Giảm áp lực cho tuyến đầu chống dịch

Đức Trân 14/09/2021 09:00

Cuộc chiến chống Covid-19 đang diễn ra khốc liệt. Ở tâm dịch, các nhân viên y tế đang gánh chịu áp lực vô cùng lớn cả về sức khỏe và tinh thần. Nhiều người bị căng thẳng do công việc nặng nề, không ít người mắc Covid-19 trong quá trình điều trị bệnh nhân và có người đã hy sinh vì bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Làm việc ở Trung tâm Hồi sức tích cực của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đặt tại Bệnh viện đa khoa Becamex Thuận An - Bình Dương, nữ điều dưỡng Nguyễn Thị Linh Nhâm chia sẻ: Công việc hàng ngày của các điều dưỡng chăm sóc bệnh nhân Covid-19 nặng, nguy kịch rất vất vả. Bệnh nhân Covid-19 điều trị trong Trung tâm ICU cần chăm sóc toàn diện, họ không có người thân bên cạnh nên công việc của điều dưỡng vất vả gấp nhiều lần. Họ thực hiện mọi công việc để chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân, từ thực hiện y lệnh của bác sĩ cho đến hướng dẫn bệnh nhân dùng thuốc, trực tiếp thay băng, đóng bỉm tã, hút đờm dãi, hỗ trợ bệnh nhân ăn uống, vệ sinh…

Động viên nhau cố gắng đứng vững

Chị Nhâm tâm sự: “Mặc đồ bảo hộ cấp 4 kín trong suốt nhiều giờ công tác là việc không hề đơn giản, có đồng nghiệp của tôi đã bị ngất, phải chuyển sang chăm sóc bệnh nhân nhẹ tại phòng khác, bản thân tôi cũng hay bị khó thở, đau đầu khi phủ kín đồ bảo hộ. Tôi cũng nhớ gia đình và thương các con nhỏ ở nhà. Tụi nhỏ năm nay đều học đầu cấp, các cháu lại mới làm quen với việc học trực tuyến. Chưa bao giờ gia đình chúng tôi xa nhau lâu như bây giờ. Nhưng rồi cũng tự động viên bản thân, phải cố gắng đứng vững để chiến thắng dịch bệnh”.

Điều dưỡng Phạm Nguyễn Phương Linh đang công tác tại Bệnh viện dã chiến số 2 TPHCM kể: “Có những đồng nghiệp mới lần đầu trực tiếp tham gia chống dịch nên chưa quen, thường khóc vì nhớ nhà, nhớ con. Bản thân tôi cũng rất nhiều tháng chưa được về quê thăm cha mẹ. Nhưng rồi được anh chị em đồng nghiệp tự động viên tâm lý nhau, cùng nhau ổn định để chiến đấu. Chúng tôi làm việc với những chiếc khẩu trang dày và bộ đồ bảo hộ kín mít trong thời gian dài và thực hiện không ăn, không uống, không đi vệ sinh để đảm bảo tối đa an toàn chống dịch khiến toàn thân như rã rời, người không còn chỗ nào khô ráo sau mỗi ca trực. Bên cạnh đó là nỗi lo lây nhiễm, khi nghe tin có thêm đồng nghiệp trở thành F0, chúng tôi đều cảm thấy đau lòng và có một thoáng suy nghĩ, một ngày nào đó có tới lượt mình hay không?”

Nỗi lo mình sẽ là người mắc Covid-19 tiếp theo không phải chỉ của riêng điều dưỡng Linh, một nhân viên y tế giấu tên làm việc tại bộ phận xét nghiệm Covid-19 tâm sự, cô luôn cảm thấy bất an, lo lắng không chỉ cho bản thân mà còn cho cả gia đình. Nhiều lần, cô nằm mơ thấy mình nhận được kết quả dương tính với SARS-CoV-2, có những khi cảm thấy người mình đang sốt cao nhưng cặp nhiệt độ thì lại cho kết quả bình thường.

Điều trị bệnh nhân nhiễm Covid-19 tại TP HCM.

Hậu phương vững chắc, tiền tuyến mới vững vàng

Căng thẳng được xem như một trong những rối loạn nhất thường gặp đối với nhân viên y tế trong mùa dịch bệnh, căng thẳng có thể đến bởi những áp lực của cơ thể như chịu nóng trong bộ đồ bảo hộ, nhiều công việc cần giải quyết, không có thời gian nghỉ ngơi. Ngoài ra, căng thẳng cũng đến bởi những áp lực tinh thần từ người bệnh, người được cách ly, nỗi nhớ gia đình, người thân hay vì các nhân viên y tế luôn trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu hoặc cảm giác bất lực vì không cứu được tính mạng của người bệnh.

Bà Phạm Thanh Bình, Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam cho biết: “Công đoàn Y tế đã có nhiều kiến nghị để đảm bảo chế độ chính sách cho các y, bác sĩ tham gia chống dịch. Đồng thời, đề nghị thời gian tham gia chống dịch tuyến đầu tối đa là 2 tháng/đoàn để bảo toàn lực lượng, phục hồi sức khỏe cho anh chị em. Để giảm căng thẳng cho nhân viên y tế tuyến đầu, chúng tôi cũng đề nghị tất cả các tỉnh thành lập các trung tâm tư vấn tâm lý, đường dây nóng để hỗ trợ nhân viên y tế, giao cho các bệnh viện trung ương làm đầu mối để tham mưu”.

Trực tiếp quản lý, điều hành Trung tâm Hồi sức Covid-19 tại Long An, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Công Hoàng - Giám đốc bệnh viện Trung ương Thái Nguyên hoàn toàn hiểu rõ tầm quan trọng của việc đảm bảo sức khỏe, tinh thần cho đội ngũ y bác sĩ trên đầu chiến tuyến.

