Một trong những hạn chế của khu vực kinh tế tư nhân là tính liên kết, hợp tác giữa các doanh nghiệp Việt Nam yếu, chưa nâng cao năng lực cạnh tranh để tham gia chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu.
Chưa thành công liên kết đối tác nước ngoài
Nguyên thành viên Ban Nghiên cứu kinh tế của Thủ tướng, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhấn mạnh “điểm nghẽn” lớn nhất hiện nay của các doanh nghiệp (DN) tư nhân là thiếu tính liên kết để cùng xây dựng chuỗi giá trị, đây là vấn đề cần phải nhanh chóng tháo gỡ.
Theo con số của người đứng đầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng hiện chỉ có khoảng 21% DN nhỏ và vừa tham gia được một phần chuỗi giá trị toàn cầu, 14% thành công trong việc liên kết với đối tác nước ngoài, trong khi số DN FDI đầu tư tại Việt Nam là rất nhiều.
DN nước ngoài đi theo hướng của họ, DN Việt Nam tham gia rất ít. Khu vực kinh tế tư nhân hầu hết quy mô nhỏ, thiếu các nguồn lực, năng suất thấp và khó tăng. Thiếu vắng DN quy mô vừa và sự dẫn dắt của DN quy mô lớn. Đặc biệt, DN tư nhân đơn độc, thiếu liên kết, thiếu các tổ chức, hiệp hội hỗ trợ.
Tại cuộc hội thảo góp lấy ý kiến góp ý hoàn thiện Đề án “Đổi mới toàn diện quản lý nhà nước trong phát triển kinh tế tư nhân ở Việt Nam” diễn ra vào cuối tuần qua, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư - Nguyễn Chí Dũng nói: “Văn hóa liên kết của chúng ta rất yếu và kém. Tại sao người Việt lại không liên kết được với người Việt? DN tư nhân không liên kết được với DN nhà nước? Ngay bản thân trong nội bộ của một DN cũng không liên kết được với nhau”. Khi các nước có văn hóa liên kết rất tốt, ý thức cộng đồng tương tác hỗ trợ nhau nhưng ở Việt Nam lại rất lỏng lẻo, yếu. Nếu có liên kết được với nhau chỉ ba bữa là hỏng.
Không thể “chạm trán” nhau
Càng ngày vai trò, vị thế của kinh tế tư nhân ngày càng được khẳng định và thể hiện rõ nét thông qua những đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội. Kinh tế tư nhân liên tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá, chiếm tỷ trọng 42-43% GDP, thu hút khoảng 85% lực lượng lao động của nền kinh tế, góp phần quan trọng trong huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, tăng trưởng kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng thu ngân sách, cải thiện đời sống nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội,...
Ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam cho biết, có thử nghiệm liên kết giữa các DN nhưng không thực hiện được vì có thể do văn hóa, do DN lớn chưa lớn hẳn, DN nhỏ nhỏ quá nên không “chạm trán nhau” được.
Theo nhìn nhận của giới chuyên gia, khi hội nhập quốc tế đi vào chiều sâu, Việt Nam tham gia nhiều các hiệp định thương mại thì doanh nghiệp đơn lẻ tự mình đứng vững hoặc đơn thương độc mã trong hội nhập được.
Hướng đi được giới chuyên gia đưa ra, là ở phía cơ quan quản lý cần cấu trúc lại các chính sách ưu đãi dành cho DN, chủ yếu để: khuyến khích, hỗ trợ các hoạt động đổi mới sáng tạo, chuyển giao và ứng dụng công nghệ tiên tiến. Đào tạo nâng cao kỹ năng, thông tin, tư vấn giúp các DN, đặc biệt các DN vừa, nhỏ và rất nhỏ và đổi mới sáng tạo; khuyến khích, hỗ trợ tạo lập hoặc tham gia các chuỗi cung cứng mới với giá trị gia tăng cao hơn.
Còn đối với kinh tế tư nhân cần tập trung cao độ để nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh theo chuẩn mực, yêu cầu mới, thông qua nâng cao ý chí tự lực, tự chủ, xác định chiến lược phát triển mới, tự đổi mới DN để thích ứng với bối cảnh mới.
“Hội nhập từ bên trong trước hoặc song song với hội nhập với bên ngoài. Coi trọng kết nối với DN, các tổ chức chuyên gia trong nước và người Việt ở các nước, bên cạnh các đối tác ngoại” – bà Phạm Chi Lan nói.
“Văn hóa liên kết của chúng ta rất yếu và kém. Tại sao người Việt lại không liên kết được với người Việt? DN tư nhân không liên kết được với DN nhà nước? Ngay bản thân trong nội bộ của một DN cũng không liên kết được với nhau” - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nêu vấn đề.