Giảm hỗ trợ trực tiếp, tăng hỗ trợ gián tiếp

H.Vũ 05/11/2015 07:05

Chiều 4/11, Quốc hội thảo luận ở Hội trường về đánh giá kết quả thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2011-2015, xây dựng và đề xuất chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020. 

Vẫn là chuyện “con cá hay cần câu”

ĐB Dương Hoàng Hương (Phú Thọ) đã chỉ ra nhiều bất cập khiến việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia chưa đạt hiệu quả cao. Theo ĐB, chính sách chưa phù hợp nên đối tượng ỷ lại, níu kéo, trì hoãn thoát khỏi diện thụ hưởng. Quản lý nhà nước trong thực hiện chính sách còn phân tán.

Còn theo ĐB Cao Thị Xuân (Thanh Hóa ), vì mục tiêu thành tích mà địa phương ứng vốn ra trước rồi huy động quá sức dân dẫn đến không bền vững, không hoàn thành mục tiêu. “Tình trạng tái nghèo nhanh do thoát nghèo chưa bền vững khi có đến 181 chính sách giảm nghèo nhưng hiệu quả thấp”- bà Xuân nói.

Nhìn nhận đánh giá qua 5 năm triển khai nhiều chương trình mục tiêu quốc gia phân bổ vốn còn thấp và chưa hợp lý, chủ yếu là ngân sách Trung ương, nhiều chương trình có nhiều bộ ngành cùng tham gia nên nhiều chương trình trùng lắp mục tiêu nhiệm vụ, ĐB Hoàng Việt Phương (Tuyên Quang), ĐB Nguyễn Thị Bích Nhiệm (Yên Bái) cho rằng, xây dựng nông thôn mới là chủ trương đúng, xây dựng nông thôn mới nhằm cải thiện đời sống cho người dân. Tuy nhiên thời gian qua còn phân tán, quá nhiều Ban chỉ đạo tạo nên sự chồng chéo, còn nặng về cấp phát, chủ yếu là “cho cá chứ không cho cần câu” làm người dân ỷ lại, không có ý chí vươn lên.

ĐB Hoàng Việt Phương (Tuyên Quang) phát biểu.

Một loạt những biện pháp đã được các ĐB đưa ra, tuy nhiên việc tránh đầu tư dàn trải được nhiều ĐB cho ý kiến. Theo ĐB Hoàng Việt Phương (Tuyên Quang) cần rà soát danh mục và dự án thành phần, tiêu chí thành phần, ưu tiên công trình cấp thiết liên quan đến điện đường trường trạm, tránh đầu tư dàn trải phân tán không hiệu quả.

“Giảm nghèo tập trung vào vùng sâu vùng xa, còn nông thôn mới phải tập trung cho xã khá chứ đi vào xã kém là khó vì nơi này cần nguồn lực rất lớn. Đồng thời cần giao cho địa phương phân cấp các dự án thành phần để tránh trùng lắp bởi địa phương nắm chắc nhất dân cần gì? cũng như giảm nghèo cần cơ chế chính sách hỗ trợ để người ta chủ động thoát nghèo thông qua các chính sách vay vốn” - ông Phương bày tỏ.

Theo ĐB Khúc Thị Duyền (Thái Bình) cần phân bổ vốn tập trung cho xã nhiều tiêu chí và về đích nhanh, còn quản lý nguồn lực nên phân cấp cho địa phương vì họ sát cơ sở biết xã nào cần gì, thì phân bổ vốn mới sát. Bà Duyền cũng đề nghị, giảm nghèo nên có cách phân loại hộ nghèo chuẩn xác thì đề ra chính sách mới sát hơn.

“Nhiều hộ nghèo giấu thu nhập nên kê khai khó, vì người ta muốn nhận nghèo để được hỗ trợ. Vì thế nên giảm hỗ trợ mà tăng vốn vay để người nghèo vươn lên thoát nghèo nâng cao thu nhập”- theo bà Duyền.

“Thiết kế chính sách gắn với trách nhiệm, tránh ỷ lại, không chồng chéo trùng lắp, đảm bảo rõ ràng, rành mạch trong phân công trách nhiệm gắn với phân cấp mạnh mẽ. Song cần đột phá lớn hơn về cơ chế chính sách nhằm thu hút đầu tư huy động nguồn lực để đảm bảo tính khả thi”-ĐB Dương Hoàng Hương (Phú Thọ) đưa ra giải pháp đề nghị Chính phủ cần thực hiện trong thời gian tới.

Trong khi đó, ĐB Phạm Đức Châu (Quảng Trị) cho rằng, muốn giảm nghèo bền vững là phải có việc làm. Chỉ ra nhiều dự án tái định cư nhưng người dân không đến ở vì không có đất để sản xuất, theo ông Châu, giảm nghèo bền vững phải tập trung vào chương trình định canh định cư, khai hoang sản xuất cũng như vay vốn chứ không nên chỉ tập trung vào xây nhà ở.

Cân nhắc mục tiêu

Dẫu đồng tình với việc giai đoạn 2016-2020 để lại 2 chương trình mục tiêu quốc gia, là Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, song nhiều ĐB đề nghị, cần xác định lại mục tiêu bởi khó có khả năng thực hiện.

ĐB Lê Công Đình (Long An) phân tích: Đến hết quý 3 năm 2015 chương trình xây dựng nông thôn mới mới đạt 12,7%, đây là tỷ lệ còn thấp so với kế hoạch là 20%. Cho nên cần xem lại chỉ tiêu đạt 50% vào năm 2020, bởi hiện vấn đề đầu tư công đang thu hẹp do ngân sách khó khăn.

Theo ĐB Nguyễn Thị Bích Nhiệm (Yên Bái) thì mục tiêu đề ra năm 2020 là 50% quá lớn, vì 5 năm nữa là khó khả thi. Do vậy mục tiêu chung của cả nước là 40%, còn đối với huyện nghèo và hải đảo thì 25% là phù hợp. Song cần phát huy sức mạnh trong dân, nghiên cứu phân loại có tiêu chí riêng về hộ nghèo. Có như vậy mới thực hiện được mục tiêu giảm nghèo bền vững. ĐB Khúc Thị Duyền (Thái Bình) cũng bày tỏ quan điểm đồng tình xem xét lại mục tiêu và đề nghị nghiên cứu lại.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giảm hỗ trợ trực tiếp, tăng hỗ trợ gián tiếp

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO