Tết Nguyên đán đang đến gần trong khi công việc bị mất, nguồn thu nhập lại không còn... khiến hàng nghìn công nhân rơi vào tình cảnh khó khăn. Nhiều người phải “hồi hương” hoặc đi tìm công việc mới...
Doanh nghiệp thiếu đơn hàng, công nhân thiếu việc
Không xảy ra tình trạng cắt việc hàng loạt với số lượng lớn nhưng nhiều doanh nghiệp (DN) tại khu công nghiệp Đông Anh, Hà Nội đã phải cắt giảm nhân lực vì đơn hàng quá ít. Trái với mọi năm, thời điểm này khu xóm trọ công nhân xã Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội lại tấp nập người ra vào vì nhiều người không có việc, ngồi chơi dài.
Đi chợ chỉ mua mớ rau muống, vài quả cà chua và chục trứng vịt, chị Nguyễn Thị Tâm thở dài chia sẻ, thời điểm cuối năm thường phải tăng ca đến sáng nhưng năm nay thì thất nghiệp dài. Công việc không có trong khi hàng hóa giá cả leo thang. Mớ rau muống giá 15.000 đồng/mớ, mấy quả cà chua và ít hành mất 20.000 đồng. Cộng với 10 quả trứng ăn dè được 1 ngày cho 4 người vậy mà cũng ngót trăm nghìn đồng. “Gần 2 tuần nay tôi phải nghỉ việc vì công ty ít đơn hàng. Cũng may chồng tôi vẫn được tăng ca nên chưa đến nỗi bí bách. Nhưng chỉ còn hơn một tháng nữa là Tết, mà thu nhập eo hẹp thế này, không biết Tết thế nào” – chị Tâm thở dài.
Chị Nguyễn Thị Hiền (Nghệ An) làm ở một công ty FDI Khu công nghiệp Thăng Long cũng cho biết, mọi năm thời điểm này tăng ca liên tục. Do tăng ca nên đến Tết chị có thêm được từ 20 -30 triệu đồng, thế nhưng năm nay cả hai vợ chồng đều nằm trong diện cắt giảm công việc tạm thời. Mất việc, chồng chị Hiền về làm xe ôm, còn chị đi xin làm cộng tác viên bán mĩ phẩm. “Thu nhập thì giảm đi mà giá cả hàng hóa lại tăng lên, muốn lựa chọn bữa ăn dinh dưỡng cho con mà không dám vì không đủ tiền để trang trải. Giờ tôi chỉ mong chờ chính sách hỗ trợ từ ngành chức năng cũng như của DN” - chị Hiền ngậm ngùi chia sẻ.
Áp lực lớn
Ngậm ngùi với nỗi lo Tết có lẽ không chỉ của riêng chị Hiền, chị Tâm mà còn là nỗi lo, gánh nặng của hơn 500.000 lao động bị mất việc làm theo thống kê của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Trong tổng số lao động bị ảnh hưởng việc làm, có khoảng 31.000 lao động nữ trên 35 tuổi; 10.000 lao động nữ nuôi con nhỏ, đang mang thai. Đáng chú ý, theo khảo sát về đời sống, thu nhập của Viện Công nhân và Công đoàn trong tháng 10 và tháng 11/2022 trên 6.200 công nhân cho thấy kết quả đáng buồn. Trong số lao động mất việc thì chỉ 11,7% người lao động có tích lũy cầm cự được dưới một tháng; 16,7% duy trì được từ 1 - 3 tháng và 12,7% cầm cự được trên 3 tháng.
Bàn về giải pháp hỗ trợ người lao động, ông Bùi Sỹ Lợi - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội cho rằng, cần cân đối việc làm cho mọi người lao động. “DN có thể tìm kiếm thêm việc làm mới, cơ cấu lại ngành nghề, mở rộng thêm ngành nghề cho công nhân, lao động. Bên cạnh đó, có thể dùng quỹ bảo hiểm thất nghiệp để đào tạo, giữ chân người lao động” – ông Lợi nói.
PGS.TS Nguyễn Đức Lộc - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đời sống Xã hội (Sociallife) cho rằng, sau nhiều năm phát triển theo hướng sản xuất thâm dụng lao động, Việt Nam đang có một lực lượng lớn lao động phổ thông lớn tuổi. Họ khó lòng đáp ứng công việc ở các nhà máy hoạt động theo dây chuyền sản xuất, nếu làm được cũng khó cạnh tranh với lao động trẻ tuổi. Do đó, ngay từ bây giờ phải có chính sách đào tạo kỹ năng, chuyển đổi nghề nghiệp cho lực lượng này. Nếu không, đây sẽ là áp lực rất lớn đối với sự ổn định của thị trường lao động trong tương lai.
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết, đang tổng hợp tình hình thực tế tại các DN để báo cáo Chính phủ. Cơ quan chức năng sẽ phân loại từng nhóm đối tượng để có các giải pháp phù hợp. Trong lúc người lao động bị giãn việc, DN có thể tranh thủ thời gian này tổ chức đào tạo nghề, nâng cao trình độ cho công nhân, lao động để đón những đơn hàng mới. Việc hỗ trợ người lao động nâng cao kỹ năng, tay nghề sẽ đem lại hiệu quả trong bối cảnh hiện nay. Bởi lẽ, khi ổn định đơn hàng, nếu thiếu lao động có tay nghề, DN sẽ phải tuyển dụng và mất chi phí rất lớn” - Ông Tống Văn Lai - Phó Cục trưởng Cục Quan hệ lao động và tiền lương, Bộ LĐTB&XH.