Giám sát và vị thế Mặt trận

Việt Hà (thực hiện) 09/04/2017 10:15

Những kết quả đạt được trong hoạt động giám sát và phản biện xã hội của MTTQ tỉnh Tiền Giang thời gian qua đã phát huy dân chủ, đảm bảo quyền, lợi ích chính đáng của nhân dân. Chính điều này đã góp phần nâng cao uy tín của Mặt trận và huy động được người dân tham gia xây dựng chính quyền vững mạnh. Ông Quách Trung Sơn- Phó Chủ tịch MTTQ tỉnh Tiền Giang trao đổi với PV Đại Đoàn Kết.

Ông Quách Trung Sơn.

PV: Được biết, trong năm 2016 MTTQ tỉnh Tiền Giang đã thành lập nhiều đoàn giám sát do Chủ tịch MTTQ tỉnh cùng các Phó Chủ tịch làm trưởng đoàn, thực hiện công tác giám sát tại các huyện, thị, xã. Ông có thể chia sẻ những kết quả đạt được từ các cuộc giám sát này?

Ông Quách Trung Sơn: Trong các hoạt động giám sát năm 2016, MTTQ tỉnh Tiền Giang tập trung mạnh vào giám sát công tác quản lý nhà nước và việc cung cấp nước sinh hoạt cho nhân dân trên phạm vi toàn tỉnh. Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh đã thành lập 4 đoàn giám sát, mời các đoàn thể chính trị - xã hội của tỉnh cùng tham gia, giám sát tại 144 xã, 1 phường và 1 thị trấn. Qua giám sát cho thấy, mặc dù Nhà nước có nhiều quy định về việc cung cấp nước sinh hoạt cho nhân dân, nhưng thật sự nhiều nơi các cơ quan quản lý chưa quan tâm đến việc này, nhiều cơ sở cung cấp nước chưa đạt các quy định, gặp nhiều khó khăn trong vận hành và nâng cao chất lượng phục vụ… Chính những việc này đã khiến nhiều nơi người dân chưa được thụ hưởng nước sạch đảm bảo chất lượng.

Tất cả những khó khăn, tồn tại này đã được Đoàn giám sát chỉ ra, kiến nghị một cách cụ thể cho chính quyền các cấp. Tôi cho rằng đây là đợt giám sát thành công của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh. Từ kiến nghị của MTTQ, UBND tỉnh đã tổ chức họp bàn về việc cung cấp nước sạch cho người dân có sự tham gia của MTTQ, công ty cung cấp nước sạch. Hiện tỉnh đã có kế hoạch cung cấp nước sạch cho các huyện phía đông, sau đó tiếp tụcđến các huyện phía Tây.Hy vọng người dân các địa phương khó khăn về nguồn nước sẽ sớm có nước sạch để sử dụng.

Kỳ vọng của người dân là hoạt động giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận phải thật sự góp phần làm cho chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước sát hợp với đời sống xã hội hơn. Vậy hoạt động giám sát của MTTQ tỉnh Tiền Giang thời gian qua đã nhận được sự phản hồi như thế nào từ người dân?

- MTTQ tỉnh phối hợp với các tổ chức đoàn thể xã hội luôn lựa chọn những vấn đề người dân còn băn khoăn, bức xúc để giám sát. Ví dụ như để chuẩn bị tốt cho công tác giám sát việc cung cấp nước sạch cho người dân, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh đã chủ động xây dựng kế hoạch, xây dựng các biểu mẫu và tiến hành khảo sát tại các tổ, ấp, khu phố để nắm tình hình sử dụng nước sạch của người dân. Đa số nhân dân hài lòng về công tác giám sát của Mặt trận, qua đó, nhiều người đã phản ánh trung thực về tình trạng nguồn nước, chất lượng nước ở địa phương cũng như những băn khoăn, kiến nghị gửi tới các cấp chính quyền… tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động giám sát của Mặt trận.

Cần phải nói rằng phần lớn các đợt giám sát của Mặt trận tỉnh đều có bước khảo sát thực tế, mời gọi nhân dân tham gia cung cấp thông tin, phản ảnh thuận lợi, khó khăn ở địa bàn dân cư. Về công tác phản biện xã hội, MTTQ phối hợp các tổ chức thành viên tham gia phản biện các Nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND, quyết định, chỉ thị của UBND thuộc các lĩnh vực: văn hóa, xã hội, kinh tế, giáo dục và đào tạo, xây dựng nông thôn mới,… ảnh hưởng thiết thực đến đời sống nhân dân.Sau giám sát, đa số các kiến nghị của Mặt trận đều được các cơ quan chức năng nghiêm túc tiếp thu và có kế hoạch thực hiện. Nhiều kiến nghị đối với cấp huyện, xã được thực hiện ngay khi vừa xong đợt giám sát… nên rất được nhân dân hoan nghênh.

Ngoài ra, Mặt trận cơ sở luôn tập trung vận động các đối tượng cụ thể ở cộng đồng dân cư chấp hành pháp luật, nhân rộng các mô hình, nhóm nòng cốt, hoạt động tư vấn của các câu lạc bộ , đoàn thể, tổ nhân dân tự quản, tôn giáo. Điển hình như các mô hình “Cổng rào an toàn”, “Ba không” (không có người sử dụng ma túy, không có người vi phạm an toàn giao thông, không có người vướng vào tệ nạn xã hội); “Sáng - xanh - sạch - đẹp”; “Xây dựng gia đình hạnh phúc bền vững”; “Khu phố bình yên”; CLB Nông dân với pháp luật; Phụ nữ với pháp luật; CLB “Ông bà cháu”. Đặc biệt nhiều nơi đã thành lập CLB “Nông dân chung tay xây dựng nông thôn mới”.

Kinh nghiệm của một số địa phương trong thực hiện công tác giám sát đó là MTTQ phối hợp với một số tổ chức, đoàn thể để xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể từng hoạt động, lĩnh vực, nhất là những vấn đề ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích chính đáng của người dân? Vậy còn MTTQ tỉnh Tiền Giang thì sao, thưa ông?

- Tôi cho rằng đây là cách làm của nhiều địa phương và MTTQ tỉnh Tiền Giang cũng vậy. Trong các hoạt động của Mặt trận thì giám sát phản biện là một công việc khó, đòi hỏi người làm công tác Mặt trận luôn phải chủ động, sáng tạo, trách nhiệm. Ngoài giám sát độc lập thì thời gian qua MTTQ đã thực hiện tốt công tác phối hợp với Thanh tra tỉnh, Sở Tư pháp, Hội Luật gia, Đoàn Luật sư tỉnh về giám sát và nâng cao hiệu quả việc giải quyết khiếu nại, tố cáo ở cơ sở; với Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh tham gia giám sát về công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố của Cơ quan Cảnh sát điều tra tỉnh Tiền Giang; với Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công thương tỉnh tổ chức giám sát về việc thực hiện vệ sinh, an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh Tiền Giang; với Liên đoàn Lao động tỉnh giám sát việc thực hiện pháp luật lao động, Công đoàn và Bảo hiểm xã hội tại các doanh nghiệp;…Hay cụ thể hơn là việc thực hiện cơ chế một cửa trong giải quyết các thủ tục hành chính; công tác địa chính và quản lý, sử dụng đất công; chất lượng hoạt động của xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới; việc cho vay, hỗ trợ vốn cho hộ nghèo, hộ khó khăn;...

Có thể khẳng định những kết quả đạt được trong hoạt động giám sát và phản biện xã hội của MTTQ tỉnh thời gian qua đã phát huy dân chủ, đảm bảo quyền, lợi ích của nhân dân, góp phần xây dựng Đảng, chính quyền vững mạnh, đồng thời góp phần củng cố, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân. Chính điều này đã nâng cao uy tín của Mặt trận và huy động được sự tham gia xây dựng chính quyền của nhân dân.

Trong công tác giám sát ở Tiền Giang, vai trò của Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng được phát huy như thế nào, thưa ông?

- Trong chương trình phối hợp thống nhất hành động của Mặt trận các cấp trong tỉnh đối với hoạt động giám sát ở cơ sở chúng tôi luôn chú trọng đến vai trò của Ban Thanh tra nhân dân và Ban giám sát đầu tư của cộng đồng. Đây chính là lực lượng nòng cốt trong hoạt động giám sát, thực hiện tự giám sát, đặc biệt là giám sát cán bộ, công chức, đảng viên, cán bộ dân cử, giám sát các dự án đầu tư ở tại địa phương, giám sát việc thực hiện quy chế dân chủ, giám sát việc tiếp dân giải quyết khiếu nại tố cáo… mang lại nhiều hiệu quả tích cực. Qua hoạt động giám Ban Thanh tra nhân dân và Ban giám sát đầu tư cộng đồng thường xuyên kiến nghị các ngành chức năng, các đơn vị kịp thời khắc phục những sai sót, hạn chế, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và củng cố niềm tin trong nhân dân.

Có thể nói hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng tại xã, phường, thị trấn được coi là một kênh chống tiêu cực, tham nhũng, phát huy quyền làm chủ, tham gia quản lý xã hội hiệu quả của người dân.

Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giám sát và vị thế Mặt trận

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO