Quốc hội

Giải pháp nào hồi sinh các dòng sông chết?

Việt Thắng 04/06/2024 11:40

Ngày 4/6, Quốc hội tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội đối với Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường Đặng Quốc Khánh.

z5505350614944_4613ec56206c1efa031f79e021b15656.jpg
Ông Nguyễn Ngọc Sơn chất vấn (Ảnh: Quang Vinh)

ĐB Nguyễn Ngọc Sơn (Đoàn Hải Dương) cho hay, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học là nội dung quan trọng của chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển. Hoạt động lấn biển và khai thác cát biển làm vật liệu xây dựng sẽ có tác động lớn tới môi trường biển, nhất là tác động của dòng chảy dọc và ngang, dẫn tới khả năng xói lở bờ biển. Đề nghị Bộ trưởng cho biết thực trạng, định hướng và giải pháp khắc phục tình trạng trên?

z5505350636955_cea582d06166762a0710e114e6299781.jpg
Bà Nguyễn Thị Việt Nga chất vấn (Ảnh: Quang Vinh)

Còn ĐB Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương) đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp và kế hoạch của Bộ Tài nguyên và Môi trường trong việc hồi sinh các dòng sông chết do ô nhiễm trầm trọng trong thời gian tới, trong đó có hệ thống thuỷ lợi Bắc Hưng Hải?

z5505154663756_d39bda120df9eba3dd59548621721bc3.jpg
Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh trả lời chất vấn (Ảnh: Quang Vinh)

Trả lời, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho hay, Nghị quyết số 36 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về chiến lược phát triển bền vững biển Việt Nam giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2045 đã nêu rõ, việc khai thác, sử dụng tài nguyên biển phải đảm bảo được yêu cầu bảo vệ môi trường, phát triển bền vững.

Theo ông Khánh, biển là một thể thống nhất. Việc khai thác sử dụng tài nguyên biển thuộc nhiều ngành, nhiều lĩnh vực có 28 địa phương có biển, đòi hỏi các dự án đầu tư về du lịch, công nghiệp, đô thị dọc 2 bên bờ biển đều cần đánh giá tác động môi trường thật kỹ lưỡng, đảm bảo không ảnh hưởng đến môi trường biển, hệ sinh thái biển, vận tải biển, hàng hải, nuôi trồng thủy hải sản.

“Để giải quyết những vấn đề chồng lấn, giao thoa này, Quy hoạch biển quốc gia đã có những phân vùng sử dụng, định hướng không gian phát triển, quy hoạch gắn với quy hoạch các ngành, quy hoạch của 28 địa phương có biển, cần thực hiện nghiêm túc việc quy hoạch để giải quyết vấn đề này, để vừa phát triển được kinh tế vừa bảo vệ được môi trường”-ông Khánh nói.

Tranh luận lại, ĐB Nguyễn Ngọc Sơn đề nghị Bộ trưởng bổ sung thêm thông tin liên quan đến tác động của hoạt động lấn biển, đặc biệt là làm rõ hoạt động khai thác cát biển có tác động thế nào trong quá trình bảo tồn, phát triển đa dạng sinh học? Nhất là vừa qua, Luật Đất đai 2024 đã có quy định về vấn đề này, Nghị quyết của Quốc hội cũng đã giao cho Chính phủ ban hành quy định về hoạt động đất biển.

Về phục hồi các dòng sông chết, Khánh cho biết trong Luật Tài nguyên nước có nội dung liên quan đến việc phải phục hồi các dòng sông chết. Hiện nay các sông Bắc Hưng Hải, sông Nhuệ, sông Đáy, sông Cầu đang ô nhiễm nặng. Còn dòng sông chết là dòng sông vừa ô nhiễm vừa không có dòng chảy.

Thời gian qua các địa phương và Bộ Tài nguyên và môi trường đã tích cực nhưng chưa cải tạo được bao nhiêu. Vì các khu công nghiệp và làng nghề xả thải ra các dòng sông này. Khu công nghiệp đã kiểm soát việc xả thải. Còn cụm công nghiệp và làng nghề như chưa đủ nguồn lực để xử lý. Xử lý nước thải tại các làng nghề và cụm công nghiệp hiện nay cũng chưa được do nguồn lực để đầu tư cho hệ thống thu gom, hệ thống xử lý. Rồi kể cả các đô thị lớn như Hà Nội nguồn xả thải vào sông Bắc Hưng Hải, 1 ngày xả thải 260 nghìn m3, còn xả thải vào sông Nhuệ, sông Đáy là 65% nước thải sinh hoạt chưa qua xử lý. Do đó các địa phương phải chung tay với nhau để xử lý nước thải đồng bộ. Dòng sông phải có dòng chảy có sự lưu thông. Hiện nay sông Bắc Hưng Hải có thời điểm bị treo, tức là nước ở sông Hồng không vào được Bắc Hưng Hải. Hiện đã làm trạm bơm cục bộ cho mùa hạ nhưng đây không phải là giải pháp căn cơ. Giải pháp căn cơ là phải giữ được nước, nước chảy tự nhiên và lưu lượng nước lớn thì sẽ điều hòa được dòng chảy.

Về vấn đề quản lý, ông Khánh cho rằng, Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7 tới. Bộ Tài nguyên và môi trường sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ thành lập ngay Ủy ban quản lý lưu vực sông, tức là trách nhiệm chung các tỉnh, các bộ ngành và Ủy ban để điều phối vấn đề này. Bên cạnh đó, đề nghị trong giai đoạn 2026-2030, Chính phủ cần quan tâm đầu tư công để xử lý các dòng sông ô nhiễm này do cần một nguồn lực tương đối lớn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giải pháp nào hồi sinh các dòng sông chết?