Giải cứu nông sản, nhìn từ phía nông dân

Duy Khang (thực hiện) 07/05/2017 10:30

Làm gì để không lặp lại cảnh “được mùa rớt giá”, đầu ra của nông sản bấp bênh và người nông dân phải phó mặc số phận hạt gạo, con lợn con gà... cho thương lái? Theo GS Võ Tòng Xuân, đó là một thực tế mà ngành nông nghiệp Việt Nam đang phải đối mặt. Để tháo gỡ có nhiều giải pháp, trong đó vấn đề cốt lõi là thay đổi tư duy của chính người nông dân.

GS Võ Tòng Xuân.

PV:Thưa GS, thời gian qua chúng ta chứng kiến hàng loạt các vụ việc việc tồn ứ nông sản cùng với điệp khúc được mùa mất giá. Từ hạt gạo cho đến hoa màu, con lợn, con gà… người nông dân đều khổ sở vì phải tìm kiếm đầu ra?

GS Võ Tòng Xuân: Đó là một thực tế mà ngành nông nghiệp Việt Nam hầu như năm nào cũng phải đối mặt. Câu chuyện tồn ứ nông sản không còn là mới nhưng năm nào cũng diễn ra. Những giải pháp mà các bộ, ngành đang thực hiện để giải cứu nông sản thời gian qua là cần thiết song chỉ là giải pháp mang tính chất nhất thời.

Về lâu dài, muốn ngành nông nghiệp không còn phải “ca” điệp khúc “được mùa mất giá” chúng ta cần phải giải quyết được vấn đề cốt lõi, đó là thay đổi tư duy nhận thức của người nông dân.

Làm nông nghiệp 40 năm nay và từ kinh nghiệm của bản thân, tôi cần phải nói rất thẳng thắn rằng, hơn 60% nông dân Việt Nam nghèo là do trình độ, cách làm cũ kỹ, lạc hậu. Lâu nay chúng ta cứ hay “đổ tại” chính sách mà nông dân nghèo. Thế nhưng nhìn kỹ bản chất của vấn đề, thì nông dân nghèo là do chính họ không chịu học hỏi, trình độ học vấn thấp.

Ở các nước tiên tiến, nông dân phải có trình độ học vấn cao mới đi làm ruộng, làm nông nghiệp, chăn nuôi còn ở Việt Nam thì ngược lại, không có học mới đi trồng lúa, nuôi lợn, chăn vịt… Còn ai mà được học hành lên cao một chút là “ly hương, ly nông”.

Vì học vấn thấp nên phần lớn nông dân không làm theo DN. Họ thích làm nông theo ý mình. Mà làm theo kiểu nông dân về cây lúa, cây hoa màu thì không theo kỹ thuật nào cả. Đúng ra, cây trồng phải hấp thu tới 16 chất mới phát triển được, nhưng nhà nông cứ khăng khăng chỉ bón phân ure là đủ. Thế nên đất trồng hiện nay mới cạn kiệt, mới khô cằn, dẫn đến cây trồng chất lượng thấp…

Như câu chuyện về gạo chẳng hạn. Tới giờ này, ngay cả người Việt cũng không dám chọn mua gạo Việt vì chính cách làm của chúng ta hiện nay, người nông dân mỗi người một ý, người này chọn giống này, người kia chọn giống kia. Gạo được thu gom bởi hàng ngàn thương lái rồi đưa vào các DN chế biến và xuất khẩu thành ra các DN không truy được nguồn gốc. Mở bao gạo ra là thấy hai ba loại gạo…

Cho nên, điều tôi muốn nhấn mạnh ở đây là chúng ta đừng nên đổ lỗi hoàn toàn cho chính sách, ngay bản thân chính người nông dân cũng cần thay đổi tư duy, cần phải tự nâng cao trình độ vì chỉ có nâng cao nhận thức, thoát khỏi tư duy lạc hậu, chúng ta mới thoát khỏi những bấp bênh trong sản xuất nông nghiệp như đã và đang diễn ra hiện nay.

Nói đến vấn đề đầu ra cho nông sản, nhiều DN cho hay họ “chịu trận” vì nhà nông phá hợp đồng, thương lái chen ngang khi giá thành sản phẩm cao. Câu chuyện “bàn tay thương lái” không mới song vẫn chưa có lời giải?

