MTTQ tỉnh Ninh Bình vừa phối hợp cùng MTTQ huyện Nho Quan tổ chức đối thoại với 298 cán bộ Ban Công tác Mặt trận trên địa bàn toàn huyện. Tại cuộc đối thoại, 11 ý kiến phản ánh từ 11 cán bộ Ban CTMT thôn, khu phố cùng hướng đến việc nâng cao hiệu quả công tác vận động, tập hợp các tầng lớp nhân dân theo hướng “gần dân, sát dân, nghe dân nói, nói dân hiểu, làm cho dân tin”.
Cán bộ Mặt trận huyện Nho Quan, Ninh Bình tại buổi đối thoại.
Đẩy mạnh việc giám sát, phản biện
Ý kiến của các Trưởng Ban công tác Mặt trận (CTMT) thôn, khu phố đưa ra tại cuộc đối thoại cơ bản tập trung vào việc phân tích, đánh giá, đề nghị giải quyết một số vướng mắc, tồn tại ở khu dân cư như việc lập điểm tập kết rác thải tại thôn đối với những xã thực hiện xây dựng nông thôn mới; đổi mới công tác giám sát, phản biện nhằm làm tốt hơn nữa chức năng quan trọng này của tổ chức MTTQ.
Ngoài ra, cán bộ MTTQ cấp thôn, thị trấn bảy tỏ mong muốn được Nhà nước xem xét nâng mức phụ cấp lên cao hơn so với hiện tại nhằm khích lệ tinh thần làm việc vì cộng đồng của những người cao tuổi…
Ông Ngô Vy Lăng - Trưởng ban CTMT thôn Phong Lai 2, xã Đồng Phong cho rằng, để công tác phản biện xã hội của MTTQ các cấp thực sự có hiệu quả thì cấp uỷ, chính quyền cần dành nhiều thời gian đi cơ sở nắm bắt tình hình, hướng dẫn về quy trình, bước đi, cách làm, tăng cường trao đổi theo hướng chất vấn và trả lời chất vấn.
Công tác giám sát, phản biện xã hội phải được cả hệ thống chính trị vào cuộc, tạo sự đồng thuận mới đạt được kết quả cao. Song để công tác giám sát, phản biện không bị chồng chéo chức năng, nhiệm vụ thì ngoài việc giám sát chung, hàng năm các đoàn thể chính trị - xã hội cần xây dựng kế hoạch giám sát gửi về MTTQ tỉnh.
Ông Lăng cũng cho rằng, MTTQ tỉnh cần xây dựng hoàn thiện hơn quy trình giám sát, phản biện.
“Nếu chúng ta làm tốt công tác giám sát, phản biện ngay từ khu dân cư sẽ thúc đẩy các phong trào đi lên” - ông Lăng khẳng định.
Về việc đề nghị tăng phụ cấp, ông Đỗ Mạnh Phả - Trưởng ban CTMT thôn Kiến Phong, xã Gia Tường cho rằng, Nhà nước cần hỗ trợ cả về vật chất, tinh thần đối với cán bộ CTMT. Việc này đã nói nhiều, song kế hoạch tài chính chi cho các chương trình mục tiêu vẫn rất hạn hẹp.
“Tỉnh Ninh Bình là một trong những địa phương quan tâm đặc biệt đến vấn đề chế độ, chính sách phụ cấp đối với các đoàn thể ở cấp cơ sở. Nhưng với mức phụ cấp bằng 0,15% mức lương cơ bản, mỗi tháng chúng tôi nhận được số tiền 172.500 đồng. Trong khi để triệu tập cuộc họp, tôi gọi mất 40 cuộc điện thoại mới mời được bà con tới dự. Khoản tiền phụ cấp này thực sự không thấm vào đâu”, ông Phả phân trần.
Bà Ngô Thị Hường - Trưởng ban CTMT phố Hòe Thị, thị trấn Nho Quan đưa ý kiến, khi phố xây dựng nhà văn hoá, huyện hỗ trợ 40 triệu đồng, thị trấn hỗ trợ 50 triệu đồng. Nhưng khoản tiền này phải nộp lại 10% thuế giá trị gia tăng, rất khó khăn.
Theo ông Lê Mạnh Hùng - Trưởng ban CTMT thôn Liên Phương, xã Thạch Bình, các xã miền núi, địa bàn rộng, dân cư thưa nhưng khi thực hiện hỗ trợ xây dựng nông thôn mới lại cào bằng so với các xã có điều kiện thuận lợi, dân cư tập trung, đường giao thông ngắn là chưa phù hợp…
Kịp thời xử lý ngay từ cơ sở
Cuộc đối thoại có sự tham dự của ông Trần Văn Sinh – Phó Chủ tịch UBND huyện Nho Quan. Ông Sinh đã chia sẻ với đội ngũ cán bộ Mặt trận về việc xây dựng nhà văn hoá và khẳng định, nếu tổ dân phố đứng ra tổ chức xây dựng thì không phải đóng thuế giá trị gia tăng. Đây cũng là chi tiết mà các khu dân cư khác cần rút kinh nghiệm khi tiến hành xây dựng công trình chủ yếu dựa vào nguồn xã hội hoá.
Về việc lập điểm tập kết rác thải ở khu dân cư, ông Sinh thừa nhận có sự bất cập. Tuy nhiên hiện nay, toàn huyện Nho Quan mới có 2 chiếc xe chở rác, phục vụ 26 xã, thị trấn nên vấn đề này cần thêm thời gian nghiên cứu và đưa ra hướng giải quyết. Đối với việc cào bằng trong hỗ trợ xây dựng nông thôn mới, đại diện MTTQ cũng như chính quyền huyện Nho Quan đồng tình với quan điểm của một số cán bộ Ban CTMT đưa ra và cho biết sẽ đề nghị cấp trên xem xét điều chỉnh.
Về kiến nghị mở các lớp tập huấn nghiệp vụ, ông Hoàng Lương Khôi - Chủ tịch MTTQ huyện Nho Quan cho biết: Đây là mong muốn chính đáng của những người làm CTMT. Song toàn huyện có tới 2.630 thành viên tham gia Ban CTMT, nguồn kinh phí lại hạn hẹp nên chưa thực hiện được.
Lắng nghe ý kiến chia sẻ của đội ngũ cán bộ từ cơ sở, ông Đỗ Việt Anh - Chủ tịch MTTQ tỉnh Ninh Bình ghi nhận tâm huyết của những cán bộ Mặt trận huyện Nho Quan. Ông Việt Anh cho hay, cuộc đối thoại hướng tới mục tiêu nâng cao hiệu quả công tác vận động, tập hợp các tầng lớp nhân dân của MTTQ các cấp.
Chính vì vậy, sự thẳng thắn của những người làm CTMT đưa ra, MTTQ tỉnh sẽ tiếp thu một cách nghiêm túc, kịp thời điều chỉnh, khắc phục trong phạm vi, quyền hạn, đề xuất lên cấp cao hơn những nội dung kiến nghị vượt ngoài thẩm quyền để các cơ quan cấp cao hơn xem xét giải quyết.
Có thể khẳng định, cuộc đối thoại là thời điểm để những người làm công tác Mặt trận ngồi lại, cùng nhau đưa ra giải pháp nhằm đổi mới phương thức hoạt động của MTTQ các cấp theo hướng “gần dân, sát dân, nghe dân nói, nói dân hiểu, làm cho dân tin”. Nắm bắt và chủ động xử lý kịp thời ngay từ cơ sở các kiến nghị, tâm tư, nguyện vọng chính đáng, hợp pháp của cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân.