UBND TP Hà Nội vừa có văn bản đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội sửa đổi, bổ sung danh mục phí, lệ phí ban hành kèm theo Luật Phí và lệ phí năm 2015. Lý do đề xuất của Hà Nội là đang bị vướng luật không thể thực hiện được dự kiến thu phí xe cơ giới vào nội đô và phụ thu phí ô nhiễm môi trường, nhằm giảm ùn tắc giao thông, khắc phục ô nhiễm môi trường không khí. Dư luận xã hội cho rằng, Hà Nội đang cố giải quyết bài toán ùn tắc giao thông ở... phần ngọn.
Không chỉ nghi ngờ tính khả thi trong việc giải quyết vấn nạn ùn tắc giao thông đang ở mức trầm kha của Thủ đô bằng việc thu phí xe cơ giới, nhiều ý kiến còn cho rằng UBND TP Hà Nội đang muốn tận thu để bù đắp ngân sách. Sự nghi ngờ của dư luận xã hội không phải là không có lý, khi mà trong nhiều năm qua, lãnh đạo Hà Nội luôn “nhấp nhổm” muốn thu phí xe cơ giới đi vào nội đô. Thậm chí có thời điểm còn có ý kiến đề xuất cấm xe biển ngoại tỉnh vào nội đô, hay cấm xe máy vào nội đô...
Trước tiên phải khẳng định ngay rằng, hầu hết người dân Thủ đô đều sẽ ủng hộ các cấp chính quyền Hà Nội nếu chủ trương, chính sách đưa ra là đúng đắn, sáng suốt, và vì lợi ích người dân. Song, người dân cũng không thể hài lòng với những đề xuất ban hành những chủ trương, chính sách thiếu tính khả thi, không hợp lòng dân. Khi một quy định pháp lý được ban hành mà không thể triển khai trong thực tiễn thì việc ban hành quy định đó có ý nghĩa bằng không.
Không hề nói suông khi mà minh chứng sinh động nhất chính là quy định thu phí bảo trì đường bộ với xe máy đã phải bãi bỏ sau vài năm thực hiện. Chẳng phải trong những năm qua có vô số những văn bản quy phạm pháp luật không chỉ của riêng Hà Nội, mà của nhiều tỉnh, thành phố khác, của các bộ, ngành ban hành hoặc là bị Bộ Tư pháp “thổi còi” vì vi hiến hay phạm luật, hoặc không thể triển khai thi hành trong thực tế. Quy định mỗi ô tô phải có một bình cứu hỏa chẳng phải là ví dụ điển hình đó sao?
Cách đây khoảng hơn chục năm, Hà Nội cũng đã tự ý đưa ra quy định mỗi người dân Thủ đô chỉ được đăng ký một chiếc xe máy. Sau một thời gian thực hiện, Hà Nội buộc phải xóa bỏ quy định trên vì đã vi phạm Hiến pháp và các đạo luật liên quan về quyền sở hữu tài sản của công dân. Việc “định suất” đăng ký xe máy cho người dân không chỉ vi hiến, mà còn không giải quyết được bài toán ùn tắc giao thông như lãnh đạo Hà Nội thời đó đưa ra giải thích cho việc ban hành văn bản phạm luật.
Đã có tiền lệ như vậy nhưng thay vì rút kinh nghiệm để đưa ra những giải pháp căn cơ, nhằm giải quyết dứt điểm vấn nạn ùn tắc giao thông, thì trong mấy năm qua Hà Nội lại liên tục kiến nghị cho cơ chế để thu phí xe cơ giới vào nội đô. Liệu Hà Nội có thể cam kết khi thu phí xe cơ giới vào nội đô, cùng phụ thu phí ô nhiễm môi trường thì sẽ giải quyết được dứt điểm nạn ùn tắc giao thông trên toàn thành phố không? Ai sẽ chịu trách nhiệm khi cam kết không thực hiện được?
Một logic đơn giản trong toán học, đó là muốn giải quyết một bài toán thì trước hết cần phải đọc kỹ đầu bài, xem xét tất cả các dữ kiện rồi mới tiến hành giải toán. Trong cuộc sống hàng ngày cũng vậy, nếu muốn giải quyết vấn nạn ùn tắc giao thông thì phải xem xét kỹ lưỡng, chỉ ra được đâu là nguyên nhân dẫn đến thực trạng đó, ngõ hầu mới có thể giải quyết tận gốc vấn đề. Song, có vẻ như trong suốt một thời gian dài, Hà Nội cũng chưa thực sự “bắt” đúng “bệnh” của vấn nạn ùn tắc giao thông, khiến càng chữa trị thì bệnh càng nặng.
Nói như vậy không phải là không có cơ sở, khi mà nguyên nhân chính và hàng đầu của vấn nạn ùn tắc giao thông tại Hà Nội chính là việc tăng dân số cơ học quá nhanh khiến cơ sở hạ tầng quả tải. Làm sao có thể không ùn tắc giao thông khi mà Hà Nội cho xây quá nhiều cao ốc chọc trời với hàng nghìn, thậm chí hàng chục nghìn hộ dân kéo về sinh sống mỗi năm? Theo thống kê của chính HĐND TP Hà Nội cách đây vài năm, mỗi năm dân số Thủ đô tăng cơ học bằng cả một huyện, vậy làm sao hạ tầng giao thông kịp đáp ứng?
Rồi ngay cả trong đề xuất của Hà Nội gửi lên Thủ tướng Chính phủ chỉ nói chung chung là nội đô, vậy nội đô là khoanh vùng từ đâu tới đâu, phải có ranh giới rõ ràng. Nếu như trước kia Hà Nội chỉ có 4 quận nội thành thì đó là nội đô, nay Hà Nội có tới hàng chục quận nội thành thì đâu mới là nội đô? Nếu hiểu theo đúng nghĩa đen của từ Hán Việt thì nội đô chỉ bao gồm khoảng đất bên trong Hoàng thành Thăng Long. Nếu vậy thiết nghĩ hiện nay cũng đã cấm xe cơ giới rồi, không cần thiết phải kiến nghị sửa danh mục phí, lệ phí ban hành kèm theo Luật Phí và lệ phí 2015 nữa.
Vậy nếu nội đô là bao gồm tất cả các quận nội thành thì người dân sẽ di chuyển bằng phương tiện gì với hàng chục, thậm chí hàng vài chục cây số, trong khi vận tải công cộng của Hà Nội còn đang ì ạch chưa có đột phá, chưa đảm bảo được nhu cầu đi lại của người dân? Còn nếu nội đô chỉ là 4 quận nội thành cũ thì ngay từ nghĩa từ đã dùng sai làm sao có thể đưa vào văn bản quy phạm pháp luật? Và nếu nội đô chỉ có vậy thì còn những quận huyện khác thì sao, không lẽ ùn tắc giao thông ở những nơi khác không hề quan trọng bằng 4 quận nội thành cũ? Không thể nói là chỉ có 4 quận nội thành cũ mới bị vấn nạn ùn tắc giao thông! Vậy mới nói, cố giải quyết phần ngọn sẽ không đi đến đâu cả, chỉ làm tình hình thêm phức tạp mà thôi.