Giải pháp gì giảm tình trạng lãng phí trong đầu tư công?

Việt Thắng 06/11/2023 18:16

Ngày 6/11, Quốc hội bắt đầu phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với các vấn đề liên quan đến lĩnh vực: Kế hoạch và đầu tư; Tài chính; Ngân hàng.

ĐB Nguyễn Thị Yến Nhi (Đoàn Bến Tre) đặt vấn đề: Thực hiện Nghị quyết số 74 của Quốc về đẩy mạnh thực hiện việc chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 53 để triển khai thực hiện nội dung Nghị quyết của Quốc hội đã được thể chế hóa thành những nhiệm vụ, công việc trọng tâm của Chính phủ với 6 giải pháp chung và 26 nhiệm vụ cụ thể.

Tuy nhiên, trên lĩnh vực này, cử tri cho rằng hiện nay đầu tư công chưa thật sự tiết kiệm mà thậm chí còn lãng phí rất lớn. “Đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết suy nghĩ như thế nào về nhận định và ý kiến này của cử tri? Với trách nhiệm tham mưu cho Chính phủ trên lĩnh vực thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Bộ trưởng có những giải pháp gì để nâng cao hiệu quả, giảm tình trạng lãng phí trong đầu tư công?”-bà Nhi chất vấn.

Trả lời, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, qua nghiên cứu định mức xây dựng đối với một số công trình giao thông, kiến trúc cho thấy không thấy lãng phí mà nhiều định mức thấp hơn so với chi phí như định mức nhân công. Lãng phí đầu tư công không phải ở định mức mà là ở quá trình triển khai như để công trình chậm đưa vào sử dụng, vốn chờ công trình hay công trình chờ vốn. Các định mức đối với công trình xây dựng cơ bản được triển khai nhiều năm, qua nhiều công trình đều bảo đảm chặt chẽ.

Tranh luận về việc quản lý tài sản công, ĐB Nguyễn Tạo (Đoàn Lâm Đồng) cho hay, cử tri lo lắng về tình trạng lãng phí và tiêu cực trong quản lý và sử dụng tài sản công. Những bất cập, lỗ hổng pháp lý Bộ trưởng đã nói ra nhưng thời gian qua xảy ra nhiều vụ việc liên quan quản lý nhà đất, công sản ở đô thị. Từ đó cho thấy thước đo, niềm tin của người dân là quản lý tài sản công rất có vấn đề.

“Bộ trưởng nói sẽ điều chỉnh cơ chế chính sách nhưng tôi băn khoăn là làm chậm quá, mà chậm thì sẽ còn nhiều tiêu cực, lãng phí phát sinh. Đề nghị qua kiểm toán phải làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị”-ông Tạo nói.

Trước vấn đề trên, ông Phớc phân trần rằng, việc quản lý tài sản công là của nhiều ngành, nhiều cấp. Trách nhiệm thuộc về người trực tiếp quản lý tài sản công. Như quản lý ô tô, nhà thuộc trách nhiệm từng đơn vị thì khi hỏng các đơn vị phải chịu trách nhiệm. Bộ Tài chính hướng dẫn quản lý và sử dụng tài sản công. Vấn đề là cần nâng cao trách nhiệm quản lý tài sản công.

Bà Đoàn Thị Thanh Mai (Đoàn Hưng Yên) dẫn câu chuyện về hàng nghìn tài sản công tại các huyện, xã đang bỏ không, để lãng phí sau sắp xếp. Từ đó bà Mai đề nghị Bộ trưởng Tài chính nêu rõ nguyên nhân và hướng xử lý.

Về vấn đề này, ông Phớc cho biết, trách nhiệm các đơn vị trong quản lý tài sản công được phân định rõ theo từng cấp, ngành. Như các tài sản công thuộc bộ ngành quản lý thì trách nhiệm thuộc Chính phủ và cơ quan tham mưu là Bộ Tài chính. Còn đa số tài sản công trực thuộc phạm vi quản lý UBND tỉnh khi sắp xếp huyện, xã sẽ do tỉnh quản lý. Với số này, hiện đã xử lý được 90% tài sản công, còn 10% tương đương gần 1.000 tài sản công chưa được xử lý, trong đó một nửa là bỏ không, gây lãng phí.

Nguyên nhân theo Bộ trưởng Bộ Tài chính là do việc định giá bán tài sản công gặp khó, cũng khó tìm cơ quan định giá, trong khi thị trường trầm lắng nên việc bán, chuyển nhượng cũng khó khăn. Ngoài ra, muốn chuyển mục đích tài sản công thì phải phê duyệt lại mục đích sử dụng đất, và điều chỉnh quy hoạch và loạt thủ tục khác. Từ giữa tháng 9 Bộ Tài chính đã hướng dẫn, đôn đốc và sẽ làm việc với các đơn vị để đưa số tài sản này vào hoạt động, hiệu quả.

Trong khi đó, ĐB Dương Minh Ánh (Đoàn Hà Nội) băn khoăn và đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết nguyên nhân, cách khắc phục tình trạng chậm ban hành văn bản hướng dẫn về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và quản lý tài sản công.

Trả lời, ông Phớc thông tin thời gian tới đề xuất Thường vụ Quốc hội và Quốc hội sửa Luật Tài sản công bởi chưa bao quát hết hành vi. Như luật chưa quy định hình thức mua lại tài sản thành tài sản công. Hay việc các trạm BOT do thay đổi quy hoạch nên trạm đó không sử dụng được nữa thì đoạn đường đó sẽ do Nhà nước quản lý nên mua lại một số nhà đầu tư tư nhân. Hình thức mua lại tài sản công cũng chưa có. Bộ Tài chính đã đề nghị Thủ tướng sửa về hướng dẫn tài sản công. Một số đơn vị sự nghiệp công lập khi liên doanh, liên kết, thuê tài sản công sẽ được quy định chặt chẽ, cụ thể hơn.

Ông Phớc cũng thông tin rằng, về việc ban hành Nghị quyết 74, Bộ Tài chính đã lấy ý kiến các bộ ngành, trình Thủ tướng. Tháng 3, Thủ tướng đã ban hành quyết định thực hành tiết kiệm chống lãng phí thực hiện cho năm nay và cá năm tiếp theo. Việc này liên quan đến nhiều ngành, nhiều cấp nên có hơi chậm. Cơ bản là nâng cao trách nhiệm các cơ quan quản lý tài sản. Như sáp nhập xóm, xã thì các cấp phải điều chuyển tài sản công có hiệu quả hoặc bán đi để lấy tiền đầu tư phát triển mới. Do đó, Bộ Tài chính sẽ xây dựng cơ sở dữ liệu về tài sản công để siết chặt quản lý.

Trả lời thêm về tiết kiệm trong đầu tư công, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, vấn đề đầu tư công, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến thất thoát, có thể từ khâu lựa chọn dự án, có thể do quy mô của dự án không được xác định rõ ràng, hoàn chỉnh ngay từ đầu; công tác chuẩn bị đầu tư, nếu khảo sát tốt thì quá trình triển khai sẽ nhanh hơn, không bị tăng chi phí. Ngoài ra, còn nhiều lý do từ các khâu thiết kế, khảo sát thiết kế, tổ chức thực hiện, khiến kéo dài dự án, giảm hiệu quả tiết kiệm trong đầu tư công.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giải pháp gì giảm tình trạng lãng phí trong đầu tư công?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO