Đó là câu hỏi mà các chuyên gia cũng như doanh nghiệp đưa ra khi nhiều ngân hàng quyết định giảm lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp. Một số chuyên gia cho rằng, tác động của việc giảm lãi suất chỉ mang tính tượng trưng, chưa phổ quát và lan rộng.
Bắt đầu từ ngày 1/8, nhiều ngân hàng hạ lãi suất cho vay một số lĩnh vực ưu tiên về 5,5%/năm, thời gian ưu đãi từ ngày 1/8 đến 31/12/2019. Lãi suất ưu đãi này được áp dụng cho tất cả các khoản cho vay hiện hữu và các khoản cho vay mới thuộc các lĩnh vực ưu tiên, bao gồm: Phát triển nông nghiệp, nông thôn theo quy định của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; Thực hiện phương án kinh doanh hàng xuất khẩu theo quy định tại Luật Thương mại và các văn bản hướng dẫn Luật Thương mại.
Nhiều doanh nghiệp cho rằng, họ rất cần nguồn vốn giá rẻ để tái đầu tư sản xuất kinh doanh, nhất là trong bối cảnh giá nhiều mặt hàng đầu vào đang tăng cao. Còn giới chuyên gia cho rằng việc các ngân hàng giảm lãi suất sẽ có tác động trong việc hỗ trợ doanh nghiệp thông qua việc giảm một phần chi phí lãi vay, đồng thời, tăng niềm tin của doanh nghiệp vào sản xuất kinh doanh, thúc đẩy kinh tế phát triển, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.
Thế nhưng thực tế luôn khác với lý thuyết, cộng đồng doanh nghiệp đánh giá việc giảm lãi suất cần thực chất hơn, thay vì chỉ mang tính kêu gọi. Bởi thời gian qua, việc giảm lãi suất cũng đã nhiều lần được thực hiện nhưng chỉ xôn xao trong thời gian ngắn, sau đó trở nên trầm lắng và lãi suất vẫn theo xu hướng tăng thay vì giảm.
Theo khảo sát của PV, mặt bằng lãi suất của các ngân hàng vẫn giữ ở mức cao. Theo đó, lãi suất kỳ hạn 1 năm được nhiều ngân hàng niêm yết ở mức 8 - 8,5%/năm
Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) cho hay, hiện tại, OCB vẫn chưa thể giảm lãi suất do lãi suất đầu vào chưa giảm. Cũng theo ông Tùng, vừa qua, lãi suất ở một số ngân hàng giảm, nhưng cũng chỉ giảm với những đối tượng ưu tiên.
Còn ông Đào Gia Hưng, Phó giám đốc Khối doanh nghiệp nhỏ và vừa của Ngân hàng VPBank - ngân hàng vừa giảm 1% lãi suất cho vay với doanh nghiệp xuất nhập khẩu - cho hay, chỉ những khách hàng đáp ứng đủ điều kiện mới được giảm lãi suất.
Nhìn chung mặt bằng lãi suất cho vay của Việt Nam hiện tại đang cao so với các nước trong khu vực và thế giới. Điều này ảnh hưởng đến giá thành, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia ngân hàng, cho rằng chưa có nhiều dấu hiệu lan toả từ động thái kêu gọi của NHNN. Vì thế, trong năm nay, mặt bằng lãi suất chỉ có thể giữ được ở mức như hiện tại, khó giảm xuống.
Giới chuyên gia cho rằng thời gian tới, tình hình ổn định trở lại, các chỉ số thành phần như: Tỷ giá, xuất nhập khẩu, tăng trưởng kinh tế… ổn định, nhất là lạm phát thấp thì NHNN có thể giảm lãi suất điều hành, lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu để hạn chế dư thừa cung ứng tiền tệ vận hành trong nền kinh tế; hoặc thông qua thị trường mở (OMO) để bán ra một lượng trái phiếu Chính phủ, tín phiếu NHNN nhằm hút dòng tiền vào nếu như lượng cung ứng tiền tệ dư thừa do việc giảm lãi suất mang lại.
Trong khi đó theo chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp đồng bộ với các chính sách kinh tế vĩ mô khác, bảo đảm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu; tăng trưởng tín dụng phù hợp, đi đôi với kiểm soát chất lượng tín dụng, đáp ứng nhu cầu vốn cho phát triển kinh tế; củng cố dự trữ ngoại hối Nhà nước phù hợp với điều kiện thực tế.