Ông Phạm Huy Hoàng - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Bắc Kạn cho rằng, để công tác giám sát đạt hiệu quả cao nhất, yêu cầu đặt ra là MTTQ các cấp cần nắm chắc nội dung chương trình, dự án triển khai trên địa bàn để chủ động xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện giám sát ngay từ khi bắt đầu triển khai.
PV: Ủy ban MTTQ tỉnh Bắc Kạn đã phát huy vai trò giám sát như thế nào để nâng cao hiệu quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi (Chương trình MTQG 1719), thưa ông?
Ông Phạm Huy Hoàng: Những năm qua, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh Bắc Kạn đã ban hành các văn bản, kế hoạch đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, giám sát trong hệ thống MTTQ và các tổ chức đoàn thể, đồng thời tổ chức tuyên truyền cho các tầng lớp nhân dân vùng đồng bào DTTS tại các địa phương về các nội dung của Chương trình MTQG 1719.
Từ năm 2022 đến nay, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh đã tiến hành khảo sát việc triển khai, thực hiện Chương trình MTQG 1719 tại 28 xã thuộc khu vực II, III để nắm bắt tình hình cũng như những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện. Trong đó, Dự án 3 về “Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị”, được người dân trong tỉnh đặc biệt quan tâm. Chính vì vậy, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh Bắc Kạn đã phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh cùng các tổ chức đoàn thể tiến hành khảo sát tại một số địa phương để kịp thời nắm bắt và lựa chọn hình thức giám sát phù hợp. Bên cạnh đó, MTTQ cũng chủ trì giám sát việc triển khai thực hiện Chương trình MTQG 1719 tại UBND của 4 huyện và 12 xã. Xây dựng được 10 mô hình “Giám sát của cộng đồng” tại 10 xã thuộc huyện Ba Bể, Na Rì, Bạch Thông, Chợ Mới và Chợ Đồn, được bà con nhân dân đồng tình hưởng ứng...
Qua các hoạt động giám sát cho thấy Chương trình MTQG 1719 cơ bản được triển khai kịp thời theo kế hoạch; bảo đảm công khai, minh bạch, đúng mục đích, đúng đối tượng. Chương trình đã giúp đồng bào DTTS ở các khu vực khó khăn có điều kiện vươn lên phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống, góp phần tích cực cho công tác xóa đói giảm nghèo bền vững.
Trong quá trình triển khai giám sát, theo ông đâu là những bất cập cần giải quyết để phát huy tối đa nguồn lực từ Chương trình MTQG 1719?
- Chương trình MTQG 1719 trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn được đầu tư hơn 1.666 tỷ đồng. Trong đó, ưu tiên nguồn lực của Chương trình đầu tư cho các địa bàn xã, thôn đặc biệt khó khăn, xã an toàn khu (ATK) thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi, với 10/10 dự án và 12/14 tiểu dự án. Tuy nhiên, nguồn kinh phí sự nghiệp năm 2022 được Trung ương giao muộn, các cơ chế chính sách, văn bản hướng dẫn thực hiện của các bộ, ngành ban hành còn chậm, thiếu, nhiều nội dung chưa rõ ràng, đồng bộ dẫn đến việc triển khai của các đơn vị, địa phương còn nhiều khó khăn và lúng lúng.
Để phát huy tối đa nguồn lực từ Chương trình, Trung ương cần sớm có quy định về thực hiện chính sách hỗ trợ cho các hộ đồng bào DTTS còn gặp nhiều khó khăn để chăn nuôi phát triển sản xuất thông qua vay vốn tín dụng với lãi suất ưu đãi đặc biệt thuộc Tiểu Dự án 1, Dự án 9. Bên cạnh đó, cần đối chiếu với mục tiêu, quy định về đối tượng tại Tiểu dự án 1, Dự án 3 và đề nghị Chính phủ đồng ý cho tỉnh Bắc Kạn sử dụng một phần kinh phí từ nguồn vốn của Tiểu dự án 1 để thanh toán tiền nhân công khoán bảo vệ rừng, hỗ trợ bảo vệ rừng tự nhiên phòng hộ và sản xuất thuộc các xã khu vực II, III.
Đối với Ủy ban Dân tộc, cần sớm xây dựng phần mềm ứng dụng các giải pháp số hóa để địa phương triển khai thực hiện công tác “giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình” trên địa bàn tỉnh theo Quy trình được quy định tại Thông tư số 01/2022 của Ủy ban Dân tộc...
Vậy công tác giám sát của MTTQ trong Chương trình MTQG 1719 cần có những đổi mới như thế nào để đạt hiệu quả tốt hơn, thưa ông?
- Để công tác giám sát đạt hiệu quả cao nhất, yêu cầu đặt ra là MTTQ các cấp cần nắm chắc nội dung chương trình, dự án triển khai trên địa bàn để chủ động xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện giám sát ngay từ khi bắt đầu triển khai; tăng cường tuyên truyền và nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành và nhân dân trong việc thực hiện Chương trình.
Ngoài ra, việc lựa chọn nội dung giám sát phải phù hợp với tình hình thực tế của địa phương và tiến độ đầu tư; kịp thời phát hiện và kiến nghị xử lý tồn tại, hạn chế; đề xuất, kiến nghị sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách trong quá trình triển khai, thực hiện; phát huy vai trò của người dân và cộng đồng trong giám sát thực hiện chương trình. Bên cạnh đó, cần tăng cường phối hợp với Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh giám sát các nội dung liên quan đến dự án phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh, đảm bảo đúng đối tượng, đúng nội dung, tránh chồng chéo, lãng phí.
Trân trọng cảm ơn ông!
Bắc Kạn phấn đấu đưa các xã, thôn ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn, giảm tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào DTTS, góp phần cải thiện, nâng cao đời sống của người dân. Cụ thể, trong năm 2023, tỉnh Bắc Kạn phấn đấu giảm 3,5% tỷ lệ hộ nghèo trong vùng đồng bào DTTS, đưa 12 xã và 11 thôn ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn.