Giám sát và hậu giám sát

Mai Loan 03/10/2018 15:38

Đảng và Chính phủ hết sức chú trọng tới những vụ án lớn nhưng người dân đối mặt hàng ngày, họ đi làm các thủ tục hành chính, giấy tờ, người ta vẫn thấy gặp ông này có thái độ nhũng nhiễu, ông kia có thái độ hách dịch. Người ta thấy quyết tâm của Chính phủ ở trên cao nhưng xuống đến người dân nó như bị suy giảm đi”, Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải.

Giám sát và hậu giám sát

1. Trong phiên họp của UBTVQH vừa kết thúc hồi cuối tuần trước, Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải đã đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng, thu hồi tài sản rất tốt, có kết quả vượt trội trong thời gian vừa qua, đưa ra được những vụ án lớn và vụ án có nút thắt trong thời gian trước chưa thực hiện được. Ví dụ vụ Thủ Thiêm đã công khai kết luận thanh tra và thanh tra đầy đủ. Bà Hải đề nghị Chính phủ quan tâm tới vấn đề đạo đức công vụ của các công chức, viên chức trong tiếp xúc với người dân để làm sao hạn chế tối đa vấn đề nhũng nhiễu, gây khó khăn, cản trở người dân trong thực hiện thủ tục hành chính, từ đó xuất hiện tham nhũng vặt.

“Đảng và Chính phủ hết sức chú trọng tới những vụ án lớn nhưng người dân đối mặt hàng ngày, họ đi làm các thủ tục hành chính, giấy tờ, người ta vẫn thấy gặp ông này có thái độ nhũng nhiễu, ông kia có thái độ hách dịch. Người ta thấy quyết tâm của Chính phủ ở trên cao nhưng xuống đến người dân nó như bị suy giảm đi.”, bà Hải nói.

Điều mà trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội nói là không sai, vì, người dân cảm nhận về Chính phủ liêm chính qua những công bộc của chính họ - những người họ gặp hàng ngày. Vấn đề đặt ra là dân biết nhưng nhiều cán bộ lại dường như không biết về những góc khuất ấy trong chính đội ngũ của mình. Và cũng từ đây, người ta có quyền đặt vấn đề về khâu giám sát.

Từ trước tới nay chúng ta vẫn có giám sát, có nghị quyết giám sát nhưng vấn đề rà soát, xem xét lại các kết quả thực hiện trong các nghị quyết này chưa được bài bản. Bà Nguyễn Thanh Hải cho biết, có một cử tri rất quan tâm đến vấn đề giám sát và hậu giám sát đã hỏi bà về vấn đề này. Vậy với các bộ ngành thì cử tri quan tâm nhất tới điều gì nếu không phải là những vấn đề liên quan tới trách nhiệm của các bộ trưởng, trưởng ngành và hoạt động hậu giám sát nhất là hiện đã ở giữa nhiệm kỳ Quốc hội và Chính phủ. Tức là đã có một thời gian vừa đủ để các bộ trưởng có điều kiện thực hiện những lời hứa của mình, những vấn đề cử tri nêu, đại biểu nêu và có phương án, kế hoạch đủ để các đại biểu, các cử tri có thể đánh giá các thành viên Chính phủ. Cũng vì lý do này mà tại kỳ họp Quốc hội vào tháng10 tới đây đại biểu Quốc hội sẽ thay mặt cho cử tri tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm.

2. Những điều bà Nguyễn Thanh Hải nói chính là câu chuyện của Quốc hội trong giám sát điều hành của Chính phủ. Theo như đánh giá của Ban Dân nguyện, công tác phòng chống tham nhũng, thu hồi tài sản đã đạt kết quả vượt trội. Điều đó hoàn toàn đúng nhưng đánh giá một cách công bằng đó là do sự chỉ đạo quyết liệt của đảng, sự vào cuộc của Ủy ban Kiểm tra, Thanh tra Chính phủ và không thể không nhắc đến vai trò của nhân dân.

Đọc thông báo kỳ họp thứ 29 của Uỷ ban Kiểm tra có thể thấy rõ tinh thần không ai, không tổ chức nào có thể đứng trên pháp luật, đứng ngoài pháp luật. Từ vấn đề của huyện ủy Hướng Hóa ở tỉnh Quảng Trị, Ban Thường vụ Đảng ủy Tổng cục Hậu cần - Kỹ thuật, Bộ Công an (Tổng cục IV); cho đến Ban Thường vụ tỉnh ủy Trà Vinh; rồi vụ việc ở Đà Nẵng cũng được lật lại với một cá nhân… điều đó cho thấy sự nghiêm minh trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng.

Cũng mới đây, Thanh tra Chính phủ đã ra thông báo số 1483 thông báo kết quả một số nội dung chủ yếu, trong quá trình thực hiện đầu tư, xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm trong đó có nêu, UBND TP và các sở, ngành liên quan đã để xảy ra khuyết điểm, vi phạm, ảnh hưởng đến quyền lợi của một số hộ dân sinh sống trên địa bàn, phát sinh khiếu nại.

Cụ thể, về ranh quy hoạch, việc UBND TP điều chỉnh giảm 23,3 ha là không đúng thẩm quyền, nhất là tăng 4,3 ha ở khu phố 1, phường Bình An là không đúng quy hoạch được Thủ tướng phê duyệt. Về thu hồi đất, UBND TP có quyết định thu hồi phần diện tích 4,3 ha để thực hiện Khu đô thị mới Thủ Thiêm là chưa đủ cơ sở pháp lý, không đúng với quy hoạch Thủ tướng duyệt. Về khu tái định cư 160 ha, UBND TP đã vi phạm các quy định pháp luật trong việc lập, trình, phê duyệt và thu hồi đất trong phạm vi này. Việc TP giao đất cho 151 dự án với tổng diện tích hơn 144 ha cho doanh nghiệp làm nhà ở, văn phòng, khu vui chơi… dẫn đến không đủ đất để bố trí tái định cư theo quy hoạch Thủ tướng phê duyệt, làm phá vỡ quy hoạch, việc xây dựng khu đô thị mới Thủ Thiêm bị đình trệ do người dân khiếu nại kéo dài chưa được giải quyết dứt điểm.

3. Những vụ việc kể trên chỉ là một số ví dụ về những vụ việc đã được cơ quan chức năng xem xét, kết luận hoặc ra thông báo trong thời gian gần đây. Để có được những kết luận như vậy, hẳn cơ quan chức năng đã phải làm việc rất vất vả trên tinh thần xem xét công tâm, đúng người, đúng việc, đưa ra ánh sáng những vụ việc tiêu cực. Điều đó thể hiện quyết tâm của Đảng, Nhà nước như đã nói ở trên; nhưng nó cũng cho thấy một băn khoăn: Vi phạm của cán bộ trong những vụ việc được Ủy ban Kiếm tra hay Thanh tra Chính phủ “khui” ra thể hiện sự xuống cấp về đạo đức công vụ. Người ta “ăn của công” không từ một thứ gì và giờ là “ăn của dân” không từ một thứ gì. Đạo đức công vụ có lẽ không chỉ nên xem xét ở chuyện tiếp xúc với dân, phụng sự nhân dân mà còn nên xem xét rộng ra hơn trong thực hiện, quản lý tài sản được Nhà nước giao quản lý… để thấy thực trạng của tình hình công chức hiện nay. Nhà nước cần phải biết được bộ phận công chức nào làm ăn chân chính; còn bộ phận công chức nào lợi dụng chức vụ quyền hạn làm ăn phi pháp; bộ phận công chức nào trong thực thi công vụ đã sách nhiễu nhân dân. Thấy được rồi mới biết được liệu sự giám sát của tổ chức với những cá nhân công chức đã từng sai phạm đã thật sự tốt hay chưa để từ đó có biện pháp giám sát hữu hiệu hơn chứ thực sự nếu chỉ nhìn vào những vụ việc được Ủy ban Kiểm tra Trung ương hay Thanh tra Chính phủ đưa ra gần đây thì rõ là khâu giám sát và hậu giám sát, dù chúng ta có nhiều tầng nấc nhưng lại khá lỏng lẻo; thậm chí là buông lỏng, để cán bộ tự tung tự tác đến mức gây hậu quả nghiêm trọng… rồi lại đi tìm cách khắc phục hậu quả.

4. Kỳ họp Quốc hội vào tháng 10 tới là kỳ họp cuối năm, sẽ có nhiều báo cáo của Chính phủ được đưa ra xem xét, trong đó có báo cáo về công tác phòng chống tội phạm mà tội phạm tham nhũng là một phần trong số đó. Từ báo cáo ấy và những vụ việc được nêu trong báo cáo; nghĩa là những vụ tham nhũng “đã bị lộ” nhân dân và cử tri sẽ biết được kết quả đấu tranh phòng chống tham nhũng cũng như kết quả giám sát vấn đề này đến đâu: Đâu là điểm mạnh, đâu là khâu yếu, việc khó. Nhưng vấn đề quan trọng đặt ra là có kết quả rồi thì duy trì điểm mạnh; khắc phục khâu yếu, việc khó mới là quan trọng. Cái này lại phụ thuộc vào yếu tố con người. Và vì thế, khâu giám sát và hậu giám sát luôn luôn quan trọng trong việc giảm thiểu các sai phạm. Nó không chỉ giúp tránh được thất thoát, lãng phí về tài sản mà còn giúp chúng ta không mất cán bộ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giám sát và hậu giám sát