Giám sát và phản biện xã hội là nhiệm vụ quan trọng trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, phát huy dân chủ, đảm bảo quyền, lợi ích của nhân dân, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân. Thời gian qua, UBMTTQ tỉnh Đắc Lắc đã chú trọng triển khai nhiều nội dung giám sát thiết thực với người dân. Đó là khẳng định của ông Y- Dec HĐơk, Chủ tịch UBMTTQ tỉnh Đắc Lắc với Đại Đoàn Kết.
Ông Y- Dec HĐơk.
PV:Gần đây, các hoạt động giám sát và phản biện xã hội luôn được Mặt trận tỉnh quan tâm, thực hiện. Vậy, trong năm 2016, hoạt động nổi bật nhất trong công tác giám sát và phản biện xã hội là gì, thưa ông?
Ông Y- Dec HĐơk: Có lẽ, nổi bật nhất trong năm 2016 mà Mặt trận tỉnh làm được đó là giám sát những nội dung liên quan đến việc dạy thêm, học thêm. Đây là vấn nạn lớn, gây bức xúc trong nhân dân mà ngành giáo dục chưa quản lý được. Tình trạng này diễn ra phổ biến nhất ở cấp phổ thông trung học và bậc tiểu học.
Trước tình hình đó, Mặt trận đã tổ chức các đoàn đi giám sát vấn đề dạy thêm, học thêm tại một số trường tại 3 huyện trong tỉnh. Qua giám sát chúng tôi thấy rằng, nhu cầu tự nguyện học thêm của học sinh chỉ chiếm phần nhỏ, chủ yếu các thầy cô muốn tổ chức các lớp dạy thêm để kiếm tiền.
Tuy nhiên, việc dạy thêm này lại không được đăng kí công khai với các cấp chính quyền khiến việc học thêm, dạy thêm trở thành hình thức chui.
Sau giám sát, Mặt trận tỉnh cũng đề nghị các ngành chức năng chấn chỉnh lại việc quản lý đồng thời đề nghị phải nâng cao năng lực của chính quyền các cấp để việc này được thực hiện cho minh bạch, khách quan. Trong hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh, Sở cũng đã thẳng thắn rút kinh nghiệm việc này.
Thưa ông, trong quá trình giám sát và phản biện đối với việc dạy thêm, học thêm, Mặt trận đã gặp phải những khó khăn gì?
- Trong quá trình tổ chức các hoạt động giám sát và phản biện, ngoài băn khoăn vấn đề về kinh phí, chúng tôi mong mỏi các cấp chính quyền phải vào cuộc cùng hệ thống Mặt trận và có chế tài xử lý triệt để khi cần thiết.
Lợi ích mà các hoạt động phản biện mang lại đã rất rõ ràng nhưng sự phản hồi lại của các cơ quan, đơn vị được phản biện chưa phù hợp với yêu cầu, nhất là những nội dung liên quan đến tiêu cực.
Ví dụ, vừa rồi, chúng tôi tổ chức các đoàn đi giám sát và phản biện vệ sinh môi trường tại các đập thủy điện. Qua khảo sát thấy rằng đập thủy điện đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến vệ sinh môi trường như: nước ngập đã gây ảnh hưởng lớn đến sản xuất chăn nuôi, nước tràn vào nhà cửa của người dân…
Sau việc này, chúng tôi đã báo cáo lại với HĐND tỉnh và đã có văn bản gửi đến Sở Tài nguyên & Môi trường cùng các ngành liên quan. Tuy nhiên, văn bản đã được gửi đi khá lâu nhưng vẫn chưa có phản hồi. Việc này nếu kéo dài vô hình trung sẽ gây mất niềm tin trong nhân dân khiến hoạt động phản biện ít tác dụng hơn.
Thưa ông, hoạt động giám sát và phản biện xã hội thường đi vào những vấn đề gai góc, khó thực hiện. Vậy đội ngũ cán bộ Mặt trận tham gia phản biện liệu có đáp ứng được yêu cầu?
- Chính vì khó thực hiện nên khi phản biện chúng tôi cố gắng mời gọi các nhà khoa học, các chuyên gia, những người am hiểu về các lĩnh vực mà Mặt trận đang tổ chức giám sát vì chỉ họ mới có đủ kiến thức để giám sát và đối thoại, đủ bản lĩnh để cùng Mặt trận kiến nghị lên các ngành chức năng. Trong các nội dung kiến nghị đều được chúng tôi lập luận chặt chẽ, có lý có tình, nói đúng tình hình đang diễn ra và đặc biệt không thêm bớt những tiêu cực mà trong quá trình đi khảo sát đoàn nhìn nhận thấy.
Từ nay đến cuối năm, UBMTTQ tỉnh Đắc Lắc sẽ tập trung giám sát vào những lĩnh vực gì, thưa ông?
- Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tập trung phản biện về chất lượng thuốc bảo vệ thực vật, vì nhu cầu sử dụng thuốc bảo vệ thực vật của bà con nông dân để trồng cà phê, hồ tiêu, mía…. tại Đắc Lắc rất lớn trong khi thuốc bảo vệ thực vật, phân bón giả lại được bán tràn lan ngoài thị trường. Tình trạng này kéo dài đã lâu khiến cho bà con nông dân rất bức xúc. Yêu cầu được sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật chất lượng cao là nhu cầu chính đáng, chính quyền, Mặt trận và các tổ chức đoàn thể phải có trách nhiệm giúp bà con nông dân việc này.
Ngoài ra, chúng tôi còn giám sát vấn đề về an toàn giao thông. Luật Giao thông đường bộ được ban hành đã lâu, việc tuyên truyền cũng đã rất rốt ráo nhưng tình hình tai nạn giao thông vẫn diễn biến phức tạp. Trước thực trạng đó, từ nay đến cuối năm, Mặt trận tỉnh đặt ra mục tiêu đẩy mạnh tuyên truyền đến từng trường học, từng địa bàn dân cư để người dân hiểu và chủ động ứng phó khi tham gia giao thông.
Thông qua các hoạt động giám sát, phản biện, mong mỏi lớn nhất của những người tham gia phản biện là gì, thưa ông?
- Có lẽ, niềm mong mỏi lớn nhất của chúng tôi đó là những ý kiến phản biện được các cấp chính quyền tiếp thu và sớm có những phản hồi tích cực để những ý kiến đó, kết quả đó được hệ thống Mặt trận các cấp gửi tới nhân dân.
Trân trọng cảm ơn ông!