Quỹ dân số Liên hợp quốc (UNFPA) tại Việt Nam mới đây đã công bố chiều cao trung bình của nam giới nước ta hiện chỉ đạt 164,4cm, nữ giới đạt 153,4cm, thấp hơn lần lượt 13cm và 10cm so với chuẩn chung của thế giới. Cứ 10 năm người dân Việt Nam chỉ cao thêm được 1 cm, trong khi nước láng giềng Thái Lan và Trung Quốc tăng hơn 2 cm. Vì sao vậy?
Ảnh minh họa.
Đi tìm nguyên nhân
TS Nguyễn Thị Lâm- Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia cho biết, các số liệu thống kê từ trước đến nay cho thấy chiều cao của người Việt thuộc loại thấp. Chiều cao trung bình của nam thanh niên là 1,644 m, thấp hơn so với một số nước như Nhật Bản (1,715 m) hay Hàn Quốc (1,739 m)... Chiều cao của nữ giới cũng rất thấp, hiện chỉ có 1,548 m.
Vẫn theo TS Lâm, ảnh hưởng của tình trạng suy dinh dưỡng giai đoạn từ bụng mẹ đến 3 tuổi lên chiều cao của trẻ khi trưởng thành rất nhiều, chênh nhau đến 10 cm.
Nếu lúc 3 tuổi trẻ phát triển tốt, đạt 94,5 cm thì chiều cao khi 18 tuổi là 170 cm, trong khi nếu bị suy dinh dưỡng thì con số này chỉ là 158 cm.
Bên cạnh đó, theo Tiến sĩ Nguyễn Gia Khánh, Phó Chủ tịch Hội Nhi khoa Việt Nam, 60% trẻ dưới 6 tháng tuổi có triệu chứng về rối loạn tiêu hóa và hậu quả là trẻ sẽ chậm lớn, thấp còi. Một khảo sát tại Brazil với gần 200 trẻ cho thấy, trong 2 năm đầu đời nếu trung bình bé bị 7 đợt tiêu chảy thì lúc 7 tuổi sẽ thấp hơn 3,6 cm so với bạn cùng lứa tuổi không mắc bệnh.
Trẻ bị giun khi lên 7 cũng sẽ thấp hơn các bạn khác 4,6 cm. Như vậy trẻ có nguy cơ giảm tới 8,2 cm chiều cao nếu vừa bị tiêu chảy vừa có giun sán trong người. Dù được bổ sung dinh dưỡng đầy đủ thì trẻ tiêu chảy nhiều lần cũng vẫn bị thấp còi hơn các trẻ khác.
Dư luận thời gian qua cũng đặt ra nhiều băn khoăn về sự hiểu biết trong việc sử dụng thực phẩm ở nước ta. Về vấn đề này, PGS TS Lê Bạch Mai- Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia cho rằng, 35 năm nay, khẩu phần canxi của người Việt không thay đổi, chỉ đạt 500-540 mg/người/ngày, mức này mới đáp ứng 50-60% khẩu phần khuyến nghị.
Cụ thể, với cua đồng giàu canxi nhưng lượng canxi tập trung nhiều ở mai hay cá nhiều canxi tập trung ở xương, canxi ở vỏ tôm...
Dù cua, tôm, cá nhiều canxi nhưng không ai có thể ăn được cả mai và yếm cua, cá ăn cả xương hay tôm ăn cả vỏ. Lượng canxi nạp vào thấp nhưng việc đào thải canxi lại tăng lên do người Việt ăn quá nhiều thịt và ăn quá mặn.
Trong khi sữa là thực phẩm cung cấp đầy đủ chất đạm, chất béo, vitamin, chất khoáng, nhất là tăng canxi giúp cơ thể phát triển toàn diện và khỏe mạnh thì người Việt ít sử dụng sữa và chế phẩm từ sữa.
Qua kết quả các cuộc tổng điều tra của Viện Dinh dưỡng, mức tiêu thụ sữa của người Việt mới đạt 11 lít/người/năm (bằng 1/2 Thái Lan, bằng 1/3 Singapore).
Ảnh minh họa.
Đầu tư dinh dưỡng và vận động chưa hợp lý
Theo thống kê của Viện Dinh dưỡng, hiện tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi của Việt Nam vẫn ở mức cao. Trung bình mỗi năm có 1,9 triệu trẻ bị suy dinh dưỡng thấp còi. Số trẻ này sẽ hụt khoảng 10cm chiều cao so với bạn bè cùng trang lứa khi trưởng thành.
Theo TS Nguyễn Thị Lâm, kinh nghiệm của Hàn Quốc, Nhật Bản cho thấy người dân nước họ có chiều cao tốt vì họ chú trọng đến dinh dưỡng, can thiệp sớm trước khi có thai, thời kỳ mang thai, cho con bú, trẻ ăn bổ sung, thậm chí ngay cả dinh dưỡng học đường cũng rất được quan tâm.
Còn theo PGS Nguyễn Đức Hinh, Hiệu trưởng Đại học Y Hà Nội, người Nhật hiện có thể lực rất tốt và có tuổi thọ cao nhất thế giới chính nhờ chiến lược dinh dưỡng mà họ thực hiện suốt hàng chục năm qua là chăm lo bữa ăn cho học sinh từ tiểu học đến hết phổ thông, chú trọng dinh dưỡng cho phụ nữ trước, trong khi mang thai...
