Năm học 2022-2023, TP Hà Nội tăng 5 trường trung học tăng nhiều nhất (5 trường) trên cả nước. Dẫu vậy, với tốc độ đô thị hóa mạnh, sự gia tăng dân số nhanh, dân nhập cư nhiều thì việc gia tăng số lượng trường học này vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu học tập.
Đối với các cấp học khác của Thủ đô cũng tương tự khi số trường xây mới không thấm vào đâu so với tốc độ tăng dân số cơ học rất nhanh, học sinh cũng tăng mạnh theo từng năm như số liệu thống kê hàng năm. Theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Hà Nội Trần Thế Cương, với mức độ này, trung bình mỗi năm Hà Nội phải xây 30 - 35 trường mới đáp ứng nhu cầu hiện nay.
Đặc biệt, đối với cấp THPT, hiện có hơn 200 trường công lập. Dự báo số lượng học sinh vào cấp THPT trong 3 năm học tới tăng 29.000 em so với năm học 2023-2024. Áp lực này đặt ra cho Hà Nội cần có những giải pháp đáp ứng.
Đầu tháng 7/2023, Sở GDĐT Hà Nội đã báo cáo UBND TP Hà Nội và xin Bộ GDĐT cơ chế đặc thù để tháo gỡ khó khăn trước mắt, trong đó có việc nâng sĩ số học sinh/lớp lên 10% (từ 45 lên 50 em); tăng 10% số lớp học trong mỗi trường (từ 45 lên 50 lớp/trường); áp dụng thay diện tích đất/học sinh bằng diện tích sử dụng/học sinh.
Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn cho rằng, Hà Nội hiện có hệ thống trường công lập, trường tư thục, Trung tâm giáo dục thường xuyên - giáo dục nghề nghiệp đủ chỗ học cho học sinh nhưng vẫn cần đảm bảo đủ chỗ ở trường THPT công lập nếu học sinh có nhu cầu tiếp tục học tập.
“Bên cạnh nâng cao chất lượng dạy học, Bộ GDĐT yêu cầu TP Hà Nội có giải pháp khẩn trương tăng chỗ học, tăng trường THPT công lập đáp ứng nhu cầu của học sinh, phụ huynh. Trong trường hợp bất đắc dĩ có thể xây nâng tầng cao hơn, tính diện tích sàn/học sinh thay cho diện tích đất/học sinh nhưng phải đảm bảo an toàn, quy cách do Bộ Xây dựng quy định” - Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói.
Giám đốc Sở GDĐT Hà Nội cho biết, Sở đang tích cực phối hợp với các sở, ngành liên quan tham mưu thành phố ưu tiên nguồn lực đầu tư xây dựng và thành lập mới, cải tạo sửa chữa các trường học đã được ghi vốn giai đoạn 2021-2025; ưu tiên dành quỹ đất xây dựng trường. Sở cũng tập trung tham mưu thành phố rà soát các ô đất đã quy hoạch xây dựng trường học, thu hồi các dự án chậm tiến độ xây dựng trường học giao lại cho UBND các quận, huyện, thị xã xây dựng trường công lập; xây dựng quy hoạch mạng lưới trường đến năm 2023, tầm nhìn 2050, trong đó nêu rõ vị trí ô đất, diện tích...
Trước mắt, các trường công lập sẽ rà soát, khai thác tối đa hiệu quả cơ sở vật chất hiện có và bổ sung phòng học. Trong trường hợp cần thiết, các trường sẽ đề xuất nâng sĩ số học sinh/lớp ở mức nhất định.
Các chuyên gia đề xuất, Hà Nội cần tiếp tục phân tuyến tuyển sinh cho 30 quận, huyện, thị xã theo 12 khu vực trên địa bàn nhằm điều hòa hợp lý chỗ học. Thực tế, trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT năm học 2023-2024, khu vực tuyển sinh 1 (gồm các quận Ba Đình, Tây Hồ) có 4 trường công lập với 2.620 chỉ tiêu nhưng có gần 5.400 thí sinh dự thi; khu vực tuyển sinh 2 (các quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng) có 5 trường công lập, 3.600 chỉ tiêu, số thí sinh dự thi là hơn 5.500 em; khu vực tuyển sinh 3 (các quận Cầu Giấy, Đống Đa, Thanh Xuân) có 9 trường công lập, 6.355 chỉ tiêu trong khi số thí sinh dự tuyển 13.615 em... Sự chênh lệch về số thí sinh, số trường ở từng khu vực kéo theo áp lực đối với một số trường công lập tăng lên, một số học sinh ở khu vực đông dân cư, ít trường sẽ bị thiệt thòi hơn.
Theo TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội, cần đẩy mạnh công tác xã hội hóa, huy động nguồn lực xã hội, tiếp tục thực hiện chính sách khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng mới các trường ngoài công lập, trường có yếu tố nước ngoài nhằm giảm gánh nặng ngân sách, góp phần nâng cao chất lượng cơ sở vật chất trường học.