Bộ Nội vụ vừa trình Chính phủ dự thảo Nghị định về tinh giản biên chế, trong đó đề nghị trợ cấp cho cán bộ, công chức, viên chức dôi dư. Ông Phạm Văn Hòa - Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết xung quanh vấn đề này.
PV: Thưa ông, một số ý kiến cho rằng thời gian qua việc tinh giản biên chế chưa thực sự hiệu quả. Một trong các vướng mắc, bất cập là do cơ chế tài chính hiện hành chưa thực sự phù hợp và chưa đủ mạnh để khuyến khích, hỗ trợ thỏa đáng cho cán bộ, công chức, viên chức dôi dư nghỉ việc ổn định đời sống, tạo việc làm mới. Quan điểm của ông?
Ông Phạm Văn Hòa: Tinh giản biên chế là chủ trương rất đúng đắn. Tính đến thời điểm hiện nay, các cơ quan, đơn vị đều chấp hành tốt việc thực hiện tinh giản biên chế, đạt và vượt trên 10% theo đúng yêu cầu đề ra. Tuy nhiên đối tượng tinh giản biên chế hầu hết đều là các đối tượng không hoàn thành nhiệm vụ trong 2 năm; bị kỷ luật; hay các đối tượng chuẩn bị nghỉ hưu và cho nghỉ hưu trước tuổi. Còn việc tinh giản biên chế theo đúng nghĩa thực chất thì vẫn chưa mang lại kết quả cao lắm.
Thực chất để họ tự nguyện, tự giác xin nghỉ là rất là khó. Vì thế muốn tinh giản phải tuân theo những quy định ngặt nghèo thì mới tinh giản được. Còn những đối tượng muốn xin nghỉ thì lại không được hưởng chế độ chính sách. Hiện nay bất cập lớn nhất trong tinh giản biên chế đó là sau khi hợp nhất, sáp nhập các đơn vị hành chính cấp huyện, xã thì biên chế dôi dư là khá lớn. Tuy nhiên họ chưa tự nguyện xin nghỉ vì không có cơ chế tài chính. Thời gian qua do chưa có cơ chế tài chính nên việc giải quyết chính sách đối với cán bộ dôi dư rất khó khăn. Hiện ở địa phương, số cán bộ dôi dư chưa giải quyết chế độ chính sách là khá lớn.
Được biết, Bộ Nội vụ vừa trình Chính phủ dự thảo Nghị định của Chính phủ về tinh giản biên chế, trong đó đề nghị trợ cấp cho cán bộ, công chức, viên chức dôi dư. Hiện đưa ra 2 phương án, vậy ông đánh giá sao về 2 phương án này?
- Theo tôi, quan trọng nhất là Bộ Nội vụ cần phối hợp với Bộ Tài chính, tính toán để trình Chính phủ sao cho cán bộ dôi dư được hỗ trợ ở mức hợp lý. Do đó mức 1,8 triệu đồng/tháng, hay mức 1/2 tháng lương hiện hưởng thì cần tuỳ theo điều kiện cụ thể của ngân sách.
Chúng ta phải có chế độ chính sách phù hợp thì cán bộ dôi dư mới an tâm nghỉ việc. Bởi nó ảnh hưởng đến quyền lợi, sinh hoạt, tư tưởng chính sách đối với cán bộ. Vì chúng ta còn chăm lo an sinh xã hội đối với người dân, huống hồ là những công chức, viên chức. Họ bị dôi dư do quá trình sắp xếp, sáp nhập chứ không phải họ bị kỷ luật hay không hoàn thành nhiệm vụ.
Thực tế tại cơ sở có nhiều cán bộ tâm huyết, lăn lộn, bám dân. Việc dôi dư là do yếu tố khách quan. Nếu giải quyết không thoả đáng rất dễ nảy sinh công tác tư tưởng, thưa ông?
- Đúng vậy, chế độ chính sách còn để tránh nảy sinh tư tưởng đối với cán bộ công chức, viên chức sau khi nghỉ việc do dôi dư. Đây là vấn đề do khách quan mang lại. Ví dụ 2 huyện, xã nhập lại thì dư 1 Chủ tịch; dư các phó Chủ tịch, rồi cán bộ tại các phòng ban. Ở cấp xã sau sáp nhập thì mất gần một nửa cán bộ. Do đó giải quyết chế độ chính sách đối với cán bộ dôi dư nếu không thực chất sẽ không khuyến khích được cán bộ xin nghỉ mà còn phát sinh tư tưởng. Chế độ chính sách an sinh xã hội đối với người dân Nhà nước còn lo được, nói gì đây là cán bộ công chức, viên chức đã nhiều năm cống hiến cho Nhà nước.
Đối với cán bộ trẻ có thể nghỉ, xin việc làm mới, song với cán bộ đã 55 tuổi thì lại rất khó trong tìm kiếm việc làm. Về lâu dài theo ông có cơ chế nào để tinh giản biên chế thực chất?
- Đối với những cán bộ đã lớn tuổi, nếu nghỉ họ sẽ rất khó tìm được việc làm khác, chủ yếu ở nhà vui vầy bên con, cháu. Nếu không có chế độ chính sách thì cuộc sống của họ sẽ rất khó khăn. Hiện sau hợp nhất có rất nhiều cán bộ bị dôi dư ra. Do đó ở tầm vĩ mô Chính phủ phải có quy định rạch ròi cụ thể chế độ chính sách cho cán bộ dôi dư. Ngoài ra theo tôi, tuỳ theo điều kiện ngân sách của địa phương chúng ta có thể hỗ trợ thêm cho cán bộ dôi dư.
Theo đó ngoài chế độ chính sách do Chính phủ quy định thì những địa phương có thu ngân sách lớn có thể trình HĐND để quyết định mức hỗ trợ thêm cho cán bộ nghỉ việc do dôi dư.
Trân trọng cảm ơn ông!
Tại Nghị định về tinh giản biên chế, Bộ Nội vụ đề nghị bổ sung điều mới, quy định về chính sách đối với đối tượng dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã nghỉ trong thời gian 6 tháng kể từ khi có quyết định sắp xếp của cơ quan có thẩm quyền được hưởng mức trợ cấp. Cụ thể, cán bộ, công chức, viên chức dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, ngoài hưởng một trong các chính sách theo quy định thì được hưởng thêm mức trợ cấp, trong đó dự thảo đề nghị 2 phương án:
Phương án 1: Cứ mỗi tháng nghỉ trước so với thời điểm kết thúc lộ trình giải quyết cán bộ, công chức, viên chức dôi dư theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền thì được hưởng trợ cấp bằng 1,8 triệu đồng, bằng 1 tháng lương cơ sở áp dụng từ 1/7/2023.
Phương án 2: Cứ mỗi tháng nghỉ trước so với thời điểm kết thúc lộ trình giải quyết cán bộ, công chức, viên chức dôi dư theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền thì được hưởng trợ cấp bằng 1/2 tháng lương hiện hưởng.
Hiện Bộ Nội vụ đang đề nghị thực hiện theo phương án 1.