Các hộ nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp tham gia chuỗi liên kết sản xuất thực hiện theo đề án 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp đều có thể được vay vốn với mức lãi suất thấp hơn 1%/năm, không cần thế chấp và được vay trung dài hạn.
Ưu đãi kép
Nhằm mục tiêu trở thành quốc gia tiên phong trong sản xuất lúa chất lượng cao, phát thải thấp, tạo ra những bước đi vững chắc, mang tính đột phá cho ngành lúa gạo Việt Nam, đáp ứng yêu cầu của xu thế quốc tế mới, khẳng định và giữ vững vị thế của thương hiệu gạo Việt trên thị trường quốc tế, ngày 27/11/2023,Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 1490 phê duyệt đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đến năm 2030”.
Ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam cho hay, hiện phía NHNN gửi văn bản đến các tổ chức tín dụng và NHNN chi nhánh các tỉnh vùng ĐBSCL hướng dẫn triển khai chương trình này. Đảm bảo đúng chính sách, quy định, những đối tượng được thụ hưởng và những nội dung được đặt ra như giảm tối thiểu 1% so với lãi suất hiện hành cũng như cơ chế về hạn mức tín dụng cho doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ dân, cho vay không tài sản đảm bảo, trên cơ sở quản lý được dòng tiền, các thành viên tham gia chuỗi liên kết chặt chẽ sẽ giảm thiểu những yêu cầu cần thiết về tài sản đảm bảo.
Đồng quan điểm, bà Phùng Thị Bình - Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) cho biết, tài trợ cho một chuỗi khép kín từ hộ nông dân, các đơn vị cung cấp nguyên vật liệu đầu vào, các doanh nghiệp đầu mối thu mua chế biến xuất khẩu và điều kiện vay vốn như chính sách về bảo đảm tiền vay hay liên quan đến phí dịch vụ chuyển tiền… có thể được ưu đãi hơn nữa. Trong giai đoạn thí điểm, sẽ có khoảng 30.000 tỷ đồng vốn vay ưu đãi được Agribank bố trí cho vay theo đề án. Nếu giải ngân hết sẽ tiếp tục mở rộng gói vay không giới hạn.
Thông tin từ Agribank, những đối tượng được vay là các cá nhân, hộ nông dân tham gia liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm lúa gạo; tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp có tên trong danh sách tham gia liên kết lúa gạo do Bộ NNPTNT công bố.
Trong khi đó, theo bà Hà Thu Giang - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN), nguồn tín dụng đối với ngành lúa gạo vùng ĐBSCL đạt khoảng 124.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 53% dư nợ tín dụng lúa gạo toàn quốc. Chương trình cho vay theo đề án 1 triệu ha được chia làm 2 giai đoạn, trong đó giai đoạn thí điểm từ nay tới cuối năm 2025 do Agribank chủ lực cho vay và giai đoạn mở rộng từ khi kết thúc thí điểm tới năm 2030 tại các tổ chức tín dụng khác. Thời hạn cho vay đáp ứng nhu cầu vốn ngắn, trung, dài hạn của tất cả các khâu từ sản xuất, thu mua, chế biến, tiêu thụ trong nước và xuất khẩu trong liên kết lúa gạo.
Chia sẻ dưới góc độ doanh nghiệp, bà Tạ Thu Thủy - Giám đốc Công ty TNHH xuất nhập khẩu Phương Thanh (Đồng Tháp) nêu ý kiến, về phía doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh lúa gạo đang rất cần tài chính kịp thời, có thể vay trung, dài hạn để giảm đi phần vay ngắn hạn mà phải loay hoay lo nguồn vay đáo hạn hoặc là nguồn tạm trữ đủ đảm bảo trong việc xuất khẩu.
Đề án đầu tiên trên thế giới
Được biết, Ngân hàng Thế giới (WB) đánh giá cao về đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao ở vùng ĐBSCL. Ông Trần Thanh Nam - Thứ trưởng Bộ NNPTNT cho biết, đây là đề án đầu tiên trên thế giới về sản xuất 1 triệu ha lúa gạo chất lượng cao, phát thải thấp nên nhận được rất nhiều sự quan tâm của các đối tác quốc tế. Đề án đã tạo sự khích lệ đối với nông dân và doanh nghiệp đang tham gia phát triển ngành hàng lúa gạo ở vùng ĐBSCL nói riêng và ngành lúa gạo cả nước nói chung.
Ông Nam cho biết thêm, mục đích chính của đề án này là tổ chức lại sản xuất lúa gạo ở ĐBSCL nhằm nâng cao thu nhập cho nông dân, cho nên trong sản xuất lại chuỗi liên kết thì khó nhất là chuyển đổi tư duy của người sản xuất và người kinh doanh. Chính vì vậy, Bộ NNPTNT đã khẩn trương cùng 12 tỉnh rà soát toàn bộ hiện trạng hạ tầng sản xuất vùng dự án, nhất là hạ tầng thủy lợi nhằm đáp ứng yêu cầu tưới tiêu chủ động, hạ tầng hỗ trợ vận chuyển, cơ giới hóa đồng bộ tạo điều kiện thuận lợi cho áp dụng quy trình kỹ thuật sản xuất lúa chất lượng cao, phát thải thấp. Các địa phương tham gia đề án, đảm bảo phù hợp với các quy hoạch vùng, quy hoạch ngành và quy hoạch tỉnh; bảo đảm thống nhất, không chồng chéo với các dự án mà các cơ quan trung ương và địa phương đã, đang và sẽ triển khai đầu tư về thích ứng với biến đổi khí hậu tại vùng ĐBSCL.
Ở góc độ địa phương, lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp chia sẻ, Đồng Tháp là địa phương tham gia đề án đến năm 2030 sẽ đạt trên 160.000ha. Đề án không chỉ giúp nông dân nâng cao thu nhập, phát triển bền vững ngành hàng lúa gạo mà còn mang lại niềm tự hào cho đất nước, cho nông dân về đóng góp trong đảm bảo an ninh lương thực thế giới, tạo ra sản phẩm lúa gạo chất lượng, cũng như bảo vệ môi trường.