Men theo bờ biển các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long từ Bến Tre cho đến Cà Mau, có khá nhiều khu vực quy hoạch điện gió. Nếu như vào thời điểm đầu năm 2019 có khoảng 50 dự án điện gió đăng ký đầu tư ở Việt Nam, thì đến đầu năm 2021 này, con số dự án đã lên đến gần 100. Trong đó, có những dự án đã đưa vào quy hoạch, có dự án vẫn chờ thời cơ để được đầu tư. Điểm chung của hầu hết dự án điện gió là đều nằm ở ven biển.
Nhưng được biết, tới thời điểm này cả nước mới chỉ có 4 dự án với tổng công suất 159,2MW đi vào vận hành thương mại. Trong đó, dự án Nhà máy điện gió Bạc Liêu có công suất lớn nhất trong số 4 dự án điện gió đang hoạt động. Tại Cà Mau, các nhà đầu tư đề xuất trên 20 dự án, đề án điện gió, với tổng công suất 8.480MW. Hiện có 7 đề án được tỉnh đồng ý cho tiếp cận nghiên cứu, với công suất trên 4.200MW.
Tại Sóc Trăng, với chiều dài bờ biển 72 km, cũng được xem là lợi thế phát triển điện gió. Bờ biển dài với tốc độ gió ở độ cao 120 m tại khu vực bãi bồi ven biển đạt trung bình khoảng 8,3m/giây; thuận lợi phát triển điện gió trong đất liền và ngoài khơi, tương đương quy mô công suất khoảng 7.000MW. Hiện tỉnh này đã được Trung ương chấp thuận bổ sung quy hoạch 20 dự án điện gió. Các dự án này đang triển khai, dự kiến tháng 10.2021 đưa vào vận hành 8 dự án, số còn lại vận hành năm 2022 và năm 2023.
Còn Bến Tre cũng đã được phê duyệt 6 nhà máy điện gió, trong đó, có dự án điện gió ngoài khơi, cách bờ biển đến 42 km.
Nhìn vào hệ thống điện gió dọc bờ biển vùng Đồng bằng sông Cửu Long, ngay từ hôm nay đã có thể hinh dung được nguồn năng lượng sạch rất dồi dào trong nay mai. Nếu như ngày trước những cơn bão thổi từ biển vào khiến người dân khiếp đảm thì nay gió đã là nguồn tài nguyên thật sự để các tỉnh này thay đổi cơ cấu kinh tế, phát triển mạnh mẽ. Cũng cần nhớ rằng, Đồng bằng sông Cửu Long chính là khu vực chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu nặng nề nhất cả nước. Những năm qua, nhiều nơi sụt lở, nước biển theo các cửa sông đưa mặn vào sâu nội đồng khiến trồng trọt, chăn nuôi gặp nhiều khó khăn. Nhiều người dân đã phải bỏ xứ mà đi.
Vì thế, điện gió được xem là một cách để “tăng cường nội lực” giúp người dân trong vùng đương đầu với biến đổi khí hậu. Nói như lãnh đạo tỉnh Cà Mau thì các dự án điện gió ven biển không những đem đến nguồn năng lượng, thu nhập cho nhà đầu tư mà còn mở ra cơ hội để Cà Mau phát triển du lịch ven biển. Đó là du lịch điện gió.
Hồi sinh vùng bãi bồi ven biển bằng những dự án điện gió, mơ ươc ấy của người dân Đồng bằng sông Cửu Long đang dần trở thành hiện thực. Một giấc mơ giữa ban ngày.