Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân là nhiệm vụ của Mặt trận Tổ quốc. Thực hiện chức năng này, MTTQ các cấp tỉnh Tuyên Quang đặc biệt chú trọng công tác giám sát, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng nhân dân để phản ánh tới cấp ủy, chính quyền nhằm tháo gỡ những vướng mắc phát sinh ở cơ sở.
Cán bộ Mặt trận huyện Chiêm Hoá vận động nhân dân trồng mía.
Theo Chủ tịch MTTQ tỉnh Tuyên Quang Triệu Thị Lún, phát huy vai trò là cầu nối giữa cấp ủy, chính quyền và nhân dân, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội đã tổ chức phát động nhiều phong trào có chiều sâu thu hút đông đảo hội viên, đoàn viên và nhân dân tham gia, trọng tâm là Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, đã khơi dậy mạnh mẽ tinh thần đoàn kết của nhân dân trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, xây dựng gia đình, khu dân cư, thôn, tổ dân phố văn hoá. Đặc biệt, Mặt trận, các tổ chức chính trị - xã hội cơ sở đã phát huy vai trò trong việc tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia xây dựng nông thôn mới với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, giám sát và dân thụ hưởng”, “Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ”…
Để bảo vệ quyền, lợi ích của nhân dân, các cấp MTTQ tỉnh Tuyên Quang luôn coi trọng việc phối hợp với cấp ủy, chính quyền, lắng nghe ý kiến phản ánh, kiến nghị của cử tri và nhân dân. Hàng tháng, quý, Ủy ban MTTQ tỉnh tổng hợp tình hình nhân dân, những kiến nghị nổi bật để báo cáo cấp ủy, chính quyền những vấn đề liên quan đến mọi mặt của đời sống xã hội. Bên cạnh đó, MTTQ các cấp trong tỉnh duy trì nhiều hoạt động chăm lo, hỗ trợ, giúp đỡ những cá nhân, gia đình có hoàn cảnh khó khăn, góp phần thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội. Trong năm 2017, Quỹ vì người nghèo tỉnh đã hỗ trợ 167 hộ nghèo làm nhà mới với số tiền trên 4,1 tỷ đồng, hỗ trợ 89 hộ nghèo phát triển kinh tế với số tiền gần 500 triệu đồng. Ngoài ra, MTTQ các cấp còn thực hiện tốt việc thăm hỏi, trợ cấp đột xuất cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn.
Đáng chú ý, công tác giám sát, phản biện xã hội đã được triển khai thực hiện hiệu quả. Thông qua việc giám sát, nhiều vấn đề bất cập được Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh kiến nghị UBND tỉnh, các ngành chức năng tập trung giải quyết.
Qua các cuộc giám sát thực hiện năm 2017, MTTQ tỉnh đã kiến nghị với chính quyền chỉ đạo các ngành, tổ chức tập trung tháo gỡ những khó khăn, tồn tại: Chú trọng tuyên truyền giáo dục về lao động việc làm cho người lao động nhất là đối tượng thanh niên. Tạo điều kiện cho thanh niên thành lập quỹ hỗ trợ thanh niên lập nghiệp để thanh niên sớm tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, phát triển những mô hình kinh tế có giá trị. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền đối với các đơn vị sử dụng lao động có hành vi vi phạm các quy định của pháp luật lao động, việc đóng BHXH, bảo BHYT và quy định về việc nộp kinh phí công đoàn. Thường xuyên mở các lớp tập huấn về thực hiện các khoản thu, khoản chi xã hội hóa cho các đơn vị trường học trên địa bàn toàn tỉnh. Tiếp tục quan tâm đầu tư, hỗ trợ kinh phí xây dựng, tu sửa cơ sở vật chất cho các nhà trường nhằm giảm bớt áp lực huy động đóng góp từ người học. Bố trí đủ biên chế giáo viên để đảm bảo cho cấp tiểu học thực hiện dạy 2 buổi/ngày, bố trí đủ nhân viên trong các nhà trường… Những nội dung kiến nghị đã được UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng, các địa phương tập trung giải quyết kịp thời.
Ở cấp huyện, ông Triệu Đức Long, Trưởng Ban Dân vận, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Chiêm Hóa cho biết: MTTQ huyện thường xuyên chỉ đạo, hướng dẫn MTTQ xã, thị trấn tăng cường giám sát hoạt động của cơ quan Nhà nước tại địa bàn khu dân cư, giám sát việc giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo của công dân, giám sát các hoạt động liên quan tới quản lý đất đai, thu chi ngân sách, các khoản đóng góp của nhân dân...Việc thực hiện chính sách dân tộc, tôn giáo. Việc thực hiện chế độ, chính sách ưu đãi của Nhà nước đối với các đối tượng được thụ hưởng. Tăng cường công tác năm tình hình cơ sở, nhất là tình hình dân tộc, tôn giáo tại các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
MTTQ huyện Chiêm Hoá cũng hướng dẫn nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ hòa giải, chỉ đạo cơ sở kịp thời hòa giải các mâu thuẫn phát sinh tại cộng đồng dân cư. Năm 2017 các tổ hòa giải ở khu dân cư đã tổ chức hòa giải được 406 vụ việc chủ yếu là mâu thuẫn gia đình, tranh chấp đất đai, mất đoàn kết nội bộ ở thôn, xóm, tổ nhân dân..., trong đó hòa giải hoàn thành 327 vụ việc. Công tác hòa giải ở cơ sở góp phần quan trọng trong việc giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất, bảo đảm trật tự an toàn xã hội tại cộng đồng dân cư.