Tuần qua, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã đề nghị các ngân hàng thương mại hạ thêm 0,5% lãi vay trung, dài hạn để giúp đỡ doanh nghiệp. Tuy nhiên, vì nhiều lý do trong hoạt động kinh doanh và tình hình “sức khỏe” khiến không phải ngân hàng nào cũng hào hứng với việc giảm lãi vay. Song, suy cho cùng “nước nổi thì thuyền nổi”, việc giảm lãi suất cho vay cần được coi là cái bắt tay cần thiết của ngân hàng và doanh nghiệp.
Ảnh minh họa.
Trên thực tế, một số ngân hàng lớn cho biết sẽ giảm lãi vay theo chủ trương của Ngân hàng Nhà nước. Chẳng hạn như 3 anh cả trong làng ngân hàng là Ngân hàng VietinBank, BIDV và Vietcombank đã đồng thời hạ lãi suất cho vay thêm khoảng 0,5%/năm, áp dụng lãi suất trung, dài hạn tối đa 10% đối với các doanh nghiệp. Nhưng tại thời điểm này, nhiều ngân hàng thương mại cổ phần lại có vẻ đắn đo.
Lãnh đạo một ngân hàng TMCP cho hay: Các ngân hàng cũng có nhiều vấn đề phải lo lắng. Hiện lợi nhuận của nhiều ngân hàng đang bị “ngốn”, bởi trích lập dự phòng rủi ro nợ xấu. Chấp nhận để lãi vay giảm không chỉ ảnh hưởng đến lợi nhuận, mà còn đến cả sức khỏe của ngân hàng, cho nên dù muốn thì lãi suất cho vay cũng khó hạ được ngay. Hiện nay giá vốn của các ngân hàng TMCP dao động ở mức 6-7%năm.
Phản ánh của cộng đồng doanh nghiệp, hiện nay mức lãi suất mà doanh nghiệp tiếp cận vẫn khá cao. Ông Lê Quý Lâm- Giám đốc Công ty TNHH Trung Kiên (Phú Thọ) nhận xét: “Nhiều ngân hàng đưa ra các gói vay lãi suất 6-7%/năm, nói thì hay, nhìn thì hấp dẫn nhưng thực tế rất khó vay. Như doanh nghiệp chúng tôi chưa tiếp cận được vốn của ngân hàng nào với mức lãi suất như vậy. Hiện các doanh nghiệp trên địa bàn chúng tôi đang phải vay vốn với lãi suất cao hơn từ 10 - 11%. Ngay cả với mức lãi suất này, chúng tôi vẫn chấp nhận nhưng để vay được vốn là rất khó”.
Cũng theo Ngân hàng Nhà nước, lãi suất cho vay các lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường dao động từ 6,8 - 9%/năm đối với ngắn hạn, và 9,3 - 11%/năm đối với trung và dài hạn. Phía NHNN cho rằng, đây được cho là tín hiệu tích cực đối với thị trường vốn nói chung đồng thời giúp giảm áp lực tăng lên lãi suất huy động và lãi suất liên ngân hàng thời điểm này. Nhưng mức lãi suất được hỗ trợ này được doanh nghiệp có thể chấp nhận hay không lại là chuyện khác.
Trả lời Đại Đoàn Kết, chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành cho rằng, với mức lãi suất phổ biến 10% ít doanh nghiệp nào tồn tại và phát triển được. Con số 10% là tính chung, như vậy sẽ có rất nhiều khoản vay cao hơn mức lãi suất này. Vẫn theo ông Thành, việc giảm lãi suất là nên làm để hỗ trợ, đồng hành doanh nghiệp và cũng là để ngân hàng phát triển bền vững. Và nếu như trước đây, ngân hàng giảm lãi suất được coi là động thái để ngân hàng cứu chính mình, chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, thì đợt giảm lãi suất tiến hành lần này vì mục tiêu cao hơn và chung hơn. Nói như Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng thì ngân hàng luôn đồng hành cùng các doanh nghiệp. Điều này thể hiện qua mặt bằng lãi suất.
Đó là điều đáng quý, tuy nhiên với doanh nghiệp lãi suất cho vay chỉ là một phần, còn thì họ vẫn vướng việc xử lý nợ xấu, tháo gỡ rào cản về tài sản đảm bảo khi vay vốn... Có như thế doanh nghiệp mới thực sự tìm được đòn bẩy kinh tế để phát triển. Ông Tô Hoài Nam, Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng cho rằng, dù lãi suất đã giảm, song vẫn cao hơn nhiều nước trong khu vực, làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp. Theo ông Nam, lãi suất cho vay nên đưa về mức 6-7%/năm.
Đồng quan điểm, TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, mức giảm lãi suất cho vay hiện nay chưa đủ sức tạo đà cho doanh nghiệp lớn mạnh. Nếu muốn kích cầu tín dụng, đưa dòng vốn chảy đúng địa chỉ vào lĩnh vực kinh doanh sản xuất, lãi suất cho vay phải đưa xuống thấp hơn mức 10%. Tuy nhiên, để làm được điều này, Chính phủ sẽ phải giải bài toán vừa kéo giảm lạm phát, vừa phải giữ được tốc độ tăng trưởng kinh tế. Nhưng riêng với việc giảm lãi suất cho vay, dù muộn, dù khó thì cũng phải làm, doanh nghiệp luôn cần được tạo lực để hội nhập, để lớn mạnh.