Ông Hoàng cho biết: “Để đảm bảo sức chiến đấu của nhân viên y tế, cần thiết đảm bảo được quân số đẩy đủ, điều này sẽ không gây áp lực lên cả hệ thống. Chúng tôi đã có kế hoạch luân chuyển quân rõ ràng và bài bản. Trong lúc này, không thể để các thầy thuốc gục ngã vì quá mệt mỏi hay quá áp lực. Mỗi nhân viên y tế tại Trung tâm Hồi sức Covid-19 Long An đều được nghỉ ngơi sau một quãng thời gian công tác. Bên cạnh đó, chế độ ăn uống đảm bảo dinh dưỡng cho lực lượng y tế cũng rất cần thiết. Quan trọng nhất là hậu phương vững chắc thì tiền tuyến mới được vững vàng. Hơn bao giờ hết, chúng tôi cần sự đồng lòng, ủng hộ của toàn xã hội để thực hiện nhiệm vụ đẩy lùi dịch bệnh”.

Dù đang chịu rất nhiều áp lực, những khi được hỏi, hầu hết các y bác sĩ đều bày tỏ, bảo vệ tính mạng cho người dân, sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường mới là điều tuyệt vời nhất. Trong một tháng nỗ lực chiến đấu tại Trung tâm Hồi sức Covid-19 Bình Dương, điều dưỡng Nguyễn Thị Linh Nhâm không may nhiễm Covid-19, nhưng không vì thế mà chị lùi bước. Điều dưỡng Nhâm đã xin được ở lại tại “vùng đỏ” để tiếp tục hỗ trợ cho đồng nghiệp.

“Nhận được tin mình nhiễm Covid-19, tôi buồn lắm, nhưng thấy mình vẫn khỏe, có lẽ chỉ ở mức độ nhẹ nên tôi đã xin được ở lại trong khu điều trị bệnh nhân nặng, tôi nghĩ, việc mình làm sẽ phần nào làm giảm bớt áp lực, nguy cơ lây nhiễm Covid-19 cho đồng nghiệp. Tôi tin rằng, mỗi chúng ta đều cố gắng thêm một chút thì dịch bệnh sẽ sớm được đẩy lùi, và nhà nhà sẽ lại được đoàn viên”- chị Nhâm nói.

TS Lê Văn Cường, ĐBQH khóa XV, Phó Giám đốc BVĐK tỉnh Thanh Hóa: Cần có chính sách cho đội ngũ thầy thuốc

Hiện nay dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, đặc biệt là tại các tỉnh phía Nam như TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai... Rất nhiều nhân viên y tế đã cùng các lực lượng hỗ trợ khác lên đường vào tâm dịch. Với số lượng bệnh nhân tăng cao, chuyển nặng nhanh do chủng mới Delta, trong điều kiện hệ thống y tế còn rất nhiều khó khăn về con người, về cơ sở vật chất… đặc biệt là ở thời gian đầu nên áp lực mà các nhân viên y tế phải chịu là vô cùng lớn. Hiện nay, dịch Covid-19 đã bắt đầu có xu hướng giảm, nhưng với số lượng bệnh nhân vẫn còn đông, nên áp lực công việc vẫn thường trực đối với các thầy thuốc.

Đã có nhiều giải pháp được các cơ quan chức năng đưa ra để giảm áp lực cho các nhân viên y tế, đơn cử như việc triển khai điều trị F0 tại nhà và ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong phòng, chống dịch.

Để giảm áp lực cho y bác sĩ nên sắp xếp đủ thời gian nghỉ ngơi cho các y, bác sĩ tuyến đầu bằng việc thực hiện phân ca, phân kíp làm việc phù hợp với điều kiện thực tế và đảm bảo luân chuyển nhân lực hợp lý khi lực lượng hỗ trợ giảm xuống. Nên để nhân viên y tế được tập trung thực hiện đúng chuyên môn, những công việc khác như hành chính…có thể để các lực lượng khác hỗ trợ đảm nhiệm. Đồng thời, cần có những chính sách lâu dài cả về mặt vật chất và mặt tinh thần cho các thầy thuốc. Không chỉ cho hiện tại, mà còn cả trong tương lai, trong trường hợp dịch bệnh khác có thể xảy ra.

BS Nguyễn Minh Mẫn, Trưởng Đơn vị tâm lý lâm sàng, BV Đại học Y Dược TPHCM: Đừng để nhân viên y tế kiệt sức

Trong đại dịch Covid-19, căng thẳng không phải là vấn đề của riêng ai, và các nhân viên y tế cũng vậy. Bản thân nhân viên y tế đã có vấn đề căng thẳng như căng thẳng công việc, mất cân bằng về gia đình, công việc, tài chính... cũng như những người bình thường khác. Nhưng trong đại dịch này, áp lực càng gia tăng khiến mức độ căng thẳng của họ cũng tăng theo. Căng thẳng diễn tiến qua 3 giai đoạn: báo động, ứng phó và kiệt sức.

Đối với nhân viên y tế, khi ở trong giai đoạn báo động có thể có dấu hiệu như làm việc nhiều hơn thông thường, cố làm thêm 1 chút, chậm giờ nghỉ ngơi, ăn uống đi một chút, khi sự ứng phó này kéo dài tới một mức nhất định sẽ dẫn tới kiệt quệ, suy sụp. Sự ảnh hưởng của căng thẳng trong giai đoạn kiệt sức có thể kéo dài trong nhiều năm với các vấn đề như rối loạn lo âu, sợ hãi, trầm cảm… Bảo vệ đội ngũ thầy thuốc cũng chính là để bảo đảm cho cuộc chiến chống dịch Covid-19 thành công.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giảm áp lực cho tuyến đầu chống dịch