Giám sát để xây dựng nông thôn mới

Nam Việt 17/08/2017 08:05

Thông báo số 353/TB-VPCP cho biết, đến hết tháng 7/2017 cả nước có 2.776 xã (31,1%) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; có 34 đơn vị cấp huyện đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Đến hết 31/1/2017, tổng số nợ xây dựng cơ bản của 45/63 tỉnh, thành phố khoảng 9.807 tỷ đồng, 18 tỉnh không nợ. Dự kiến đến cuối năm 2017, tỷ lệ hộ nghèo bình quân cả nước giảm còn khoảng 6,8%...

Làm đường giao thông nông thôn xây dựng nông thôn mới ở An Giang.

Xây dựng nông thôn mới (NTM) là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước. Trong quá trình thực hiện đã đạt được nhiều thành tựu. Bộ mặt nông thôn trên phạm vi cả nước có một số đổi thay. Nhiều nơi chính từ xây dựng NTM đã có được diện mạo tích cực, đời sống người nông dân đi lên, xóm làng phong quang, gọn ghẽ.

Tuy nhiên, trong quá trình ấy cũng xuất hiện một số bất cập. Trong đó việc nợ đọng xây dựng cơ bản khá trầm trọng. Nhiều phân tích cho thấy, nguyên nhân chủ yếu bắt nguồn từ bệnh thành tích. Không ít địa phương nôn nóng, muốn “hơn chị hơn em” đã huy động quá sức dân, vay tiền doanh nghiệp để xây dựng những công trình của làng xã, nhằm sớm được công nhận đạt chuẩn NTM. Cũng từ việc này đã nảy sinh tiêu cực, cán bộ xã đã lạm dụng công quỹ làm giàu cho bản thân và gia đình. Khi làng xã được công nhận đạt chuẩn NTM thì cũng là lúc những món nợ khổng lồ lộ ra; và cũng là lúc người người dân ta thán.

Thực ra thì trong quá trình ấy đã có những cảnh báo. Nhiều xã còn nghèo, với tỉ lệ hộ nghèo cao nhưng vẫn hoàn thành nhiều chỉ tiêu quan trọng về chuẩn NTM. Cùng với việc cán bộ xã năng động, tích cực thì việc huy động quá sức dân đóng góp làm đường, xây trường... khiến người dân không bằng lòng. Không bằng lòng nhưng vẫn phải đóng góp khiến nhiều hộ gia đình đã khó lại khó hơn.

Xây dựng NTM là chủ trương đúng đắn, được xã hội đồng tình. Nhưng nếu chỉ để đạt mục đích được công nhận “quê ta” đã là NTM mà bất chấp thực tế, ép dân đóng góp quá nhiều thì lại là điều không nên. NTM là để đời sống người dân trong làng xã khá lên chứ không phải là để tích tụ bức xúc, để người dân phải chịu nợ riêng cho việc chung.

Trong thực tế khoảng cách giàu - nghèo, khoảng cách giữa nông thôn và thành thị ngày thêm giãn cách thì việc đầu tư mạnh mẽ vào khu vực nông thôn, vào lĩnh vực nông nghiệp là rất cần thiết. Bên cạnh những nỗ lực đưa tiến bộ khoa học - kĩ thuật vào nông nghiệp; tạo nhiều điều kiện để doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp; quỹ hỗ trợ nông nghiệp công nghiệp cao của Chính phủ dành ra 100.000 tỷ đồng...; thì Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM với mục tiêu thay đổi bộ mặt nông thôn Việt Nam là hết sức đáng trân trọng. Nhà nước, Chính phủ dành nhiều nguồn vốn cho công việc này, kéo dài trong nhiều năm liên tục. Nhưng, tại cơ sở lại nôn nóng, nặng bệnh thành tích, không hiểu rõ bản chất của việc xây dựng NTM... đã dẫn đến hệ lụy.

