Kinh tế

Triển vọng từ trồng lúa bán tín chỉ carbon

HÀ AN 07/09/2024 09:20

Theo các chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp và môi trường, trồng lúa giảm phát thải, bán được tín chỉ carbon sẽ góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất thông minh, thích ứng biến đổi khí hậu, giảm tác động đến môi trường; đồng thời giúp sản xuất bền vững và nâng cao vị thế của gạo Việt Nam trên thị trường trong thời gian tới.

tren(1).jpg
Những cánh đồng lúa tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: N.A.

Tăng thêm nguồn thu

Tại buổi gặp mặt Đoàn đại biểu Quốc hội của 12 tỉnh, thành phố thuộc vùng Đề án phát triển bền vững 1 triệu hecta lúa chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030 (Đề án) do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) Lê Minh Hoan chủ trì mới đây, ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ NNPTNT) nhấn mạnh, nếu Đề án được thực hiện thành công sẽ là một cuộc cách mạng về sản xuất lúa gạo.

Đề án sẽ triển khai nhiều công việc đồng bộ từ hạ tầng, phương thức canh tác, cơ giới hóa… đồng thời, tổ chức lại sản xuất, tăng cường liên kết giữa người dân, hợp tác xã, doanh nghiệp, thương lái để giảm rủi ro về giá cả, thị trường. Theo ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, đây là chương trình sản xuất lúa giảm phát thải quy mô lớn nhất thế giới từ trước đến nay. Nhiều quốc gia đều ngỏ ý quan tâm và muốn lấy Việt Nam làm mô hình học hỏi.

Theo đó, đề án đặt mục tiêu đến năm 2025, 12 tỉnh, thành trong vùng đồng bằng sông Cửu Long trồng 180.000 ha lúa phát thải thấp và thí điểm cấp tín chỉ carbon cho vùng đạt chuẩn. Đến năm 2030, vùng mở rộng thêm 820.000 ha lúa phát thải carbon thấp. Đề án cũng đưa ra mục tiêu giảm 30% chi phí đầu vào, góp phần giảm 20% chi phí sản xuất lúa cho các hộ nông dân, tỷ suất lợi nhuận của người trồng lúa tăng 50%; góp phần giảm 10% lượng khí nhà kính phát thải.

Phân tích rõ hơn, bà Hà Thị Nga - Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Ủy viên Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp chia sẻ, mục tiêu kép của Đề án là giúp người nông dân giảm thiểu lượng khí nhà kính phát thải. Thực hành đúng, bà con có thể có thêm một nguồn thu nữa từ tín chỉ carbon. Điều này không chỉ giúp tăng thu nhập cho nông dân mà còn giúp gạo của Việt Nam có được sự ưu tiên hơn khi xuất khẩu ra các thị trường trên thế giới, giúp nâng tầm lúa gạo của Việt Nam.

Bộ trưởng NNPTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh, ngành nông nghiệp cần tranh thủ mọi nguồn lực để nhanh chóng phát huy hiệu quả Đề án tại từng địa phương.

Đồng thời đẩy mạnh hợp tác, liên kết, chuẩn hóa tất cả quy trình canh tác lúa; qua đó, doanh nghiệp, người nông dân cần tuân thủ đúng quy trình để ngành trồng lúa hướng đến giảm chi phí, giảm phát thải carbon, tăng lợi nhuận.

Thực tế cho thấy, trồng lúa giảm phát thải, bán được tín chỉ carbon là hướng đi đúng đắn của ngành nông nghiệp; góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất thông minh, thích ứng biến đổi khí hậu, giảm tác động đến môi trường; giúp sản xuất bền vững và nâng cao vị thế của gạo Việt Nam trên thị trường trong thời gian tới.

Trao đổi tín chỉ carbon từ các mô hình sản xuất lúa phát thải thấp

Về việc khai thác tín chỉ carbon từ Đề án phát triển bền vững 1 triệu hecta lúa chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, nhóm nghiên cứu của trường Đại học Kinh tế Quốc dân đề xuất, Việt Nam cần có cơ chế trao đổi tín chỉ carbon và hình thành thị trường tín chỉ carbon cho các mô hình sản xuất lúa phát thải thấp. Doanh thu từ việc trao đổi tín chỉ carbon có thể dùng để tái dầu tư vào mô hình sản xuất và tạo động lực cho người nông dân.

Theo nhóm nghiên cứu, thị trường carbon với quy mô rộng lớn, phức tạp thường sẽ mang lại nhiều hiệu quả hơn nhưng đồng thời đòi hỏi sự chuẩn bị và cơ sở pháp lý, kỹ thuật chi tiết, chặt chẽ. Để triển khai thị trường carbon, cần có một hệ thống thuế, phí và mua bán hạn ngạch. Việc này đòi hỏi phải thực hiện trong thời gian dài. Vì vậy, ở giai đoạn ban đầu, nhóm nghiên cứu khuyến nghị, Việt Nam có thể áp dụng bài học từ Thái Lan khi thiết lập các cơ chế trao đổi tín chỉ carbon tự nguyện cho ngành lúa gạo, trước khi triển khai thị trường carbon bắt buộc.

Nhóm nghiên cứu cũng cho rằng, thị trường carbon và các cơ chế bù trừ tín chỉ carbon là lĩnh vực rất mới, đặc biệt đối với ngành nông nghiệp nói chung và trồng lúa nói riêng. Vì vậy, nâng cao nhận thức của người nông dân về lợi ích của việc tham gia vào các chương trình này. Chưa hết, nhóm nghiên cứu cũng chỉ ra, cơ quan chức năng cần cung cấp những khóa đào tạo, tập huấn, chia sẻ kinh nghiệm cho doanh nghiệp và người nông dân về tín chỉ carbon cũng như cách thức vận hành của các cơ chế bù trừ, trao đổi carbon. Bên cạnh đó, cần triển khai các hệ thống đo lường, giám sát, cơ sở hạ tầng kỹ thuật để người dân thuận tiện trong việc tiếp cận tín chỉ carbon.

Trong khi đó, TS Trần Đại Nghĩa, Trưởng ban Kinh tế tài chính và tài nguyên môi trường, Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ NNPTNT) đưa ra một số khuyến nghị để ngành lúa gạo có thể bán được tín chỉ carbon trong thời gian tới. Cụ thể, cần hoàn thiện khung pháp lý cho vận hành thị trường carbon nội địa và quốc tế. Xây dựng hệ thống đăng ký tài khoản phát thải, giảm phát thải quốc gia và quốc tế, trong đó ưu tiên thử nghiệm cho lĩnh vực lâm nghiệp. Đặc biệt, cần ưu tiên các dự án tạo tín chỉ carbon.

Hiện tại, Việt Nam đang lên kế hoạch tập trung xây dựng các hệ thống pháp lý để quản lý tín chỉ, trao đổi và vận hành thử nghiệm trên sàn giao dịch carbon trong giai đoạn từ nay đến năm 2027. Từ năm 2028 trở đi, Việt Nam sẽ tổ chức vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon chính thức. Chính vì vậy, nhóm nghiên cứu của Trường Đại học Kinh tế quốc dân cho rằng, đối với mô hình trồng lúa carbon thấp, cần phải đưa ra một lộ trình cụ thể tương ứng với thời điểm triển khai thị trường carbon trong nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Triển vọng từ trồng lúa bán tín chỉ carbon