- Về bản chất, nhận thức của người nông dân cũng liên quan đến cả những vấn đề về ký kết hợp đồng. Thực tế thời gian qua, sở dĩ có tình trạng tồn ứ nông sản cũng một phần là do người nông dân vì lợi nhuận đã không thực hiện hợp đồng với DN, quay sang “làm ăn” với thương lái khi thấy họ trả giá cao, điều này khiến DN gặp rủi ro lớn.

Để khắc phục tồn tại này, chúng ta cần đưa thương lái tham gia vào chuỗi liên kết để “đôi bên cùng có lợi” chứ không thể loại bỏ hoàn toàn được khâu thương lái, trung gian, vì chúng ta không thể phá vỡ mối liên kết đó giữa nông dân và DN. Bên cạnh đó, cần hướng dẫn bà con làm việc theo đúng pháp luật, đúng cam kết và có cơ chế ràng buộc, xử phạt nếu vi phạm.

Trên thực tế, vai trò giám sát của cơ quan chức năng về giá rất quan trọng bởi đã có hiện tượng DN bao tiêu dìm giá của người nông dân tham gia liên kết, mua với giá thấp hơn thị trường. Mặt khác, người nông dân cũng tư lợi riêng nên sẵn sàng từ bỏ thỏa ước ký kết mà không chịu ràng buộc pháp lý nào. Nguyên nhân có cả hai và tôi cho rằng, vấn đề này chúng ta cần phải có biện pháp ngăn chặn, răn đe.

Mùa gặt.

Thời gian qua, Chính phủ rất quan tâm đến hỗ trợ đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, trong đó phải kể đến gói 100 ngàn tỷ đồng đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao. Ông đánh giá thế nào về gói hỗ trợ này?

- Tôi đánh giá rất cao gói tín dụng của Chính phủ vào nông nghiệp, đây là sự quan tâm lớn đối với ngành nông nghiệp, nông dân. Như chúng ta đã biết, lâu nay, nông dân chỉ sản xuất nhỏ, manh mún. Nếu khuyến khích DN tham gia, DN là người nắm rõ thị trường, hiểu rõ thị trường cần gì, DN sẽ thông qua hợp tác xã để định hướng sản xuất cho nông dân, phát triển thị trường, tìm đầu ra ổn định cho nông dân. Và chính DN sẽ có khả năng kết nối những nông hộ nhỏ lẻ thành chuỗi sản xuất lớn. Khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp chính là bước đi rất đúng đắn.

Tuy nhiên, hiện cũng chỉ mới có một số DN lớn trong nước và DN ngoại đầu tư vào nông nghiệp theo chuỗi riêng của họ, đại đa số DN nhỏ chưa dám đổ bộ vào nông nghiệp, hộ sản xuất, hợp tác xã chưa dám đầu tư mạnh vào nông nghiệp mà mới chỉ duy trì nguyên hiện trạng. Nguyên nhân là do họ chưa tham gia được vào chuỗi của DN lớn, những rủi ro về thị trường vẫn khiến họ e dè khi đầu tư, hợp tác với nông dân.

Tôi cho rằng, chúng ta cần phải làm rõ, vốn cho nông nghiệp tại sao lại mắc kẹt và mắc kẹt ở đâu? Nó nằm ở chỗ, thị trường nông nghiệp không ổn định, lờ mờ và mối quan hệ hợp đồng giữa nông dân và DN lỏng lẻo, dù ký hợp đồng nhưng nếu DN mất đi thị trường, giá thị trường đi xuống thì không biết bán đi đâu. Giá tăng dân lại không bán nguyên liệu cho DN. Chính vì vậy, xác định đầu tư vào nông nghiệp để làm ăn có lãi, rất cần những DN có tài, có tâm và có bản lĩnh thương trường và có tư duy mới.

Trân trọng cảm ơn GS!

Thực trạng tồn ứ nông sản thời gian qua và sự vào cuộc “giải cứu nông sản” của Chính phủ, các bộ ngành cho thấy nhưng điểm nghẽn trong việc tìm đầu ra cho nông sản Việt vẫn chưa được giải tỏa. Theo GS. TS Võ Tòng Xuân, vấn đề mấu chốt của bài toán nông sản ở đây chính là các DN và nông hộ chưa có sự kết nối chặt chẽ, và chưa nhiều DN có tâm, có tầm muốn đầu tư vào nông nghiệp… Từ đó dẫn đến tình trạng đầu ra cho nông sản bấp bênh và người nông dân lại phải “phó mặc” số phận hạt gạo, con lợn con gà vào bàn tay của thương lái.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giải cứu nông sản, nhìn từ phía nông dân