Tiếp sau xạ thủ Hoàng Xuân Vinh, lực sĩ cử tạ Lê Văn Công lại một lần nữa đem vinh quang về cho đất nước. Điều đó như thể giấc mơ, một giấc mơ có thật! Tên của các anh đã vang lên tại đấu trường thể thao lớn nhất hành tinh. Lá cờ đỏ sao vàng yêu dấu của Tổ quốc được kéo lên trong tiếng nhạc “Tiến quân ca”. Triệu trái tim người Việt Nam cùng thổn thức. Niềm vui đến bất ngờ và trước đó cũng đã mấy ai dám ngờ.
Hoàng Xuân Vinh.
Còn nhớ, trước khi dẫn Đoàn thể thao Việt Nam tham dự Olympic Rio 2016, trưởng đoàn Việt Nam nói rằng chúng ta chỉ cố gắng có Huy chương, vì đây luôn được cho là sân chơi quá tầm đối với Việt Nam. Rồi đến Paralympic cũng không ai dám mơ mộng nhiều. Nhưng rồi, chúng ta đã có Vàng! Huy chương Vàng đến từ những con người tài năng, kiên trì khổ luyện, vượt lên hoàn cảnh để giành chiến thắng.
Đặc biệt, đối với Lê Văn Công, anh đã đem đến sự ngỡ ngàng cho tất cả mọi người. Người Việt vốn “thấp bé nhẹ cân” hơn so với nhiều dân tộc khác. Trong thể thao điều đó là bất lợi, chỉ có thể “ăn giải” ở những môn cần sự khéo léo thay vì sức mạnh. Thêm nữa, việc các vận động viên của ta phải luyện tập trong điều kiện cơ sở vật chất thiếu thốn, lạc hậu cũng sẽ khó có thể đạt được thứ hạng cao. Nói thế để thấy những gì thể thao Việt Nam đạt được là vô cùng quý giá; khẳng định rằng người Việt Nam hoàn toàn có thể làm nên những điều thần kỳ.
Việt Nam tự hào có những danh nhận văn hóa thế giới được UNESCO vinh danh, đó là các vị Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Chí Minh. Trên các lĩnh vực khác, người Việt Nam cũng chứng tỏ phẩm chất trí tuệ và năng lực ở đẳng cấp cao. Về quân sự, các tướng lĩnh Việt Nam từ thế hệ này sang thế hệ khác đã làm nên nghệ thuật quân sự Việt Nam.
Thời nào đất nước cũng có tướng tài cầm quân giữ nước, bởi đất nước phải trải qua không biết bao nhiêu cuộc chiến đấu để giữ gìn cương vực lãnh thổ, để giữ gìn phẩm giá của người Việt Nam.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp- người không được đào tạo qua bất cứ một trường lớp quân sự nào nhưng đã đánh bại tất cả những tướng lĩnh đem quân sang xâm lược Việt Nam. Lịch sử quân sự thế giới vinh danh ông. Khi ông còn sống với chúng ta, bất cứ vị tướng nước ngoài nào khi đến Việt Nam cũng đều muốn diện kiến ông, để được nhìn thấy một thiên tài quân sự bằng xương bằng thịt; được trò chuyện và được nghe những lời nói của một huyền thoại sống.
Lê Văn Công.
Trong những cuộc thi Olympic thế giới, học sinh Việt Nam luôn là những đối thủ đáng gờm đối với bất kỳ học sinh nước nào, cho dù họ đến từ những quốc gia tiền rừng bạc biển, được nuôi dưỡng và trưởng thành bởi một nền giáo dục tiên tiến. Những tấm huy chương các loại cho tất cả các môn thi, như Toán, Vật lý, Hóa học…, mà học sinh Việt Nam đạt được trong các kỳ thi đã chứng tỏ trí tuệ Việt Nam, thành quả của một cách làm giáo dục Việt Nam.
Nền Y học Việt Nam cũng sản sinh ra những con người tài năng mà tên tuổi của họ đã vượt ra ngoài biên giới. Trong số đó có thể kể đến bác sĩ Nguyễn Tài Thu- người có đôi tay vàng, là bậc “phù thủy” châm cứu có một không hai. Những ca bệnh nan y được ông chữa khỏi chỉ nhờ vào những cây kim bình thường đã khiến thế giới ngả mũ kính chào. Cùng với những cây kim, ông đã tới rất nhiều nơi trên thế giới, từ thành Roma nghiêm cẩn của châu Âu cho đến một quốc gia Nam Mỹ xa xôi. Ông đã ghi danh nghệ thuật chữa bệnh của Việt Nam vào y văn thế giới.
Đến nay, với Hoàng Xuân Vinh và Lê Văn Công, thể thao thế giới chính thức ghi danh Việt Nam. Với Lê Văn Công, nhìn đôi chân teo tóp vì tật nguyền của anh, bỗng trào nước mắt khi anh nâng tạ mạnh nhất thế giới. Làm sao người đời biết hết được những khó khăn gì trong cuộc sống mà anh đã phải đối mặt từng ngày từng giờ; cũng làm sao biết được anh đã khổ luyện thế nào, đã cắn răng chịu đựng thế nào để vượt lên những thua thiệt rủi ro, cuối cùng giành được chiến thắng.
Chiến thắng của Lê Văn Công cũng là chiến thắng của nghị lực con người Việt Nam, không sợ khó sợ khổ, không chùn bước trước thách thức, luôn hướng về phía trước với niềm tin sắt đá không lay chuyển. Chiến thắng của Lê Văn Công đã truyền cảm hứng cho tất cả chúng ta- cảm hứng yêu tha thiết cuộc đời này cho dẫu có phải rơi vào hoàn cảnh khốc liệt đến đâu chăng nữa.
Chia sẻ với Lê Văn Công, cảm động với Lê Văn Công, nhiều tổ chức, cá nhân đã ủng hộ anh một cách thiết thực. Tới nay, số tiền ủng hộ anh đã ở con số gần 900 triệu đồng. Không nói ít hay nhiều, nhưng đó chính là tấm lòng thơm thảo, là sự trân trọng của xã hội dành cho anh- người đem lại vinh quang cho đất nước, người đã truyền cảm hứng sống, khát vọng sống cho tất cả mọi người.
Nhân sự kiện này, cũng nên nói thêm chút ít về lĩnh vực thể thao. Tới nay, chính sách khen thưởng đối với vận động viên khuyết tật chỉ bằng một nửa của vận động viên lành lặn. Vì sao lại thế? Vinh quang nào giành được cũng đều ngang bằng như nhau. Ở khía cạnh nào đó, vinh quang giành dược của vận động viên khuyết tật còn gian nan hơn nhiều, đem lại cảm hứng to lớn cho cuộc sống.
Với bóng đá, môn thể thao “vua” thì bóng đá nam của ta cũng giành được sự ưu ái hơn, tiền thưởng nhiều hơn nhiều so với bóng đá nữ. Trong khi đội bóng của các “Vua” ở giải quốc tế nào cũng trầy chật thì đội bóng của các “Hậu” lại chiến thắng tưng bừng. Ở những môn thể thao khác, nhan sắc Việt cũng giành được nhiều thành tích hơn đấng mày râu.
Thực tế ấy cần được ghi nhận và cần có chính sách động viên thực tế. Xã hội cũng cần nhìn nhận vấn đề này để chị em đỡ thiệt thòi. Đó là chưa nói đến lúc giải nghệ, chấm dứt cuộc đời vận động viên, nhiều chị em lại phải đương đầu với cuộc sống một cách rất khó khăn…