Lực lượng cứu hộ đã giải cứu thành công một cô gái sau 2 ngày nằm cạnh thi thể mẹ bên dưới căn nhà bị đổ sập do động đất và sóng thần ở Indonesia.
Đội cứu hộ giải cứu Nurul Istikharah khỏi đống đổ nát hôm 30/10 (Ảnh: AFP).
Theo USA Today, các thành viên trong đội cứu hộ Indonesia đã gấp rút lên phương án giải cứu Nurul Istikharah bị mắc kẹt suốt hai ngày sau trận động đất và sóng thần tại Palu hôm 28/9. Trận động đất mạnh 7,5 độ Richter đã đánh sập căn nhà của gia đình Nurul, chôn vùi cô gái 15 tuổi cùng mẹ và cháu gái bên dưới đống đổ nát.
Do không thể rút chân ra khỏi khối bê tông với trọng lượng quá nặng, Nurul buộc phải nằm cạnh người mẹ đã qua đời của mình suốt 2 ngày trước khi lực lượng cứu hộ tới trợ giúp. Phần lớn cơ thể của Nurul bị mắc kẹt dưới lớp bùn sâu và bê tông, chỉ riêng phần đầu của cô được nổi lên mặt nước.
Nurul đã nằm cạnh thi thể mẹ trong suốt 2 ngày trước khi được lực lượng cứu hộ giải cứu (Ảnh: Reuters)
Các thành viên trong đội cứu hộ đã tìm cách kéo Nurul ra khỏi đống đổ nát. Những bức ảnh được công bố cho thấy cô gái với đôi mắt sửng sốt cố với lấy tay một nhân viên đội cứu hộ, trong khi một nhân viên cứu hộ khác đưa Nurul ra khỏi vũng nước đầy bùn. Lo sợ nạn nhân có thể bị chết đuối, đội cứu hộ đã tìm cách ngăn nước không chảy ra từ một đường ống bị vỡ ở gần đó.
Nurul gần như bị bất tỉnh trong suốt quá trình đội cứu hộ nỗ lực giải cứu cô. Tuy nhiên, các thành viên đội cứu hộ đã cố gắng nói chuyện với Nurul để giữ cho cô luôn tỉnh táo. Một số người khác đã chuyển thức ăn và nước uống cho Nurul.
Vẻ mặt sợ hãi của cô gái 15 tuổi sau nhiều ngày bị mắc kẹt dưới đống đổ nát (Ảnh: EPA).
Ông Yusuf, bố của Nurul, đã ngồi cạnh con gái kể từ khi ông nhận ra Nurul vẫn còn sống.
“Mọi thứ diễn ra quá nhanh. Mặt đất sụp đổ nhanh chóng. Tôi thấy con gái mình bị chôn vùi dưới đống đổ nát và vũng nước đọng”, ông Yusuf nói.
Cơ quan Khí tượng, Khí hậu và Địa lý Indonesia (BMKG) ngày 1/10 xác nhận số người chết trong thảm họa kép động đất và sóng thần đã lên tới hơn 1.200 người, trong đó phần lớn nạn nhân thiệt mạng sống ở thành phố ven biển Palu. Ngoài hàng trăm người bị thương, hàng chục người được cho là đang bị chôn vùi bên dưới các ngôi nhà đổ nát.
Mộ tập thể chôn các nạn nhân trong trận động đất và sóng thần tại Indonesia (Ảnh: AP).
Chính quyền Indonesia đã cho đào một khu mộ tập thể rộng 10m và dài 100m trên đồi Poboya ở ngoại ô Palu. Thi thể các nạn nhân sẽ được chôn tập thể để tránh phát tán dịch bệnh do bị thối rữa sau nhiều ngày xảy ra thảm họa kép.
Theo ông Tiopan Aritonang, chỉ huy cảnh sát địa phương, 545 thi thể đã được đưa từ một bệnh viện tới khu mộ chôn tập thể. Ông Willem Rampangilei, người đứng đầu Cơ quan Cứu trợ Thảm họa Quốc gia Indonesia, cho biết khu mộ tập thể có thể mở rộng thêm nếu cần thiết.
Đội cứu hộ đưa thi thể các nạn nhân tới nơi chôn cất tập thể. (Ảnh: AFP).
“Việc chôn cất tập thể phải được tiến hành sớm nhất có thể vì các lý do sức khỏe và tôn giáo”, ông Willem nói. Indonesia là đất nước có phần lớn người dân theo đạo Hồi và theo phong tục tôn giáo của họ, việc chôn cất người đã khuất thường diễn ra chỉ một ngày sau khi người đó qua đời.
Người phát ngôn của lực lượng quân sự địa phương Mohamad Thorir cho biết một nghĩa trang nằm gần khu mộ tập thể có khả năng tiếp nhận thêm 1.000 thi thể sau trận động đất và sóng thần. Tất cả các nạn nhân thiệt mạng đều được chụp ảnh lại để giúp người thân xác định xem họ được chôn cất ở đâu. Nhiều người đã trực tiếp đi bộ tới nơi tập kết các thi thể, mở từng túi đựng thi thể để kiểm tra xem có người nhà của họ nằm đó hay không.