Thời gian qua, hoạt động giám sát đã được MTTQ các cấp tỉnh Hòa Bình triển khai thực hiện khá hiệu quả thông qua nhiều hình thức theo luật định. Qua đó đã có nhiều ý kiến thiết thực góp phần làm cho quá trình thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước cũng như các dự án đầu tư được triển khai đúng quy định, phù hợp với tình hình thực tế ở địa phương.
Đoàn giám sát của MTTQ tỉnh Hòa Bình giám sát hoạt động khai thác cát sỏi ở huyện Kỳ Sơn.
Luôn chọn những vấn đề nhân dân quan tâm, bức xúc để giám sát, thời gian qua Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã thành lập Đoàn giám sát nội dung công tác quản lý và khai thác đất, đá, cát, sỏi trên địa bàn các huyện, thành phố. Qua giám sát, nhìn chung các địa phương, đơn vị đã tổ chức thực hiện công tác quản lý Nhà nước cơ bản đúng theo các văn bản quy định của pháp luật. Tuy nhiên, quá trình giám sát đã phát hiện một số tồn tại, hạn chế, vướng mắc trong việc triển khai thực hiện. Công tác quản lý Nhà nước về khai thác đất, đá, cát, sỏi làm vật liệu xây dựng còn biểu hiện khá nhiều khó khăn, bất cập; việc chấp hành các quy định thiết kế, kỹ thuật, an toàn lao động, vệ sinh môi trường và tuyển chọn sử dụng lao động còn có vi phạm.
Hiện toàn tỉnh có 6.726 vị Ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Namcấp xã ở 210 xã, phường, thị trấn, trong đó số lượng thành viên Ban Thanh tra nhân dân và ban Giám sát đầu tư cộng đồng trên địa bàn tỉnh là 3.780 người. Với nhiều hình thức hoạt động phong phú, đa dạng, bám sát quy định của pháp luật, Ban Thanh tra nhân dân và Ban giám sát đầu tư cộng đồng đã chủ động tuyên truyền, vận động nhân dân cùng tham gia giám sát. Đồng thời chủ động thăm dò, lắng nghe ý kiến nhân dân để tiến hành xác minh, giải quyết cùng cấp ủy Đảng, chính quyền cơ sở tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và kịp thời báo cáo lên cấp trên những vụ việc phức tạp, nghiêm trọng.
Từ năm 2017 đến nay, đã giám sát 1.968 vụ việc, trong đó Ban Thanh tra nhân dân giám sát 986 vụ việc, Ban Giám sát đầu tư cộng đồng 982 vụ việc. Số vụ việc phát hiện sau giám sát là 89 vụ, thu về cho ngân sách nhà nước 1.280.000 đồng. Điển hình như câu chuyện giam sát ở xã Tu Lý (Đà Bắc). Khi được nhân dân phản ánh tuyến đường từ xóm Riêng - Kim Lý đi đội 4, xóm Tày Măng, xã Tu Lý mới được xây dựng có dấu hiệu bất thường, Ban Giám sát đầu tư cộng đồng xã Tu Lý đã phối hợp với Ban Giám sát đầu tư cộng đồng xóm Tày Măng, xóm Riêng lập đoàn kiểm tra, giám sát công trình. Khi giám sát phát hiện nhiều đoạn đường đơn vị thi công không đảm bảo yêu cầu. Tất cả những sai phạm trên đã được Ban Giám sát đầu tư cộng đồng chụp ảnh minh hoạ kèm báo cáo giám sát gửi UBND xã. Ngay sau đó UBND xã yêu cầu đơn vị thi công khắc phục những tồn tại trong quá trình thi công, giải trình cho cử tri và nhân dân rõ việc thực hiện chưa đúng yêu cầu.
Cũng bằng cách giám sát theo sự phản hồi của nhân dân, Ban Giám sát đầu tư cộng đồng xã Tu Lý đã chỉ ra đơn vị thi công sử dụng gạch không đảm bảo chất lượng khi xây dựng công trình trường TH&THCS xã Tu Lý, buộc đơn vị này phải loại bỏ những viên gạch không đảm bảo chất lượng khi thi công công trình. Việc làm này rất được người dân đồng tình, ủng hộ.
Ngoài ra, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hòa Bình còn tổ chức giám sát thông qua việc tổ chức các hội nghị tiếp xúc cử tri. Trước và sau mỗi kỳ họp Quốc hội, HĐND các cấp, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp đã phối hợp tổ chức các hội nghị để các đại biểu Quốc hội và các đại biểu HĐND tiếp xúc cử tri tại các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh. Các ý kiến, kiến nghị của cử tri đều được Ủy ban MTTQ Việt Namcác cấp tổng hợp gửi Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND tỉnh và các cơ quan, các ngành chức năng đề nghị xem xét giải quyết.
Theo Phó chủ tịch MTTQ tỉnh Hòa Bình Trần Đức Trường, quá trình giám sát có rất nhiều khó khăn mà vừa làm vừa khắc phục như việc xác định nội dung; hình thức giám sát còn lúng túng, cơ chế phối hợp giữa chính quyền và MTTQ, các đoàn thể còn hạn chế; chất lượng giám sát và phản biện chưa đáp ứng yêu cầu, sự mong đợi của nhân dân. Mặt khác, cơ chế giám sát đã có nhưng còn thiếu. Các quy định về hoạt động giám sát, phản biện của MTTQ còn rải rác ở rất nhiều văn bản. Bên cạnh đó, nhận thức của một số cấp ủy, chính quyền, cơ quan nhà nước về vai trò, tác dụng giám sát và phản biện xã hội của MTTQ chưa đầy đủ, đúng đắn. Đội ngũ cán bộ của MTTQ các cấp còn thiếu và chưa đồng bộ về chất lượng chuyên môn. Nhiều người chưa qua đào tạo. Kinh phí hỗ trợ Ban thanh tra, Ban giám sát đầu tư cộng đồng chưa cao.
Để khắc phục tình trạng này, thời gian tới MTTQ tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt sâu sắc trong các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể, cán bộ, đảng viên và nhân dân các quy định của Đảng và Nhà nước về giám sát, phản biện xã hội; kết quả, kinh nghiệm, cách làm thiết thực trong tổ chức thực hiện nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và nhân dân về công tác giám sát và phản biện xã hội. Bên cạnh đó thường xuyên củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng hoạt động của các Ban tư vấn, Tổ tư vấn và Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng.
Với phương châm vừa làm vừa rút kinh nghiệm, MTTQ các cấp sẽ có các hình thức giám sát trên nhiều lĩnh vực, cách thức tổ chức sáng tạo, đưa ra những kiến nghị thiết thực nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người dân.