Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết đang lập Quy hoạch tổng thể hệ thống ITS quốc gia (ứng dụng công nghệ cao điện tử, tin học và viễn thông để điều hành và quản lý hệ thống giao thông vận tải) báo cáo Bộ Giao thông vận tải xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Theo đó, giai đoạn 2021-2025 sẽ hoàn thiện cơ sở pháp lý cho mô hình quản lý, vận hành khai thác, bảo trì hệ thống ITS và triển khai xây dựng Trung tâm Quản lý ITS Quốc gia để kết nối các trung tâm ITS trên toàn bộ tuyến cao tốc cả nước, khép kín quy trình quản lý, xử lý phương tiện vận tải.
Đến thời điểm này mới chỉ có 6 trong tổng số 21 tuyến cao tốc được đầu tư lắp đặt hệ thống ITS là: Hà Nội - Hải Phòng; Hạ Long - Vân Đồn; TP HCM - Long Thành - Dầu Giây; TP HCM - Trung Lương; Pháp Vân - Cầu Giẽ; Cầu Giẽ - Ninh Bình. Các tuyến còn lại chưa được đầu tư.
Có thể thấy, hệ thống ITS đã được lắp trên các tuyến cao tốc chỉ có một số phân hệ cơ bản nhất của hệ thống giao thông thông minh như: Hệ thống truyền dẫn, hệ thống camera quan sát, hệ thống dò đếm xe, hệ thống biển báo điện tử, hệ thống thu phí, hệ thống liên lạc nội bộ. Các tuyến đều có trung tâm điều hành ITS, làm nhiệm vụ giám sát tình trạng giao thông, tình trạng hoạt động của các thiết bị trên tuyến, cảnh báo khi có sự cố giao thông, đồng thời tương tác, điều khiển các thiết bị trên tuyến để xử lý sự cố.
Tuy nhiên, các phân hệ ITS lại hoạt động độc lập, sử dụng các phần mềm riêng để thực hiện giám sát thủ công, không có sự giao tiếp, chia sẻ thông tin, cơ chế vận hành, tương tác tự động. Hệ thống ITS trên các tuyến cao tốc hiện nay chưa đồng bộ, chưa được kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các tuyến với nhau và cơ quan quản lý nhà nước.
Đơn cử tại tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng hiện nay, quy trình kiểm soát mọi hoạt động, xử lý các tình huống giao thông thông qua các camera theo dõi đặt tại trung tâm điều hành giao thông tại 2 đầu tuyến cao tốc, nhưng việc giám sát vẫn cần nhân lực theo dõi hình ảnh camera gửi về trung tâm qua màn hình. Khi phát hiện sự cố, người giám sát vẫn phải nhập thủ công để thông báo lên màn hình và truyền cảnh báo đến chủ phương tiện, không đảm bảo tính kịp thời.
Một cán bộ trung tâm điều hành giao thông tuyến cao tốc này cho biết, thực tế trên là do các camera giám sát trên tuyến cao tốc được lắp đặt hoạt động độc lập, chưa có sự liên kết, phụ thuộc vào điều kiện thời tiết, phần mềm điều khiển, hiển thị thông tin..., nên các camera không liên kết được về dữ liệu.
Nói như ông Đỗ Bá Dân - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Công nghệ Trí Nam thì những hệ thống giao thông thông minh mới chỉ thông minh một nửa. Cụ thể, vẫn cần có nhân lực theo dõi hình ảnh camera gửi về qua hệ thống màn hình.
Khi phát hiện sự cố, phải nhập thủ công để thông báo lên màn hình VMS cảnh báo đến chủ phương tiện. Vì vậy, tính kịp thời không đảm bảo. Nguyên nhân được chỉ ra là do các phân hệ ITS của các tuyến cao tốc đang hoạt động độc lập, chưa có sự liên kết.
Theo TS Trần Hữu Minh, Phó chánh Văn phòng Ủy ban ATGT quốc gia, hiện nhiều nước trên thế giới ứng dụng công nghệ giám sát, điều chỉnh, can thiệp vào hướng dẫn, tổ chức giao thông, phản ứng với các sự cố trên các tuyến cao tốc rất hiệu quả. Họ sử dụng phần mềm chuyên dụng để thu thập dòng giao thông trên tuyến.
Khi có sự cố, hệ thống sẽ tự động điều chỉnh thông qua hệ thống báo hiệu, hướng dẫn trên tuyến, có thể mở hay đóng làn, giảm tốc độ lưu thông để điều tiết lưu lượng. Nhưng ở Việt Nam vẫn còn ở mức sơ khai, mới chỉ có camera theo dõi, còn việc phân tích, tổng hợp, sau đó can thiệp điều chỉnh chưa thực hiện được.
Giới chuyên gia giao thông cũng cho rằng, một thực trạng khó khắc phục ở nước ta hiện nay khi áp dụng ITS đó chính là thiếu sự đồng bộ. Thực tế đã có rất nhiều những dự án nghiên cứu được triển khai nhưng chúng chỉ mang tính chất thí điểm, riêng lẻ. Chưa có những nghiên cứu tổng thể nào về hiện trạng, định hướng phát triển ITS.
Theo Tổng cục Đường bộ , giai đoạn 2021-2025, quy hoạch sẽ hoàn thiện cơ sở pháp lý cho mô hình quản lý, vận hành khai thác, bảo trì hệ thống ITS và triển khai xây dựng Trung tâm Quản lý ITS quốc gia. Đến giai đoạn 2025-2030 sẽ kết nối các trung tâm ITS đoạn tuyến về Trung tâm Quản lý ITS quốc gia và vận hành Trung tâm Quản lý ITS quốc gia trên phạm vi toàn quốc, đảm bảo kết nối thông tin giữa hệ thống giao thông, phương tiện đang di chuyển và con người, nhằm hình thành mạng lưới tối ưu việc vận hành và tham gia quản lý, điều tiết giao thông.