Hiện các làng nghề ở nước ta đang phát triển theo hình thức tự phát, khiến tình trạng ô nhiễm môi trường luôn hiện hữu.
Theo Hiệp hội làng nghề Việt Nam, hiện các làng nghề phát triển đang theo hình thức tự phát. Và đây được coi là nguyên nhân chính khiến tình trạng ô nhiễm môi trường làng nghề đang ở mức báo động, ảnh hưởng đến môi trường và đời sống người dân.
Cụ thể, có tới 46% số làng nghề trong diện điều tra có môi trường bị ô nhiễm nặng, 27% làng nghề ô nhiễm vừa. Trong đó, hàm lượng các chất ô nhiễm theo các chỉ số COD, BOD5 hay tổng số vi khuẩn coliform trong nước thải làng nghề đều vượt tiêu chuẩn cho phép hàng chục lần, một số nơi lên đến hàng nghìn lần.
Không những thế, hầu hết các làng nghề đều có hàm lượng bụi vượt tiêu chuẩn cho phép, nồng độ khí SO2 tại các làng nghề cao hơn nhiều lần so với tiêu chuẩn. Tình trạng ô nhiễm môi trường tập trung vào các loại hình làng nghề đặc trưng như chế biến lương thực, thực phẩm, vật liệu xây dựng, dệt nhuộm, tái chế giấy, tái chế nhựa, tái chế kim loại, thủ công mỹ nghệ...
Có thể kể tới làng nghề tái chế nhôm phế liệu Mẫn Xá (xã Văn Môn, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh). Theo đánh giá của các chuyên gia trong lĩnh vực môi trường, tại Văn Môn, trung bình mỗi ngày phát sinh khoảng 30 – 40 tấn chất thải rắn, gồm bã thải xỉ nhôm, xỉ than từ quá trình cô đúc kim loại, chưa được thu gom triệt để. Bên cạnh đó còn hiện tượng đổ tràn xuống đường giao thông, kênh mương nội đồng và các khu đất trống.
Kết quả quan trắc chất lượng môi trường không khí cũng cho thấy, các chỉ tiêu phân tích (tiếng ồn, bụi, SO2, NO2) đều vượt quy chuẩn cho phép từ 1,2 – 1,8 lần. Nguồn nước thải từ sản xuất, sinh hoạt, chăn nuôi chưa được thu gom, xử lý, xả trực tiếp ra các ao, hồ, gây ô nhiễm nghiêm trọng. Kết quả quan trắc chất lượng nước mặt cho thấy, các chỉ tiêu phân tích (pH, BOD5, COD, SS, Fe, Cu, Ni, Pb, dầu mỡ) cao hơn chuẩn cho phép từ 1,5 – 16 lần.
Và thực trạng ô nhiễm môi trường làng nghề như hiện nay, được chỉ rõ, là do việc tái cơ cấu làng nghề chưa được thực hiện triệt để nên đa số các làng nghề có quy mô sản xuất nhỏ, vốn đầu tư thấp nên khó có điều kiện phát triển hoặc đổi mới công nghệ theo hướng thân thiện với môi trường.
Các cơ sở sản xuất trực tiếp trong các làng nghề chưa đầu tư xây dựng công trình xử lý nước thải, không có các hạng mục, công trình bảo vệ môi trường theo quy định nên hầu hết chất thải độc hại được thải trực tiếp ra môi trường, không qua xử lý. Bên cạnh đó, do không nhận thức được tác hại lâu dài của ô nhiễm môi trường, chỉ quan tâm đến lợi nhuận mà nhiều cơ sở sản xuất còn sử dụng các nguyên liệu rẻ tiền, hóa chất độc hại nhằm hạ giá thành sản phẩm, làm chất lượng môi trường khu vực các làng nghề ngày càng xấu đi.
Khẩn trương quy hoạch làng nghề gắn với bảo vệ môi trường
Theo số liệu thống kê của Hiệp hội làng nghề Việt Nam, hiện cả nước có khoảng 5.400 làng nghề, trong đó có khoảng 2.000 làng nghề truyền thống đã được công nhận. Trong đó, có 60% làng nghề tập trung khu vực phía Bắc, miền Trung chiếm khoảng 23,6% và miền Nam chiếm khoảng 16,6%. Hiện các làng nghề phát triển đang theo hình thức tự phát, tình trạng ô nhiễm môi trường luôn hiện hữu.
Tiến sĩ Dương Đình Giám, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, Chính sách công nghiệp cho biết, mặt trái của sự phát triển là hầu hết các làng nghề Việt Nam hiện nay đã và đang bị ô nhiễm ở cả ba dạng: ô nhiễm nước, ô nhiễm rác thải và khí thải.
Một trong những nguyên nhân của tình trạng trên là do cách thức tổ chức quản lý sản xuất của các làng nghề hiện nay chưa thật sự hiệu quả. Đa số làng nghề sản xuất với hình thức nhỏ lẻ, thiếu sự hỗ trợ về vốn, công nghệ, cũng như thông tin thị trường…
Để giải quyết tình trạng này thì việc quy hoạch không gian sản xuất gắn với bảo vệ môi trường là một trong những giải pháp thu được hiệu quả đáng kể. Tuy nhiên, hiện nay việc quy hoạch các làng nghề còn hạn chế về số lượng do thiếu sự đồng bộ, công tác quản lý còn chồng chéo, phân định chưa rõ ràng.
Trước những khó khăn đó, đòi hỏi cần có những chính sách phát triển các làng nghề phù hợp sao cho tận dụng được những lợi thế của các địa phương trong quá trình phát triển, vượt qua những thử thách của hội nhập và đảm bảo cho sự phát triển lâu dài, hiệu quả.
Vẫn theo Tiến sĩ Giám, chính quyền địa phương và các hộ sản xuất trong làng nghề cùng xem xét phương án quy hoạch đưa khu vực sản xuất làng nghề ra khỏi nơi sinh hoạt của gia đình.
Địa phương sẽ quy hoạch khu đất riêng thuộc địa bàn của xã. Các hộ gia đình sẽ được cho thuê đất để chuyển hướng sản xuất ra ngoài. Hạ tầng cơ sở sẽ do địa phương và hộ nghề cùng góp vốn xây dựng. Mô hình này đã được thực hiện thành công ở nhiều địa phương. Tuy nhiên, hiện một số địa phương vẫn gặp khó khăn về quỹ đất để bố trí mặt bằng cho việc di dời này.
Trong khi đó, nhiều chuyên gia môi trường khác nhấn mạnh, để giải quyết triệt để ô nhiễm môi trường các làng nghề cần phải xây dựng quy hoạch lang nghề gắn với bảo vệ môi trường.
Đây là giải pháp quan trọng nhất, bởi thực tế hiện nay đa số làng nghề đều tập trung ở khu vực đông dân cư, dẫn đến khó mở rộng sản xuất, đồng thời ảnh hưởng của ô nhiễm môi trường đến người dân nặng nề hơn.
Vì vậy, các địa phương cần sớm có quy hoạch làng nghề để di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường ra khỏi khu vực dân cư. Đồng thời, các khu vực này phải xây dựng cơ sở hạ tầng, kỹ thuật, đặc biệt là các công trình xử lý môi trường.