“Thời điểm này, chúng ta cần nhìn nhận và xác định tập trung tái cơ cấu vùng hàng hoá, chế biến sâu, liên kết chặt chẽ trong chuỗi giá trị và mở ra nhiều thị trường mới”- Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết.
Người tiêu dùng Hà Nội “giải cứu” dưa hấu Gia Lai.
Tập trung tái cơ cấu vùng hàng hóa
Do ảnh hưởng bởi Covid-19, hầu hết các sản phẩm trái cây chủ lực, nhất là thanh long, dưa hấu là xuất khẩu tươi, chưa qua chế biến, tồn đọng hàng chục nghìn tấn. Hàng hóa xuất khẩu theo hình thức trao đổi cư dân (tiểu ngạch), nhất là trái cây, do được ưu đãi về thuế VAT khi vào Trung Quốc, nên vẫn còn chiếm tỷ trọng khá lớn, dù đã khuyến nghị các doanh nghiệp chuyển nhanh, chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch trong suốt 2 năm qua.
Tính đến thời điểm này, tổng lượng hàng hóa còn đang tồn tại khu vực cửa khẩu biên giới phía Bắc là 695 xe và 11 toa tàu. Tiến độ thông quan chậm do 2 bên phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 nên khó tránh khỏi tình trạng ùn ứ.
Từ đó, theo Bộ trưởng Bộ NNPTNT, cần nhìn nhận lại và tập trung tái cơ cấu vùng sản xuất, gia tăng chế biến, liên kết chặt chẽ, phát triển chuỗi giá trị dài và mở ra nhiều thị trường mới, đặc biệt “không để trứng vào một giỏ”. Các sản phẩm nông sản Việt phát triển và tăng được giá trị cần phải chú trọng phát triển logistics vùng nguyên liệu.
Đề xuất giải pháp tiêu thụ nông sản sao cho hiệu quả, ông Nguyễn Tiến Vượng- Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) cho biết, từ ngày 6/2 đến nay toàn bộ 27 điểm cửa hàng siêu thị của Hapro đã đồng loạt triển khai chương trình đẩy mạnh tiêu thụ dưa hấu và thanh long. Việc tiêu thụ không chỉ được tổ chức ở các kệ hàng mà còn xây dựng thành các ụ đảo thanh long và dưa hấu tại mặt tiền các siêu thị để thu hút, tiện lợi cho người tiêu dùng mua hàng... Nhờ đó, lượng tiêu thụ thời gian qua đã gia tăng từng ngày. Đến thời điểm này, các hệ thống cửa hàng, siêu thị của Hapro đã tiêu thụ được khoảng trên 200 tấn thanh long và dưa hấu chỉ trong thời gian ngắn. Hiện tại, Hapro vẫn đang tiếp tục triển khai chương trình đẩy mạnh tiêu thụ đối với thanh long và dưa hấu, mặc dù giá trên thị trường hiện cũng đã tăng lên. “Vấn đề xa hơn là làm sao sau những chương trình này, chúng ta cần phải có những giải pháp, cách làm mang tính bền vững hơn trong việc xây dựng mối liên kết giữa nông dân, các HTX với các doanh nghiệp bán lẻ trong nước nhằm khai thác thị trường 100 triệu dân. Như vậy, cần thay đổi việc tiếp cận thị trường cả xuất khẩu và tiêu thụ trong nước, còn để như hiện nay thì điệp khúc “giải cứu, hỗ trợ” năm nào cũng lặp lại”- ông Vượng gợi ý.
Còn theo TS Nguyễn Thị Hồng Minh- Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm minh bạch (AFT) cũng đề cập tới vai trò của các hiệp hội trong tiêu thụ nông sản, trong các đợt “giải cứu” vừa qua, hầu như vắng bóng sự tham gia của các hiệp hội ngành hàng mà chỉ có các đơn vị bán lẻ làm việc với các nhà cung cấp. “Những lễ hội như cà phê, lúa gạo, hạt điều, hạt tiêu... phải là hoạt động quảng bá, xúc tiến của hiệp hội ngành hàng nhằm quảng bá thương hiệu, nâng cao nhận thức và bán hàng của doanh nghiệp với đối tác và người tiêu dùng. Hoạt động đó phải là hiệp hội ngành hàng tổ chức bằng kinh phí của các doanh nghiệp thành viên được hưởng lợi từ những hoạt động này. Trong khi đó, các sự kiện này ở Việt Nam lại chưa đáp ứng mục tiêu này”- TS Minh nói.
Không thể mãi “giải cứu”
Vẫn với câu chuyện “giải cứu” ở góc nhìn của chuyên gia kinh tế, bà Phạm Chi Lan cho rằng: Người nông dân vẫn chưa biết đi đâu, về đâu, làm thế nào để xác lập một thị trường bền vững cho đầu ra của các mặt hàng của mình. Kể cả cơ quan chức năng cũng đang lúng túng trong vấn đề quản lý, phát triển nông nghiệp như thế nào để mang lại lợi ích cho những người làm nông nghiệp. Nếu kéo dài tình trạng này thì sẽ không giữ được những người đang quan tâm đến ngành nông nghiệp kể cả những người nông dân và doanh nghiệp lĩnh vực nông nghiệp. Thất bại của người nông dân chính là thất bại của các doanh nghiệp trong vấn đề tiêu thụ nông sản.
Về việc phụ thuộc thị trường Trung Quốc, theo bà Lan, điều này dẫn đến những khó khăn đối với không chỉ ngành nông nghiệp mà còn đối với các ngành công nghiệp khác như dệt may, điện tử... Trong bối cảnh Covid-19, các nhà đầu tư Việt Nam đang chịu những ảnh hưởng nặng nề. Trong kinh doanh, có một nguyên tắc là “không bỏ tất cả trứng vào cùng một giỏ”. Nhưng chúng ta cũng cần thay đổi cách nhìn về thị trường nước bạn, không thể nghĩ họ “dễ tính, dễ bán” như quan niệm từ trước đến nay. Cơ hội đối với thị trường Trung Quốc vẫn còn nhiều. Một thị trường rộng lớn đến vậy nhưng doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu nông sản cũng chỉ biết đến cửa khẩu chứ hành trình nông sản vào sâu trong lục địa của họ, phân phối như thế nào thì không nắm được.
Trở lại điệp khúc “giải cứu” nông sản, bà Lan cho rằng nên chấm dứt giải cứu khi đến một ngưỡng nào đó chứ không thể áp dụng mãi được. Căn bệnh mãn tính đó cũng kéo dài cả chục năm nay, nếu cứ tiếp tục giải cứu thì nó sẽ còn lây lan ra nữa, làm hại cả cơ thể ngành nông nghiệp Việt Nam.
Theo chuyên gia kinh tế Phạn Chi Lan, “giải cứu” nông sản không chỉ là trách nhiệm của ngành nông nghiệp mà còn của các ngành khác. Ví dụ, đầu tư vào các phương tiện để bảo quản, lưu giữ các sản phẩm nông sản tốt hơn. Đầu tư về mặt thị trường, để các trung tâm khuyến nông hiện nay có cả kỹ năng làm những việc đó. Phải xem ngân hàng có sẵn sàng cho vay với lãi suất hợp lý không hay vẫn giữ mức lãi suất ngất ngưởng. Nếu lãi suất quá cao, rủi ro lớn thì người nông dân không dám vay vốn, doanh nghiệp không dám đầu tư.