứ 2, vàng trang sức có thể xuất khẩu. Vàng trang sức của Việt Nam đã được xuất khẩu vào các thị trường Malaysia, Singapore… thu về hàng tỷ USD. Và việc xuất khẩu vàng trang sức cũng là một kênh hỗ trợ du lịch rất tốt” - ông Bảng nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giá vàng tăng 'thẳng đứng'

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO