Trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết về vai trò của Mặt trận trong xây dựng nông thôn mới (NTM), ông Ngô Sách Thực - nguyên Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam cho rằng, xây dựng NTM rất cần hình thức giám sát thường xuyên.
Đây là cách giám sát có địa chỉ cụ thể, tăng trách nhiệm giải quyết, giải trình của cơ quan, cán bộ có thẩm quyền, rất phù hợp với cơ sở, được người dân đồng tình và tin tưởng.
PV: Ông đánh giá như thế nào về tình hình triển khai Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh” trong thời gian qua?
Ông Ngô Sách Thực: Xây dựng NTM và đô thị văn minh đã trở thành phong trào sâu rộng, với sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị và toàn dân. Một số mục tiêu NTM về đích sớm hơn so với dự kiến, góp phần đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, cơ cấu kinh tế nông thôn chuyển dịch tích cực, đô thị phát triển và có nhiều khởi sắc; thu nhập và đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, số hộ khá và giàu tăng. Diện mạo nông thôn, đô thị Việt Nam có sự thay đổi rõ rệt, niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước ngày càng được củng cố, nâng cao.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, nông nghiệp phát triển còn thiếu bền vững, tốc độ tăng trưởng có xu hướng giảm, tổ chức sản xuất kinh doanh chủ yếu vẫn dựa vào nông hộ nhỏ, thiếu liên kết, chất lượng, hiệu quả hoạt động của khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã chưa cao. Xây dựng NTM chưa đồng đều, nhiều nơi chưa chú trọng đúng mức đến phát triển sản xuất, tạo sinh kế, xây dựng đời sống văn hóa.
Tôi cho rằng, Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh” của Mặt trận có vai trò quan trọng, gắn liền với các phong trào thi đua yêu nước, hướng vào thực hiện các tiêu chí cụ thể, các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của 3 Chương trình mục tiêu quốc gia và mục tiêu xây dựng đô thị văn minh, 9 tiêu chuẩn xây dựng đô thị văn minh, hướng vào thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn, quá trình đô thị hóa, đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững; thực hiện xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu và NTM cấp thôn, bản, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân khu vực nông thôn.
Từ những đánh giá trên, cần có những giải pháp cụ thể nào nhằm nâng cao chất lượng Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh” trong giai đoạn hiện nay, thưa ông?
- Khi bàn về giải pháp của vấn đề này, cần xác định nhân dân là chủ thể, là trung tâm của quá trình phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng NTM, đô thị văn minh; gắn xây dựng giai cấp nông dân, phát triển nông nghiệp và xây dựng giai cấp công nhân, trí thức với quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa nông thôn. Do đó, thời gian tới, MTTQ Việt Nam cần đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền cho phù hợp với từng vùng, địa bàn. Công tác tuyên truyền, vận động xây dựng NTM của MTTQ Việt Nam phải đến với địa bàn khu dân cư, từng người dân và được lồng ghép thông qua hoạt động của Ban Công tác Mặt trận ở thôn, làng, ấp, bản, tổ dân phố để từ đó phổ biến đến từng hộ gia đình. Đây là một trong những thế mạnh của MTTQ Việt Nam ở cơ sở, cần tiếp tục được phát huy trong giai đoạn hiện nay.
Thông qua công tác tuyên truyền, vận động để người dân nhận thức rõ vai trò chủ thể trong xây dựng NTM, nhân dân phải tự làm là chính và họ là người được hưởng thụ, Nhà nước chỉ có vai trò hỗ trợ, lợi ích của người dân là động lực và sự tham gia của cộng đồng dân cư là yếu tố thành công. Từ đó tạo sự thống nhất về nhận thức, quyết tâm lãnh đạo, chỉ đạo, có sự tham gia của cả hệ thống chính trị và mọi tầng lớp nhân dân, huy động cao mọi nguồn lực của xã hội cả về trí tuệ, công sức và kinh phí để xây dựng NTM.
Bên cạnh đó cần chú trọng đến giám sát việc thực hiện xây dựng NTM. Đây là nhiệm vụ quan trọng của Mặt trận, đồng thời với tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện, Mặt trận có trách nhiệm phản biện xã hội, góp ý để hoàn thiện cơ chế, chính sách, hiến kế, kiến nghị cách thức tổ chức thực hiện có hiệu quả thiết thực, trong đó cần tăng cường giám sát thường xuyên, đột xuất. Những nội dung liên quan đến quy hoạch NTM, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, vi phạm về đất đai, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư; thực hiện việc hỗ trợ cho hộ dân, người nghèo, chất lượng công trình xây dựng NTM... rất cần hình thức giám sát thường xuyên, đột xuất của người dân, cán bộ Mặt trận, đoàn thể; khi có ý kiến có mặt ngay tại thực địa chứng kiến, ghi nhận ý kiến, tư liệu về vấn đề người dân phản ánh mà không phải qua các thủ tục về kế hoạch, quyết định về giám sát. Đây là hình thức giám sát thường xuyên, mang tính nhân dân, đem lại tác dụng, hiệu quả thiết thực, là cách giám sát có địa chỉ cụ thể, tăng trách nhiệm giải quyết, giải trình của cơ quan, cán bộ có thẩm quyền, rất phù hợp với cơ sở được người dân đồng tình và tin tưởng.
Trân trọng cảm ơn ông!