Sự phát triển quá nhanh, quá nóng của các dự án điện mặt trời đang bộc lộ những điểm nghẽn lớn trong vấn đề quy hoạch. Đảm bảo an ninh năng lượng, phát triển bền vững cần phải giải tỏa điểm nghẽn này. Đó là vấn đề được đặt ra tại Hội thảo quốc tế “Năng lượng tái tạo Việt Nam: Từ chính sách đến thực tiễn”, do Hiệp hội Năng lượng Việt Nam tổ chức ngày 27/11 tại Hà Nội.
Kiểm tra hệ thống vận hành tấm pin mặt trời tại Nhà máy điện mặt trời Hồng Phong 4, xã Hồng Phong, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận. Ảnh: Nguyễn Thanh/TTXVN.
Vỡ quy hoạch vì phát triển quá nóng
Phát triển năng lượng tái tạo sẽ giải được bài toán về an ninh năng lượng cũng như bài toán về môi trường. Bởi theo ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, sự phát triển của các dự án nhiệt điện than với mục tiêu bù đắp nguy cơ thiếu điện sẽ khó đảm bảo tính bền vững, một phần vì các dự án nhiệt điện hiện nay không theo được tiến độ Quy hoạch Điện VII, điều này dẫn đến không hoàn thành mục tiêu bổ sung 7.000 MW điện mỗi năm. Trong khi đó, những yếu tố về môi trường đối với các dự án nhiệt điện cũng đặt ra những áp lực lớn. Chính bởi vậy, việc nghiên cứu và đưa vào sử dụng các nguồn năng lượng mới có khả năng tái tạo như năng lượng gió, năng lượng mặt trời, địa nhiệt hay năng lượng sinh khối là xu hướng tất yếu của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Có thể thấy, nắm bắt xu hướng này, thời gian qua nhà quản lý đã đưa các cơ chế, chính sách nhằm phát triển các nguồn năng lượng tái tạo. Đáng chú ý, sự phát triển của các dự án nhà máy điện mặt trời khá nóng đã dẫn đến những bất cập không nhỏ, dẫn đến tình trạng quá tải.
Số liệu thống kê cho biết, tính đến cuối tháng 6/2019, cả nước có 89 nhà máy điện gió và mặt trời, với tổng công suất lắp đặt 4.543,8 MW, chiếm 8,3% tổng công suất của hệ thống điện quốc gia. Con số này đã vượt xa so với dự kiến của Quy hoạch điện VII điều chỉnh (chỉ 850 MW điện mặt trời vào năm 2020). Sự phát triển quá nhanh của các dự án điện tái tạo, trong khi hệ thống truyền tải không theo kịp, dẫn tới thực trạng quá tải và thời gian qua, nhiều nhà máy điện mặt trời đã phải giảm phát tới 60% công suất, gây thất thoát, lãng phí.
Nếu như thời điểm năm 2015,2016, chúng ta “khát” năng lượng tái tạo bao nhiêu, thì ở thời điểm này, sự phát triển quá nhanh của các dự án điện mặt trời lại khiến nhà quản lý tìm cách phải kìm hãm. Lý giải nguyên nhân, ông Nguyễn Anh Tuấn, Ủy viên Hội đồng khoa học, Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, nguyên Phó viện trưởng Viện Năng lượng, trong lúc lập và trình duyệt Quy hoạch điện VII hiệu chỉnh tại thời điểm cuối năm 2015, đầu năm 2016, vì chưa có cơ chế cụ thể, hỗ trợ thích đáng, nên hầu như rất ít các dự án điện mặt trời, điện gió được đề xuất. Thế nhưng chỉ từ năm 2018 đến hết tháng 6/2019, công suất điện mặt trời đã tăng gấp trên 51 lần, từ 86MW lên đến trên 4.400MW. Đến nay, tỷ lệ công suất nguồn điện từ năng lượng tái tạo (trừ thủy điện vừa và lớn) đã chiếm tới 15,4% tổng công suất lắp đặt toàn hệ thống. Mặc dù chiếm tỷ trọng cao trong tổng cơ cấu nguồn, nhưng sản lượng chỉ chiếm khoảng 1%.