So với Nhật Bản, mấy thập kỷ trước người Việt cao hơn người Nhật 2cm. Thế nhưng, nhờ thay đổi chế độ dinh dưỡng, đến nay nam thanh niên Nhật Bản cao hơn ta gần 7cm.
PGS TS Lê Bạch Mai cho rằng, với tốc độ tăng chiều cao 1-1,5cm trong một thập kỷ qua, chúng ta phải mất từ 60 đến 80 năm nữa mới cao được như người Nhật hiện nay.
Câu hỏi được đặt ra là tại sao không cải thiện chế độ dinh dưỡng hợp lý? Các chuyên gia khuyến cáo, để có thể cải thiện được chiều cao của người Việt thì điều quan trọng là cần có những can thiệp dinh dưỡng hợp lý theo chu kỳ vòng đời.
Cụ thể, ngay từ khi mang thai, người mẹ cần được bổ sung đủ chất, đủ dinh dưỡng, đa dạng để ngăn ngừa việc sinh ra những trẻ nhẹ cân, thấp. Tiếp theo đó là việc nuôi dưỡng trẻ thật tốt trong 3 năm đầu đời, trẻ được bú sữa mẹ sớm, hoàn toàn trong 6 tháng đầu.
Có thể thấy những năm qua, việc đầu tư phát triển thể chất tại các trường học dù đã được quan tâm nhưng vẫn chưa hiệu quả. Những bài tập thể dục tại các trường học từ cấp Tiểu học đến đại học đều chưa thật khoa học và thiếu hấp dẫn.
Theo nhiều chuyên gia trong lĩnh vực này thì yếu tố kém hấp dẫn, thậm chí nhàm chán trong các buổi học thể dục, thể thao chính là yếu tố cơ bản khiến học sinh không muốn vận động cơ thể.
Khó cải thiện?
Môn học nào là quan trọng đối với học sinh, nhất là ở độ tuổi 11 đến 15, độ tuổi vàng của đời người để phát triển tầm vóc và thể lực?
Không nhiều phụ huynh Việt Nam đề cao môn thể dục. Rất ít người có ý thức dành cho con một quỹ thời gian bắt buộc trong cái lịch học kín mít để chơi thể thao.
Dù nhiều người vẫn nhận thức được rằng một trong các yếu tố quyết định tầm vóc và thể lực chính là chế độ tập luyện tốt. Thậm chí, nhiều bậc phụ huynh vẫn đặt nặng thành tích học tập mà ép con học quá nhiều, không có thời gian vận động dẫn đến hoặc béo phì, hoặc còi cọc và dễ mắc các bệnh học đường như cận thị, cong vẹo cột sống…
Đề án nâng cao tầm vóc, thể lực người Việt (Đề án 641) được Chính phủ phê duyệt từ năm 2011 với kinh phí lên đến 6.000 tỷ đồng nhằm cải thiện, nâng cao tầm vóc và thể lực cho cả một thế hệ người Việt như các nước Nhật Bản, Hàn Quốc từng làm. Trong đó, đặt ra mục tiêu với nam 18 tuổi vào năm 2020 phải có chiều cao trung bình 167 cm và đến năm 2030 chỉ số này là 168,5 cm.
Đối với nữ 18 tuổi, năm 2020 chiều cao trung bình là 156 cm và đạt 157,5 cm vào năm 2030. Thế nhưng, trong trong vòng 10 năm qua, trong khi chiều cao của người dân Nhật Bản, Hàn Quốc đã có sự thay đổi rõ rệt thì tại Việt Nam, chỉ số đó chỉ tăng vỏn vẹn 1 cm, vẫn thuộc “top” thấp nhất châu Á, thậm chí thua xa các nước trong Đông Nam Á như Thái Lan, Malaysia…
Tại thời điểm phê duyệt, Đề án đặt ra mục tiêu chiều cao trung bình của thanh niên Việt Nam tăng tới hơn 3cm trong vòng 9 năm. Tuy nhiên, đến nay đã 5 năm trôi qua, do vấp phải nhiều vướng mắc khách quan và khó khăn nội tại nên hiện Đề án mới đang dừng ở bước nghiên cứu trẻ em ở mỗi vùng khác nhau thiếu những chất gì để phát triển chiều cao, từ đó mới có kế hoạch cụ thể triển khai Đề án…
Như vậy, phải chăng mong muốn tăng thêm 3cm của người Việt vẫn chỉ là “giấc mơ”?
Khảo sát của Viện Dinh dưỡng quốc gia năm 2015 cho thấy, tình trạng dinh dưỡng trẻ em đã được cải thiện đáng kể so với 30 năm trước. Tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân giảm từ 52% năm 1985 xuống 14%; thể thấp còi 60% nay còn 25%. Mặc dù giảm, song con số này giảm chậm và vẫn ở mức cao, đang có có xu hướng chững lại. Tỷ lệ này có ảnh hưởng đến tầm vóc, sức bền trong tương lai của người Việt. Trong khi đó, tỷ lệ trẻ thừa cân béo phì có xu hướng gia tăng, cao gấp 9 lần so với năm 2000. Cụ thể, sau 15 năm, nhóm trẻ thừa cân béo phì đã tăng từ 0,6% (năm 2000) lên mức 5,6% (năm 2015). |