Tại tọa đàm “Tín chỉ carbon và nguồn nhân lực cho thị trường tín chỉ carbon” diễn ra mới đây, các chuyên gia cho biết, năm 2023, Việt Nam đã chuyển nhượng thành công hơn 10 triệu tín chỉ carbon và thu về hơn 50 triệu USD. Đây là tiền đề để nhiều tổ chức, cá nhân và địa phương quan tâm đến thị trường tín chỉ carbon vốn giàu tiềm năng.
Tiến sĩ (TS) Nguyễn Trung Đông - Hiệu trưởng Trường Chính sách công và Phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, Việt Nam hiện đã ban hành các văn bản quan trọng như Nghị định 06/2022/NĐ - CP về giảm phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng Ozon. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang triển khai dự án mua bán tín chỉ carbon rừng, theo thỏa thuận mua bán giảm phát thải vùng Tây Nguyên, Nam Trung Bộ (ERPA). Hiện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đang triển khai Đề án phát triển bền vững 1 triệu héc ta lúa chất lượng cao với mục tiêu giảm phát thải carbon của quốc gia.
Vẫn theo ông Đông, mặc dù tiềm năng phát triển thị trường tín chỉ carbon tại Việt Nam rất lớn, nhưng hiện nay chúng ta đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Trong lĩnh vực thị trường tín chỉ carbon, mỗi ngành nghề, mỗi lĩnh vực đều có những đặc thù riêng. Vì vậy, việc đào tạo, nâng cao hiểu biết về khả năng hấp thụ và giảm thải carbon của từng loại cây trồng là vô cùng cần thiết.
TS Lê Hoàng Thế, người sáng lập Công ty TNHH Hệ sinh thái The Vos, đồng thời là một chuyên gia trong lĩnh vực tín chỉ carbon cho biết, Việt Nam là một trong những quốc gia có tiềm năng lớn về cung ứng tín chỉ carbon. Riêng lĩnh vực lâm nghiệp đã có khả năng cung cấp 57 triệu tín chỉ carbon, tương đương 52 triệu tấn CO2, có thể bán ra cho các tổ chức quốc tế. Việt Nam có địa hình trải dài qua 16 độ vĩ tuyến, không chỉ có trữ lượng lớn về tín chỉ carbon mà còn có thể phát triển loại tín chỉ carbon siêu cấp, gọi là organic carbon.
Ông Thế cho biết, qua thống kê, hiện Việt Nam cần khoảng 150.000 lao động chuyên nghiệp, có kiến thức chuyên sâu về cơ chế thẩm định, lập hồ sơ liên quan, kê khai và đánh giá các loại tín chỉ carbon. Trong đó, việc đào tạo thẩm định viên carbon có chuyên môn và chứng nhận quốc tế là một mắt xích quan trọng giúp vận hành thị trường tín chỉ carbon.
Ông Trần Minh Hải - Phó Hiệu trưởng Trường Chính sách công và Phát triển nông thôn chia sẻ, để phát triển nguồn nhân lực phục vụ thị trường tín chỉ carbon, nhà trường đang liên kết với một số đơn vị để đào tạo nguồn nhân lực về tín chỉ carbon. Tuy nhiên, số lượng chuyên gia về tín chỉ carbon còn khiêm tốn so với nhu cầu lớn của Việt Nam. Vấn đề này xuất phát từ việc nước ta mới tham gia vào lĩnh vực tín chỉ carbon, các nguồn lực, công nghệ liên quan đa số phụ thuộc hoàn toàn vào quốc tế.
Theo ông Hải, một số tổ chức, cá nhân ở vùng sâu, vùng xa cũng có nhu cầu tiếp xúc với thị trường tín chỉ carbon nhưng chi phí đào tạo, khả năng cung cấp tại chỗ hạn chế. Điều này đặt ra áp lực không nhỏ cho những cơ sở, viện nghiên cứu khoa học công lập, nhất là trong bối cảnh Việt Nam hướng tới trung hòa giảm phát thải vào năm 2050 theo cam kết tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26). Vì thế, trong thời gian tới, doanh nghiệp nào chủ động được nguồn nhân lực cho thị trường tín chỉ carbon sẽ có những ưu thế khi tham gia vào lĩnh vực kinh tế xanh nói chung, bán tín chỉ carbon nói riêng.
Với quan điểm “muốn phát triển xanh, con người phải là trọng tâm”, GS.TS Võ Xuân Vinh - Viện Nghiên cứu Kinh doanh, Đại học Kinh tế TPHCM nhấn mạnh, Việt Nam cần đào tạo và nâng cao trình độ nguồn nhân lực để thực hiện hiệu quả quy trình liên quan đến carbon. Ngoài ra, các viện nghiên cứu cần tham gia vào mạng lưới đào tạo quốc tế về tín chỉ carbon nhằm hỗ trợ Chính phủ trong việc thực hiện chính sách tăng trưởng xanh.
Các chương trình đào tạo và dịch vụ hỗ trợ thị trường tín chỉ carbon không chỉ trang bị kiến thức, kỹ năng mà còn giúp đảm bảo sự tham gia hiệu quả của Việt Nam vào thị trường này. Vì vậy, việc tiếp tục đầu tư vào đào tạo, mở rộng hợp tác quốc tế và phát triển các dịch vụ liên quan là cần thiết để Việt Nam vừa thực hiện được các cam kết quốc tế vừa khai thác hiệu quả các cơ hội từ thị trường tín chỉ carbon, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải toàn cầu, thúc đẩy phát triển bền vững. Tham gia vào các mạng lưới và chương trình đào tạo của những tổ chức quốc tế sẽ giúp Việt Nam không chỉ nâng cao kiến thức mà còn thiết lập các mối quan hệ đối tác chiến lược.
Tín chỉ carbon là chứng nhận có thể giao dịch thương mại và thể hiện quyền phát thải một lượng khí CO2 hoặc một lượng khí nhà kính khác quy đổi sang CO2 tương đương. Một tín chỉ tương đương với 1 tấn CO2 hoặc 1 tấn CO2 quy đổi tương đương. Theo lộ trình, thị trường carbon trong nước sẽ thí điểm từ năm 2025, vận hành chính thức từ năm 2028.