Nêu lên nguyên nhân của thực trạng này, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho rằng, câu chuyện nằm ở chất lượng quy hoạch ngành hiện đang bộc lộ tính thiếu minh bạch, công khai... “Chỉ trong vòng mấy tháng, quy hoạch điện mặt trời đã bị phá vỡ. Nếu có sự công khai minh bạch ngay từ đầu, có sự đóng góp của xã hội, chuyên gia thì chắc không có vấn đề này” - ông Ánh đặt vấn đề đồng thời cho rằng quan trọng là phải giải tỏa được điểm nghẽn về chất lượng quy hoạch. Quy hoạch do nhà nước làm, nhưng thực hiện là DN tư nhân cả trong và ngoài nước.
Nêu lên một ví dụ rất rõ về sự phát triển quá nhanh, quá nóng dẫn đến vỡ quy hoạch đối với các dự án năng lượng tái tạo, ông Nguyễn Tài Anh, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, 2 tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận là hai địa phương có điều kiện thuận lợi để phát triển năng lượng tái tạo thì đã và đang được các nhà đầu tư “dồn lực” đổ vốn. Hiện hai địa phương này đang tập trung quá nhiều dự án điện mặt trời dẫn tới tình trạng lưới truyền tải chịu áp lực lớn. Nói về hai “điểm nóng” này, ông Nguyễn Tài Anh nhấn mạnh: “Chia sẻ với các địa phương, EVN đã đề nghị các chủ đầu tư cùng chung tay với EVN xây dựng hệ thống truyền tải, có thể từ nhà máy vào đường dây chính. Song nguyên tắc cuối cùng là phải có quy hoạch. Tư nhân hay nhà nước làm thì đều phải có quy hoạch”.
Việt Nam rất có tiềm năng để phát triển năng lượng tái tạo. Ảnh: TL.
Làm sao để phát triển bền vững?
Tuy nhiên, nhiều ý kiến đặt vấn đề, để phát triển điện và truyền tải điện, cần tới hàng trăm tỷ USD, vậy khoản này sẽ lấy ở đâu ra. Do vậy, quy hoạch điện cũng phải gắn với quy hoạch vốn. “Hiện nay đã có chương trình Tín dụng xanh hỗ trợ phát triển năng lượng tái tạo, nhưng điều gì sẽ xảy ra khi các dự án liên tục bị cắt giảm công suất, năng lực chi trả khoản vay sẽ ra sao và cơ hội vay các dự án khác...” – chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh đặt vấn đề.
Để tháo gỡ những bất cập từ lưới truyền tải, các chuyên gia tại hội thảo đồng thuận quan điểm sẽ xã hội hóa lưới truyền tải.
Hầu hết các ý kiến cho rằng, Việt Nam là nước có khí hậu nhiệt đới gió mùa, với đường bờ biển dài hơn 3.000 km, gió biển quanh năm, số giờ nắng trong ngày lớn, đây chính là điều kiện thuận lợi để nước ta có thể khai thác và sử dụng nguồn năng lượng tái tạo để có thể đảm bảo an ninh năng lượng và phát triển bền vững.
Theo ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, nếu có những chính sách tháo gỡ kịp thời thì nguồn điện từ các nhà máy điện năng lượng tái tạo sẽ góp phần bổ sung nguồn điện, giảm áp lực thiếu điện ngay trước mắt, về lâu dài sẽ đảm bảo phát triển bền vững cũng như bài toán về môi trường.
Việc đấu thầu dự án điện cũng đã được đặt ra tại hội thảo. Theo đó, nếu có thể sớm triển khai đấu thầu thay vì cơ chế giá FIT hỗ trợ phát triển như hiện nay, người tiêu dùng sẽ được hưởng mức giá điện tốt hơn.