Rõ ràng nhờ có những chính sách hỗ trợ đột xuất từ Chính phủ, những chính sách giảm nghèo dài hạn nên mặc dù chịu tác động kép từ thiên tai, mưa đá và dịch Covid-19 nhưng an sinh xã hội vẫn đảm bảo, cuộc sống của người dân ổn định.
Tuy nhiên theo các chuyên gia để tiến tới xây dựng được hệ thống an sinh xã hội đa tầng và ổn định thì giảm nghèo bền vững là một trong những trụ cột vô cùng quan trọng. Do đó giảm nghèo giai đoạn 2021-2025 cần phải có những đổi mới mang tính đột phá trong đó cần phải nâng chuẩn nghèo thu nhập và coi việc làm là tiêu chí quan trọng trong công tác giảm nghèo.
Thách thức đến từ chính sách
Tại cuộc họp mới đây về lấy ý kiến các địa phương cho dự thảo về giảm nghèo đa chiều trong giai đoạn từ 2021-2025, đánh giá về công tác giảm nghèo giai đoạn 2016-2020, nhiều địa phương đã thẳng thắn cho rằng, với các chính sách giảm nghèo đã được triển khai trong những năm qua, thu nhập của đại đa số người dân đã được nâng lên đáng kể nhờ đó tỷ lệ hộ nghèo giảm rõ rệt.
Tuy nhiên kết quả giảm nghèo vẫn chưa bền vững, tỷ lệ hộ nghèo người DTTS vẫn còn rất cao; trong khi đó việc xây dựng và thực thi chính sách giảm nghèo nói chung còn có những “lỗ hổng” nhất định. Trong đó việc áp chỉ tiêu giảm nghèo tại nhiều địa phương đã tạo lên những cuộc đua về thành tích giảm nghèo không thực chất.
Cùng với “căn bệnh” thành tích, thì kết quả rà soát hộ nghèo giai đoạn 2016 - 2020, theo bộ tiêu chí đo lường đa chiều đã bộc lộ nhiều bất cập. Thậm chí ở nhiều địa phương đến nay vẫn còn lúng túng trong công tác rà soát vì sự thiếu thống nhất không chặt chẽ trong thang điểm.
Và hệ lụy của nó là đã dẫn đến tình trạng tạo điều kiện cho không ít hộ tìm cách để trở thành hộ nghèo. Đã có không ít các trường hợp người dân cố tình giấu tài sản, chuyển nhượng hoặc bán đi để giảm điểm; hoặc hộ có khả năng nhưng không xây nhà, không mua sắm tài sản, dẫn đến số điểm chấm đạt thấp và đương nhiên, họ thuộc diện hộ nghèo hoặc hộ cận nghèo.
Thực tế cho thấy, chính sách hỗ trợ giảm nghèo của nước ta thời gian qua được thiết kế theo hướng ai nghèo cũng được hỗ trợ. Đây là sự nhân văn, ưu việt trong thiết kế chính sách tất cả vì người dân của Đảng và Nhà nước, nhưng điều này cũng khiến hiệu quả của việc giảm nghèo có lúc, có nơi phản tác dụng, tạo cớ cho người nghèo lười lao động.
Điều này cũng được Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Lê Văn Thanh thừa nhận, bên cạnh những mặt đạt được khi thực hiện chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020, thì vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Chuẩn nghèo theo tiêu chí thu nhập được duy trì trong 5 năm liên tục không cập nhật chỉ số giá.
Bên cạnh đó, hộ nghèo được tách thành 2 nhóm: hộ nghèo về thu nhập và hộ nghèo về thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản, chưa phù hợp. Một số chỉ số đo lường tiếp cận nghèo đa chiều chưa cụ thể, chưa định lượng nên khó xác định khi thực hiện hoặc không còn phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội giai đoạn tới. Chuẩn nghèo chưa xác định rõ giải pháp tác động đối với nhóm hộ nghèo thuộc đối tượng bảo trợ xã hội làm ảnh hưởng đến hiệu quả thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững của các địa phương…
Tạo việc làm bền vững cho người nghèo
Thực tế dù đã có sự đổi mới tư duy trong chủ trương giảm nghèo theo hướng giảm cho không, tăng cho vay ưu đãi, hỗ trợ có điều kiện, tăng cường đầu tư cho sinh kế là chính, tức là vận hành chính sách theo phương thức Nhà nước và nhân dân cùng làm xong giảm nghèo bền vững vẫn là một bài toán khó đối với Việt Nam hiện nay.
Là người có nhiều năm gắn bó với công tác giảm nghèo, ông Nguyễn Trọng Đàm, nguyên Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH cho rằng, các chính sách giảm nghèo hiện nay mới chỉ dừng lại ở đảm bảo về nhu cầu ăn, ở, thu nhập trước mắt cho người nghèo mà chưa có nhiều những chính sách đầu tư về việc làm cho người nghèo. Trong khi đó Việt Nam là quốc gia nhiệt đới gió mùa, thường xuyên chịu tác động của thiên tai, lũ lụt và biến đổi khí hậu, bởi vậy có một thực tế chỉ sau một trận bão hàng nghìn hộ dân thoát nghèo lại quay về nghèo.
“Năm nay, Việt Nam hứng chịu tác động kép vì cùng lúc phải chịu thiên tai, hạn mặn, mưa đá và cả dịch bệnh Covid -19. Nhờ có những chính sách trợ cấp đột xuất của Trung ương cũng như “bệ đỡ” từ chính sách giảm nghèo nên an sinh xã hội cơ bản đảm bảo, tuy nhiên đó chỉ là giải pháp tình huống. Về lâu dài phải có chính sách vĩ mô, can thiệp chủ động về vấn đề này. Trong đó các chính sách giảm nghèo cần phải lồng ghép vấn đề kiểm soát thiên tai, dịch bệnh biến đổi khí hậu trong các chính sách giảm nghèo. Từ đó, có các phương án xử lý, không bị động khi gặp sự cố khiến các thành tựu giảm nghèo bị xóa sổ.
Trước những mặt được và hạn chế trong công tác giảm nghèo giai đoạn cũ, hiện Bộ LĐTB&XH cũng đã bắt đầu hoàn thiện dự thảo, chuẩn bị trình Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành chuẩn nghèo đa chiều quốc gia áp dụng giai đoạn 2021 - 2025.
Ngoài 5 chỉ số dịch vụ xã hội cơ bản để đo lường: Y tế, Giáo dục, Tin tức, Nước sạch, Nhà ở; dự thảo đề nghị bổ sung thêm tiêu chí việc làm thành 6 tiêu chí.
Ngoài ra, dự thảo cũng đề xuất thêm các chỉ số: Dinh dưỡng; BHYT; trình độ giáo dục của người lớn; tiếp cận việc làm; chỉ số người phụ thuộc trong hộ gia đình.
“Nghèo đa chiều mới sẽ giải quyết các vấn đề, chiều thiếu hụt phát sinh hoặc mới được nhận diện để đảm bảo phù hợp với thực tế, hướng tới mục tiêu hỗ trợ toàn diện, bao trùm người nghèo, người dân sinh sống trên địa bàn nghèo. Đặc biệt sẽ đưa việc làm, tạo việc làm bền vững cho người nghèo là một tiêu chí quan trọng trong quá trình thực hiện nghèo đa chiều. Từ đó giúp họ nâng cao chất lượng cuộc sống vật chất và tinh thần, đáp ứng nhu cầu về điều kiện sống an toàn, tiếp cận, sử dụng hiệu quả các dịch vụ xã hội cơ bản, nâng cao năng lực và thích ứng với biến đổi khí hậu”, Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Lê Văn Thanh cho biết.