Với tiềm năng điện gió ngoài khơi lên đến 160 GW, Việt Nam là một trong những nước có tiềm năng điện gió ngoài khơi lớn nhất Đông Nam Á.
Cục Năng lượng Đan Mạch và Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo Việt Nam vừa tổ chức Hội thảo trực tuyến để thảo luận nhằm thúc đấy việc phát triển điện gió ngoài khơi ở Việt Nam. Đây là một hoạt động trong khuôn khổ chương trình hợp tác đối tác giữa Việt Nam và Đan Mạch trong lĩnh vực năng lượng.
Ông Martin Hansen - Phó Cục trưởng Cục Năng lượng Đan Mạch cho biết, do nhu cầu tiêu thụ điện gia tăng nhanh chóng, trung bình khoảng 10% một năm trong thập kỷ vừa qua cùng với sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch nhập khẩu, Việt Nam bắt buộc phải tìm kiếm thêm các nguồn năng lượng sạch để đưa vào Quy hoạch phát triển điện quốc gia trong 10 năm tới. Cục Năng lượng Đan Mạch đã và đang hỗ trợ việc xây dựng quy hoạch này.
Với hơn 3.000 km bờ biển và một số khu vực có lượng gió lớn nhất ở Đông Nam Á, Việt Nam được coi là thị trường triển vọng nhất cho điện gió ngoài khơi. Báo cáo đầu vào cho lộ trình phát triển điện gió ngoài khơi, được xây dựng với sự hỗ trợ của Cục Năng lượng Đan Mạch, cung cấp các kết quả phân tích định lượng, đánh giá tiềm năng, phân khu và xếp hạng các khu vực gió ngoài khơi, tính toán chi phí giá và phân tích truyền tải, đấu nối.
Những phát hiện sơ bộ được trình bày tại Hội thảo trực tuyến đã chỉ ra rằng tiềm năng kỹ thuật gió ngoài khơi của Việt Nam là 160 GW. Đây là con số khổng lồ nếu so sánh với 29 GW điện gió ngoài khơi đã được lắp đặt trên toàn cầu tính đến cuối năm 2019. Ngay cả sau khi đã loại trừ các địa điểm không khả thi do xung đột với các mục đích sử dụng biển khác hoặc vì lý do tài chính, tiềm năng xây dựng điện gió ngoài khơi vẫn còn khá lớn. Nguồn tiềm năng dồi dào này hiện đang thu hút mối quan tâm lớn từ các nhà đầu tư quốc tế.
Giai đoạn đầu tiên của chương trình hợp tác được khởi động vào năm 2013 giữa Việt Nam và Đan Mạch, tập trung vào lĩnh vực tiết kiệm năng lượng. Giai đoạn hai của chương trình bắt đầu từ năm 2017 đến năm 2020, tập trung vào xây dựng năng lực cho các cơ quan của Việt Nam trong lĩnh vực quy hoạch năng lượng dài hạn, vận hành hệ thống điện có tích hợp năng lượng tái tạo với tỉ trọng cao, và chuyển đổi cácbon thấp trong lĩnh vực tiết kiệm năng lượng cho các ngành công nghiệp. Giai đoạn ba của chương trình dự kiến bắt đầu từ cuối năm 2020 đến năm 2025 và sẽ tập trung vào phát triển điện gió ngoài khơi cho Việt Nam.
Từ năm 2009 đến nay, Đan Mạch đã tài trợ cho Việt Nam hơn 60 triệu USD vốn viện trợ không hoàn lại chỉ riêng trong lĩnh vực năng lượng và biến đổi khí hậu.