Theo báo cáo của Bộ Tài chính, do ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19, thời gian qua việc giải ngân vốn đầu tư công từ nguồn vay nước ngoài (ODA) đạt mức thấp và gặp nhiều khó khăn. Một số bộ, ngành, địa phương thậm chí còn xin trả lại vốn cho Nhà nước vì không thể giải ngân vốn đầu tư công.
Nhiều bộ xin trả lại vốn
Dự toán vốn nước ngoài giao cho các bộ, ngành Trung ương là 18.216 tỷ đồng và dự toán giao cho các địa phương là 38.484 tỷ đồng. Tuy nhiên điều đáng bàn là nhiều bộ ngành xin trả lại vốn. Chẳng hạn như Bộ NNPTNN đề nghị hủy 1.808 tỷ đồng/ 3.638 tỷ đồng dự toán để chuyển cho các bộ, ngành, địa phương khác. Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam đề nghị hủy số tiền 300/400 tỷ đồng dự kiến bố trí cho Dự án Đại học Khoa học công nghệ Hà Nội do không thể giải ngân theo kế hoạch.
Theo thông tin từ ông Trương Hùng Long, Cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính), đến ngày 24/6, giải ngân nguồn vốn nước ngoài mới đạt 13,1% (7.427 tỷ đồng) so với dự toán.
Trong đó, giải ngân của các địa phương đạt 4.611 tỷ đồng (11,98%). Đáng chú ý có tới 9 địa phương chưa giải ngân được vốn đầu tư công nguồn vốn vay nước ngoài năm 2020, gồm: Bắc Giang, Hải Dương, Nam Định, Đà Nẵng, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bình Phước, Đồng Nai, Tiền Giang.
Tại các thành phố lớn, tình hình giải ngân vốn đầu tư công càng “đì đẹt”. Riêng đối với TP HCM, tỷ lệ giải ngân hiện là 4,13%.
Bà Phạm Thị Hồng Hà, Giám đốc Sở Tài chính TP HCM cho biết, nguyên nhân chính khiến tỷ lệ giải ngân vốn nước ngoài thấp là do thành phố đang trình Thủ tướng cho phép điều chỉnh thời gian thực hiện dự án, thẩm định điều chỉnh thiết kế cơ sở để làm thủ tục điều chỉnh dự án.
Cũng theo bà Hà, do ảnh hưởng bởi Covid-19 nên chưa thể hoàn tất các thủ tục cho các chuyên gia nước ngoài vào làm việc tại TP Hồ Chí Minh, nhất là đối với các gói thầu ngắn hạn cần phải có sự tham gia của các chuyên gia châu Âu và Nhật Bản.
Còn tại đầu tàu kinh tế Hà Nội, tình hình giải ngân vốn có khá hơn nhưng cũng gặp nhiều khó khăn. Ông Doãn Văn Toản, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết trong 6 tháng đầu năm 2020, giải ngân vốn ODA đạt 22,14% kế hoạch giao.
Ngưng trệ vì đại dịch Covid-19
Năm nào Bộ Tài chính cũng đốc thúc tốc độ giải ngân vốn đầu tư công, đặc biệt là phần vốn vay ODA. Vậy tại sao việc giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài chậm? Thực tế cho thấy, tiến độ thực hiện các dự án sử dụng vốn vay ưu đãi nước ngoài chịu tác động nặng nề của đại dịch Covid-19, do hầu hết các hoạt động đều gắn với yếu tố nước ngoài, từ khâu nhập máy móc, thiết bị cho đến huy động chuyên gia, nhân công, nhà thầu nước ngoài, tư vấn giám sát, thống nhất với nhà tài trợ đối với từng hoạt động và kế hoạch của dự án...
Từ đó, kéo theo hoạt động giải ngân cũng bị ngưng trệ do không có khối lượng, hoặc nếu có khối lượng thì cũng chậm được xác nhận.
Trong 6 tháng đầu năm, nhiều dự án lớn đang phải thực hiện các thủ tục điều chỉnh dự án (điều chỉnh chủ trương đầu tư), và điều chỉnh hiệp định vay với nước ngoài nên chưa đủ cơ sở pháp lý để triển khai hoạt động, dẫn đến chưa thể lập hồ sơ rút vốn. Trong số này có một số dự án có số giao kế hoạch 2020 lớn như: Dự án Trung tâm vũ trụ Việt Nam vay JICA, Dự án Đường sắt đô thị Hà Nội tuyến 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo vay JICA...
Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà khẳng định, với tốc độ giải ngân như hiện nay và việc nền kinh tế tiếp tục chịu tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19, nếu các cấp, các ngành, các địa phương và các chủ dự án không có các giải pháp quyết liệt, khắc phục khó khăn thì sẽ khó có thể hoàn thành kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài của năm.