Giải bài toán việc làm để thu hút người học

Hàn Minh 24/07/2023 07:05

Học phí thấp, điểm chuẩn không cao nhưng khối ngành khoa học cơ bản vẫn không thu hút được người học. Cách nào để những ngành được đánh giá rất cần cho sự phát triển của đất nước này không còn phải chật vật tuyển sinh?

Sinh viên khoa Khí tượng Thủy văn và Hải dương học trong giờ thực hành. Ảnh: TL.

Trường “tự bơi” không đủ

Thực trạng khó tuyển sinh của khối ngành khoa học cơ bản đã có từ nhiều năm nay. Theo thống kê từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong mùa tuyển sinh năm 2022, chỉ tiêu đạt được của lĩnh vực khoa học tự nhiên là 59%, khoa học sự sống là 58%. Đây là hai trong bốn lĩnh vực có tỷ lệ đầu vào đại học (ĐH) thấp nhất trong 3 năm liên tiếp. Trong khi đó, những ngành mới mở, vốn không phải là thế mạnh trong đào tạo của trường, lại thu hút lượng lớn hồ sơ ứng tuyển dẫn đến việc điểm chuẩn tăng cao. Điều này ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo cũng như nguồn nhân lực hoạt động trong ngành khoa học cơ bản sau này.

Để thu hút sinh viên theo học các ngành khoa học cơ bản, các trường ĐH đang có nhiều chính sách hỗ trợ nhóm ngành này. Từ năm 2022, ĐH Quốc gia Hà Nội bắt đầu triển khai các suất học bổng cho sinh viên các ngành khoa học cơ bản thuộc Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn với gói học bổng gồm: Miễn học phí, miễn phí chỗ ở nội trú, ưu tiên tham gia nghiên cứu khoa học và chương trình ươm tạo nhà khoa học, ưu tiên khi xét các học bổng khác và hỗ trợ sinh hoạt phí 20 triệu đồng/năm học.

ĐH Quốc gia TPHCM đã và đang triển khai và thực hiện nhiều chính sách như hỗ trợ kinh phí, giảm học phí cho ngành khoa học cơ bản khó tuyển cho các trường thành viên. Cụ thể, năm học 2022 - 2023, ĐH này đã hỗ trợ 35% học phí cho một số ngành tại Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn như Triết học, Tôn giáo học, Lịch sử, Địa lý...

Dẫu vậy, trong xu hướng tự chủ tuyển sinh hiện nay, nhiều chuyên gia cho rằng sẽ rất khó cho các trường “nếu phải tự bơi”. PGS Đỗ Văn Dũng - nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM chỉ ra thực trạng các trường ĐH ở Việt Nam sống chủ yếu dựa vào học phí. Các trường sẽ không thể nào “nuôi” một ngành học không có sinh viên lâu dài. Không có sinh viên, không có học phí ngành học sẽ “chết”.

Song ở chiều ngược lại, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra muốn đất nước phát triển bền vững phải cần đội ngũ nghiên cứu cơ bản. Nếu không có những giải pháp căn cơ để ngành này không những tiếp tục duy trì tuyển sinh, đào tạo, thậm chí là nâng cao chất lượng đầu vào, đầu ra thì sẽ có thể xảy ra tình trạng khủng hoảng nhân lực ở lĩnh vực này. Vì vậy, bên cạnh sự chủ động của các trường cũng cần những chính sách thúc đẩy, hỗ trợ từ nhà nước nhằm tăng thu hút với ngành học này.

Cần chính sách đột phá

Từ thực tế tuyển sinh ngành sư phạm những năm gần đây khi chính sách hỗ trợ học phí được triển khai, nhiều ý kiến đề xuất đối với ngành khoa học cơ bản trọng điểm quốc gia, nhà nước cũng cần có các chính sách ưu đãi, miễn học phí, hỗ trợ người học như đối với sinh viên các trường sư phạm… hoặc có chương trình học bổng dài hơi với những sinh viên đạt thành tích tốt. Khi những chính sách thiết thực được triển khai sẽ tạo ra những thay đổi đột phá.

Bên cạnh đó là sự vào cuộc của các doanh nghiệp, các tổ chức sát cánh cùng nhà trường để thu hút nhân tài. GS.TSKH Vũ Hoàng Linh - Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết với mỗi ngành đào tạo của nhà trường ngoài các chính sách hỗ trợ chung của ĐH Quốc gia Hà Nội còn có những chính sách ưu đãi riêng. Chẳng hạn, ngành Toán học hiện có 2 chương trình đào tạo là cử nhân khoa học tài năng sẽ nhận học bổng của ĐH Quốc gia Hà Nội ngay từ năm thứ nhất vào học. Cơ hội học tập với những GS, TS hàng đầu của cả nước. Chương trình quốc gia phát triển Toán học Việt Nam đến năm 2030, trong đó ngoài hoạt động còn có các học bổng dành cho sinh viên ngành Toán. Ngoài ra còn có quỹ của doanh nghiệp hỗ trợ để sinh viên yên tâm nghiên cứu học tập.

GS Linh cho hay, trong dịp kỷ niệm 10 năm ra trường, nhiều cựu sinh viên ngành Toán học của trường cho biết các em làm việc ở rất nhiều vị trí khác nhau như các viện nghiên cứu, các doanh nghiệp khoa học công nghệ, công ty bảo hiểm, ngân hàng... hoặc có cơ hội tiếp tục nghiên cứu lên cao hơn ở nước ngoài. Như vậy, cử nhân ngành toán học có cơ hội ứng dụng kiến thức đã được đào tạo vào nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống.

Theo PGS Đỗ Văn Dũng - nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, hiện nay thí sinh và gia đình, ngay cả chuyên gia tư vấn tuyển sinh cũng nhấn mạnh đến yếu tố cơ hội việc làm sau khi ra trường. Dù có nhiều ưu đãi trong quá trình đào tạo bao nhiêu nhưng đầu ra khó khăn, ít nơi tuyển dụng và mức đãi ngộ thấp, cơ hội thăng tiến không cao thì khó để thí sinh “mạo hiểm lựa chọn”. Vì vậy, cần phải có chiến lược đầu tư vào các trung tâm nghiên cứu, trung tâm tính toán lớn. Song song tạo ra việc làm chế độ, lương bổng phải tốt mới thu hút được người học đầu quân vào các ngành khoa học cơ bản.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giải bài toán việc làm để thu hút người học

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO