Bắt đầu từ tháng 8, học sinh (HS) một số địa phương đã trở lại trường học tập. Cùng với việc nâng cao chất lượng hoạt động dạy học, vấn đề đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) trong trường học cũng là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu được các nhà trường quan tâm thực hiện.
Đảm bảo chất và lượng
Chị Lê Mai Hạnh (quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết năm nay con chị vào lớp 1. Chị cũng đắn đo có nên đăng ký cho con ăn bán trú ở trường không vì nhà chỉ cách trường 500m, đi lại cũng thuận tiện. Quan trọng hơn là con chị Hạnh hơi kén ăn, khi học mẫu giáo nhiều khi chị phải nhờ cô cho con ăn cháo nếu hôm đó cơm ở trường không đúng khẩu vị của con.
Tại Trường THCS Văn Điển (Thanh Trì, Hà Nội), HS đã bắt đầu học câu lạc bộ hè được hơn 1 tuần. Em Nguyễn Minh An, HS lớp 6 có đăng ký ăn bán trú tại trường chia sẻ, so với hồi cấp 1, suất ăn bán trú của trường ngon và nhiều đồ ăn hơn. “Con thích trường mới lắm. Thích nhất là có bữa phụ lúc ngủ dậy nên con không bị đói, mẹ không phải gửi thêm sữa cho con như hồi trước” - Minh An hào hứng kể.
Trên thực tế, mỗi gia đình có sự lựa chọn riêng trong việc quyết định đăng ký ăn bán trú cho con do điều kiện, hoàn cảnh và nhu cầu khác nhau. Trong đó, với những phụ huynh có nguyện vọng đăng ký ăn bán trú cho con ở trường, điều mong mỏi nhất chính là làm sao để đảm bảo bữa ăn ATVSTP cũng như đảm bảo đủ dinh dưỡng để con học tập, phát triển. Đây cũng là một trong những vấn đề được ngành giáo dục quan tâm, chỉ đạo sát sao trong suốt năm học với nhiều văn bản hướng dẫn, quy định chi tiết các nội dung cần thực hiện. Các địa phương cũng chủ động quan tâm, chỉ đạo sát sao công tác đảm bảo ATVSTP bếp ăn trường học. Trong đó, Chi cục VSATTP của mỗi địa phương thường xuyên phối hợp tiến hành kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm tại các bếp ăn tập thể của các trường học trên địa bàn.
Nâng cao chất lượng bữa ăn
Để nâng cao chất lượng và hiệu quả một số dịch vụ giáo dục, Sở GDĐT TPHCM đã yêu cầu các trường báo cáo về việc phụ huynh tham gia kiểm tra, giám sát đảm bảo vệ sinh trường học và VSATTP đối với bữa ăn bán trú. Sở này cũng triển khai thực hiện khảo sát sự hài lòng của HS về bữa ăn bán trú và nhà vệ sinh trường học. Cụ thể, các trường tiểu học, THCS thuộc các quận huyện và TP.Thủ Đức, cùng hơn 100 trường THPT phải thực hiện khảo sát này. Mỗi trường chọn 200 HS thuộc các khối lớp để tham gia. Mỗi HS sẽ nhận xét khu vực vệ sinh cho HS (về độ an toàn, sạch sẽ, có thiết bị cơ bản) và chất lượng bữa ăn bán trú tại trường với 5 mức độ: Rất hài lòng, hài lòng, bình thường, không hài lòng, rất không hài lòng. HS có thể đưa ra lý do vì sao không hài lòng về khu vực nhà vệ sinh và bữa ăn bán trú. Theo đánh giá của các chuyên gia, HS chính là đối tượng quan trọng cần được lấy ý kiến. Chính các em là đối tượng phục vụ của bữa ăn bán trú nên có quyền được lên tiếng và tiếng nói này cần được các cơ quan chức năng, các nhà trường ghi nhận, xem xét và rút kinh nghiệm trong việc triển khai bữa ăn bán trú tại trường học.
Trong hè 2024, nhiều địa phương cũng tổ chức tập huấn kiến thức cho cán bộ, giáo viên, nhân viên các trường mầm non, tiểu học, THCS, trường khuyết tật… công lập và ngoài công lập trên địa bàn nhằm trang bị thêm những kiến thức và kĩ năng để đảm bảo VSATTP, phòng chống ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm tại trường học..
TS.BS Trương Hồng Sơn - Viện Trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam cho rằng đối với công tác bán trú, cần quan tâm đến một số nội dung như thực phẩm đưa vào nhà trường có được chứng nhận đảm bảo đủ an toàn hay không; nơi cung cấp thực phẩm; địa điểm nấu ăn an toàn hay không; bữa ăn của trẻ có lưu mẫu hay không… hàng loạt vấn đề các trường học phải thực hiện chặt chẽ. Chúng ta không nên đợi khi xảy ra ngộ độc mới thay đổi. Để đảm bảo bữa ăn học đường an toàn, đủ dinh dưỡng vai trò của công tác giám sát an toàn thực phẩm rất quan trọng từ đầu vào thực phẩm tới chế biến. Ngoài ra, các trường cần giám sát độc lập có thể từ đơn vị khác hoặc chính ban phụ huynh nhà trường đó.
Liên quan đến vấn đề dinh dưỡng, ông Sơn cho rằng thực đơn cho trẻ ăn bán trú cần đa dạng, đủ dinh dưỡng theo lứa tuổi của HS. Đây chính là một trong những giải pháp hiệu quả góp phần cải thiện sức khỏe HS trong tương lai.