Tổng kết Chương trình giai đoạn 1, người ta thấy rằng một số nơi khi được công nhận NTM xong thì người dân lại nghèo hơn, xóm làng lại buồn hơn. Là do sức dân đã bị huy động quá mức. Không chỉ huy động ngày công mà còn cả tiền của. Tới nay, thanh niên ở làng quê vẫn tìm đường lên thành thị, xin việc tại những khu công nghiệp, nhà máy; hay là làm những dịch vụ như gội đầu, sơn sửa móng tay... không ít người còn gia nhập đội quân cửu vạn, ngồi ở “chợ người” chờ việc. Lao động chính ra đi, xóm làng còn lại người già và trẻ nhỏ. Ruộng vườn thiếu người làm phải cho người khác làm. Có nơi nông dân còn trả lại ruộng. Đã thế, việc được mùa rớt giá vẫn tồn tại như một thách thức, tác động xấu một cách trực tiếp vào bữa ăn hàng ngày của người nông dân.

Những tồn tại đó cần phải được sớm khắc phục, để một Chương trình quốc gia, một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước không bị biến dạng.

Để kịp thời tháo gỡ, khó khăn, vướng mắc, góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ- Trưởng ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền về NTM, tiếp tục triển khai sâu rộng và thiết thực phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng NTM”; “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau” của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM và Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững một cách hiệu quả. Trong đó Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương kiểm điểm, xử lý nghiêm trách nhiệm cá nhân người đứng đầu nếu tiếp tục để xảy ra tình trạng huy động quá sức dân, nợ đọng xây dựng cơ bản sai quy định trong thực hiện Chương trình.

Vì vậy, giai đoạn tiếp theo của xây dựng NTM cần rút kinh nghiệm sâu sắc những vướng mắc của thời gian trước. Trong đó, bệnh thành tích, duy ý chí phải được khắc phục đầu tiên và triệt để. Muốn vậy, phải có chế tài nghiêm khắc, xử lý nghiêm những địa phương nào huy động quá sức dân, để tồn đọng nợ xây dựng cơ bản. Muốn làm được điều đó, trước hết là phải lắng nghe dân. Người dân ai cũng muốn làng xóm mình phong quang sạch đẹp, cuộc sống khá lên, tương lai lớp trẻ sáng hơn. Vì vậy, bà con sẽ ủng hộ xây dựng NTM. Nhưng, cũng chính họ là người thụ hưởng thành quả của phong trào, nên tiếng nói của họ phải được tôn trọng. Khi người dân thấy việc đóng góp đó là chưa cần thiết, là quá sức- thì cán bộ xã, huyện phải lắng nghe, tìm hiểu kĩ càng. Mặt khác, trong quá trình đầu tư xây dựng, người dân phải được giám sát, phải được lên tiếng với những gì họ cho là lãng phí, hay tệ hơn còn là nạn xà xẻo.

Trong giám sát xây dựng NTM, vai trò của cán bộ Mặt trận cơ sở là rất quan trọng. Họ là những người gần dân, biết được suy nghĩ, tâm tư nguyện vọng của bà con. Họ cũng lại là những người “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”, không phải “thành phần” được lợi riêng. Vì vậy, tiếng nói của họ là khách quan. Tuy nhiên, trong quá trình ấy, tiếng nói, kiến nghị của cán bộ Mặt trận cơ sở lại ít được lắng nghe, chưa nói đến việc tiếp thu. Cách nghĩ ấy, cách hành xử ấy phải được thay đổi.

Tại Thông báo số 353/TB-VPCP chỉ rõ, phải tăng cường công tác quản lý nhà nước, hoàn thiện bộ máy quản lý đến cấp xã, cơ chế điều hành, phân công đầu mối chịu trách nhiệm chính, phân cấp đầy đủ nhiệm vụ và quyền hạn cho địa phương; đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát việc tổ chức triển khai thực hiện của các địa phương để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Hy vọng với cách làm ấy, chủ trương xây dựng NTM của Đảng, Nhà nước sẽ có nhiều thành tựu hơn trong thời gian tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giám sát để xây dựng nông thôn mới